Buổi lễ ra mắt Trung tâm có sự hiện diện của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Hà Văn Siêu; Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang; PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học (ĐHKHXH&NV); PGS.TS Nguyễn Thị Nguyên Hồng, Trưởng khoa Du lịch –Khách sạn (ĐH Thương mại) và trưởng khoa du lịch nhiều cơ sở đào tạo khác.
Phát biểu tại lễ ra mắt, Tổng Giám đốc Hanoi Tourism Nhữ Thị Ngần bày tỏ, sự ra đời của THD hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cho nhân lực làm việc trong ngành Du lịch, bổ sung trang bị kỹ năng thực tế, kịp thời thích nghi với sự thay đổi của thị trường du lịch – xu hướng du lịch trong giai đoạn bình thường mới, đóng góp một phần vào sự phục hồi và phát triển của Du lịch Việt Nam…
“Nhu cầu về nguồn nhân lực du lịch sau COVID-19 là một trong những vấn đề cấp thiết của ngành Du lịch, của xã hội, bởi sau đại dịch, các doanh nghiệp (DN) du lịch trụ lại và vẫn giữ “lửa nghề” đều phải tổ chức lại hoạt động để thích ứng với “guồng quay” mới, trong đó yếu tố cốt lõi là nguồn lực. Chúng tôi mong muốn sự ra đời của THD góp phần mang lại đóng góp cho sự phát triển nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, cho những người tâm huyết với nghề trong giai đoạn bình thường mới”, bà Ngần nói.
Giám đốc THD, ông Trịnh Lê Anh chia sẻ, sự mai một về nguồn nhân lực du lịch bởi COVID-19 là điều thấy rõ, bởi vậy, sự ra đời của THD rất có ý nghĩa đối với việc “truyền lửa” từ những người có nhiều kinh nghiệm về du lịch với những đang đau đáu niềm đam mê với nghề, đang chờ thời điểm du lịch “kích hoạt” trở lại.
“Có một thực tế rất rõ hiện nay là nhà hàng mở lại không có nhân viên làm, DN mở lại tour không có HDV… bởi đội ngũ này chuyển nghề trong thời gian du lịch “đóng băng”. THD sẽ kết nối người cần học, người có nhu cầu học để sẵn sàng tư thế khi du lịch hoạt động trở lại, thông qua hình thức đào tạo linh hoạt, trực tiếp cũng như nền tảng số. Vấn đề nữa là những điều kiện phát triển du lịch trong thời kỳ mới đòi hỏi sự thay đổi nhiều về khả năng tiếp cận thực tế, hoặc công nghệ 4.0…Sự ký kết hợp tác đào tạo giữa THD và các cơ sở đào tạo cho thấy cái “bắt tay” giữa đào tạo chính quy với đào tạo thích ứng, linh hoạt với tình hình để nâng cao sức “đề kháng”, cũng như có một liều “vắc xin tinh thần” là đặc biệt quan trọng…”, tân Giám đốc THD bày tỏ.
Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Hanoi Tourism đã vượt qua giai đoạn khó khăn bởi đại dịch COVID-19 suốt 2 năm qua, không những không rơi vào tình trạng gián đoạn, “ngủ đông”, bằng sự cố gắng không ngừng, Hanoi Tourism vẫn duy trì hoạt động và nỗ lực biến các ý tưởng thành hiện thực, mà THD là một minh chứng sinh động, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, sự ra đời của THD tại thời điểm cả ngành du lịch thế giới cũng như Du lịch Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho một giai đoạn mới, giai đoạn sau đại dịch COVID-19 trong đó vai trò con người là yếu tố quan trọng là một sự quyết đoán của Hanoi Tourism. “Có thể nói đây là sự đón đầu giai đoạn phục hồi, đáp ứng nhân lực cho du lịch thủ đô nói riêng, cho ngành Du lịch nói chung”, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu nhấn mạnh.
Nhìn nhận từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang bày tỏ mong muốn sự kết nối giữa các trường du lịch với DN chặt chẽ hơn để khi sinh viên ra trường có thể bắt nhịp ngay với công việc. Theo bà Giang, gần đây công tác đào tạo đã bám khá sát thực tiễn, nhưng sự phát triển, biến động không ngừng của đời sống xã hội và hoạt động du lịch, nhất là những xu hướng mới sau giai đoạn dịch COVID-19 đòi hỏi những hàm lượng khoa học hơn nữa. “Nội hàm của du lịch là sự năng động, sáng tạo, bởi vậy sự ‘truyền lửa’ từ những nhân tố ‘thực chiến’ già dặn kinh nghiệm sẽ tạo động lực hết sức quan trọng tiếp sức cho những người đam mê với nghề cũng như đội ngũ kế cận”, bà Giang nói.
Chia sẻ tại lễ ra mắt trung tâm, PGS.TS Nguyễn Thị Nguyên H���ng,Trưởng khoa Du lịch –Khách sạn (ĐH Thương mại) cho rằng, sự phát triển ở thế “kiềng 3 chân” (lữ hành – nông sản sạch OCOP – nhân lực) của Hanoi Tourism cho thấy tầm nhìn chiến lược của DN.
“Thời gian gần đây, không chỉ riêng khoa Khách sạn - Du lịch, ĐH Thương mại, mà nhiều các cơ sở đào tạo du lịch khác đều có sự chuyển biến đáng kể, gắn lý thuyết với thực hành, đáp ứng chuẩn đầu ra. Tuy nhiên, sau giai đoạn COVID-19 sự chuyển mình thích ứng với nhu cầu lao động sau COVID-19 càng cần sự thiết thực hơn nữa, bởi vậy mối quan hệ chặt chẽ với DN để song hành lý thuyết với thực hành của sinh viên là hết sức quan trọng”, PGS.TS Nguyễn Thị Nguyên Hồng khẳng định.
Hùng Nguyễn