
Thương hiệu du lịch biển
Một trong những cơ sở để Bình Thuận sẽ trở thành một trung tâm du lịch biển quốc gia chính là Đề án“Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt. Trong đó, thành phố Phan Thiết là đô thị du lịch quốc gia; Mũi Né là khu du lịch quốc gia trong không gian du lịch biển Nam Trung Bộ; đảo Phú Quý là điểm du lịch quốc gia. Cùng với định hướng phát triển thị trường và tạo ra các sản phẩm du lịch biển mang tính liên kết, Bình Thuận sẽ được ưu tiên xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù và sản phẩm du lịch biển hấp dẫn
Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, tỉnh Bình Thuận đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình hành động quốc gia về du lịch giai đoạn 2013 – 2020. Một trong những nhiệm vụ chính là phát triển thương hiệu du lịch Bình Thuận ngang tầm quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Bình Thuận sẽ tập trung nhiều nguồn lực để định vị ngày càng vững chắc thương hiệu du lịch Mũi Né – Phan Thiết ở các thị trường du lịch quốc tế và trong nước, giữ uy tín và đảm bảo chất lượng sản phẩm để bảo vệ thương hiệu. Đến năm 2020, Bình Thuận sẽ là trung tâm du lịch biển quốc gia và là điểm đến nổi bật với loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái rừng – biển – đảo kết hợp du lịch văn hóa, ầm thực.
Bên cạnh “chương trình hành động”, Du lịch Bình Thuận tiếp tục được quan tâm đầu tư thông qua đề án quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, huy động cả nguồn vốn Nhà nước, đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp và nhân dân để phát triển du lịch. Tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực, giải pháp quy hoạch, đa dạng hóa sản phẩm, kiểm soát chất lượng hoạt động du lịch, bảo vệ môi trường và hợp tác phát triển du lịch biểu, đảo.
Trung tâm du lịch thể thao biển quốc gia
Tiếp tục khẳng định vị thế của một đô thị du lịch quốc gia, ngành du lịch còn tạo nên những bước đột phá mới. Đó là đột phá trong tăng trưởng lượng khách đến và doanh thu, bình quân hàng năm lượng khách đến Bình Thuận tăng từ 12-14%, doanh thu tăng từ 19-20%, riêng 9 tháng đầu năm 2016 đạt 3,24 triệu lượt du khách (khách quốc tế có 271.132 lượt), doanh thu đạt 6.429 tỷ đồng. Kêu gọi những dự án đầu tư du lịch lớn cũng là một bước đột phá mới để luôn là điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế. Bình Thuận sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư các dự án, những tổ hợp du lịch – dịch vụ vui chơi, giải trí quy mô lớn, chất lượng cao.
Thương hiệu du lịch biển Mũi Né – Bình Thuận không chỉ là “thiên đường nghỉ dưỡng”, mà những năm qua còn liên tục được Hiệp hội Lướt ván buồm quốc tế đánh giá là một trong những bãi biển tốt nhất châu Á để tổ chức thi đấu và biểu diễn các môn thể thao trên biển như lướt ván buồm, lướt ván diều, lướt sóng, lướt ván, thuyền buồm… Hiện nay, Mũi Né đã thường xuyên tổ chức các giải thể thao du lịch biển thường niên như Lướt ván buồm quốc tế Fun Cup; vòng châu Á của giải vô địch Lướt ván diều thế giới; Festival thuyền buồm quốc tế.
Chuẩn bị cho việc sớm trở thành một trung tâm du lịch thể thao biển quốc gia, Bình Thuận đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển cảnh quan du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” với mục đích định hướng cho sự phát triển du lịch, đầu tư xây dựng các công trình thể thao và du lịch cấp quốc gia, sẵn sàng tổ chức thành công các sự kiện quy mô thế giới. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế 5 năm 2015 – 2020, trong đó nêu rõ: “Phát huy các tiềm năng, lợi thế và đẩy mạnh các biện pháp để phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, triển khai thực hiện tốt “Đề án trung tâm du lịch - thể thao biển” mang tầm quốc gia; xây dựng và giữ vững thương hiệu quốc gia Khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né, thành phố Phan Thiết.
Nguyên Vũ
.