Quyết tâm phát triển
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhận định, dịch COVID-19 khiến ngành Du lịch cả nước nói chung, du lịch Đồng Nai nói riêng bị thiệt hại nặng nề. Tổ chức Du lịch Thế giới dự báo, ngành Du lịch sau năm 2023 mới có thể phục hồi và phát triển. Dù vậy, nỗ lực của Chính phủ với quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả, đẩy lùi COVID-19, khôi phục sản xuất, kinh doanh đang ngày càng thể hiện hiệu quả rõ rệt, khiến đời sống xã hội ngày càng ổn định, nhu cầu du lịch ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, các đường bay quốc tế đang từng bước khôi phục, mở ra triển vọng phục hồi mạnh mẽ các dịch vụ du lịch, là tiền đề để ngành Du lịch phục hồi và phát triển sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt. Đặc biệt, việc tập trung xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Liên Khương, Biên Hòa - Vũng Tàu và các dự án giao thông liên kết vùng trên địa bàn Đồng Nai sẽ tạo động lực, cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và du lịch nói riêng.
Bên cạnh quan điểm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, BCHĐB tỉnh Đồng Nai đồng thời xác định phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đảm bảo quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội. Huy động nhiều nguồn lực đầu tư vào du lịch để tạo bước đột phá; phát triển du lịch chất lượng cao, chú trọng du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp - nông thôn và du lịch về nguồn - tâm linh để tạo thương hiệu; phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và quốc tế, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Đồng Nai trở thành địa phương trọng điểm du lịch của vùng Đông Nam Bộ.
BCHĐB tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 đón 4,2 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt 840.000 lượt, thời gian lưu trú trung bình của khách đạt 1,6 ngày trở lên; 110.000 lượt khách quốc tế (tăng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 39%/năm); doanh thu dịch vụ du lịch đạt 3.400 tỷ đồng (tăng bình quân giai đoạn 2021¬2025 đạt 57,7%/năm); chi tiêu bình quân đạt 800.000 đồng/ngày/người. Đến năm 2025, 100% người lao động làm việc tại các cơ sở du lịch và cán bộ quản lý nhà nước về du lịch được đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ; du lịch Đồng Nai mang lại việc làm cho 6.000 lao động trực tiếp và 10.000 lao động gián tiếp. Đến năm 2030, du lịch Đồng Nai phấn đấu đón 9 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt 1.700.000 lượt; thời gian lưu trú trung bình của khách đạt 1,85 ngày trở lên; 220.000 lượt khách quốc tế (tăng bình quân giai đoạn 2026-2030 đạt 15,2%/năm); doanh thu dịch vụ du lịch đ���t 10.000 tỷ đồng (tăng bình quân giai đoạn 2026-2030 đạt 22,8%/năm); chi tiêu bình quân lượt khách đạt 1.100.000 đồng/ngày/người. Đến năm 2030, 100% người lao động làm việc tại các cơ sở du lịch và cán bộ quản lý nhà nước về du lịch được đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ; du lịch Đồng Nai mang lại việc làm cho 12.000 lao động trực tiếp và 22.000 lao động gián tiếp.
Nhiều giải pháp được đặt ra
Nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, BCHĐB tỉnh Đồng Nai đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: “Đồng Nai cần tiếp tục triển khai Kế hoạch số 118-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; làm cho mỗi đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của phát triển du lịch”. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh đồng thời cho rằng, cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; đổi mới mạnh mẽ tư duy của các cấp ủy đảng, chính quyền; tăng cường hơn nữa sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để phát triển du lịch là ngành kinh tế quan trọng, mang nội dung văn hóa và nhân văn sâu sắc. Từ đó, có những đóng góp quan trọng vào hội nhập kinh tế, tạo động lực cho các ngành khác phát triển; mang lại hiệu quả phát triển các mặt kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Mặt khác, BCHĐB tỉnh Đồng Nai yêu cầu rà soát tích hợp các vị trí có tiềm năng lớn phát triển du lịch vào Quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm cơ sở mời gọi và lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo khai thác hài hòa, có hiệu quả tiềm năng, lợi thế du lịch khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa vào khai thác. Ưu tiên vị trí thuận lợi, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để xây dựng các khu du lịch chất lượng cao, đa dạng, phong phú về sản phẩm du lịch; các cơ sở lưu trú du lịch đạt chuẩn từ 3 sao trở lên; tạo điều kiện phát triển hệ thống nhà hàng, siêu thị, trung tâm tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, thương mại để hỗ trợ phát triển du lịch. Tập trung ngân sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch tại TP. Biên Hòa, các huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Long Thành, Nhơn Trạch; phát triển hạ tầng giao thông, bến thủy nội địa; hệ thống thông tin liên lạc kết nối các khu du lịch trọng điểm để tạo động lực thu hút đầu tư... Cùng với đó, đầu tư bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp các di tích, di sản để phát huy giá trị khai thác phục vụ du lịch; nâng cao sức cạnh tranh, tạo thương hiệu và đột phá cho du lịch Đồng Nai.
Bên cạnh đó, BCHĐB tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu tập trung xây dựng 3 sản phẩm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch nông nghiệp - nông thôn; chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch ẩm thực, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch mua sắm, gắn kết các sản phẩm OCOP với các điểm du lịch. Đặc biệt, nghiên cứu thí điểm mô hình phát triển kinh tế đêm tại TP. Biên Hòa và TP. Long Khánh, tiến tới mở rộng để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và khách du lịch; nghiên cứu hình thành một số loại hình du lịch phù hợp đón đầu khách quốc tế khi Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đưa vào hoạt động.
Ngoài ra, Đồng Nai cũng cần quan tâm hơn đến phát triển nguồn nhân lực du lịch. Rà soát, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ du lịch cho những người làm công tác quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp; bồi dưỡng kiến thức về du lịch, văn hóa kinh doanh, kỹ năng giao tiếp ứng xử cho người lao động... Tăng cường tuyên truyền, phổ biến bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch; thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, cứu hộ, bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch, đặc biệt là các biện pháp an toàn trong phòng, chống các loại dịch bệnh; ngăn chặn hiện tượng chèo kéo khách, nâng giá dịch vụ... nhằm xây dựng Đồng Nai là điểm đến văn minh, an toàn, thân thiện, hiếu khách. Tăng cường hoạt động thông tin, truyền thông; đổi mới, nâng cao hiệu quả quảng bá, xúc tiến du lịch; gắn hoạt động xúc tiến du lịch với thương mại và đầu tư. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19. Ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, khuyến khích sử dụng công nghệ xanh, sạch, năng lượng tái tạo trong hoạt động kinh doanh du lịch, từ đó hỗ trợ kết nối và tăng trải nghiệm cho khách du lịch.
Phước Hà
Nhiệm vụ đột phá của Đồng Nai là huy động các nguồn lực tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, đặc biệt là các tuyến đường giao thông, bến tàu gắn với khu, điểm du lịch và sản phẩm du lịch để tạo đột phá phát triển du lịch. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu du lịch có quy mô lớn, chất lượng cao, sản phẩm đa dạng. Nghiên cứu hình thành một số loại hình du lịch, điểm du lịch nhằm đón đầu, khai thác hiệu quả tác động từ Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh |