Những giá trị đặc sắc của văn hóa Khmer
Có thể nói văn hóa của đồng bào Khmer là nguồn tài nguyên độc đáo để phát triển du lịch. Văn hóa của đồng bào Khmer phong phú, là những sáng tạo hiện hữu trong không gian như những di tích lịch sử văn hóa, trang phục truyền thống, những mặt hàng thủ công, các công cụ trong sinh hoạt, sản xuất, các món ăn dân tộc… Bên cạnh đó còn có các lễ hội; phong tục, tập quán; tín ngưỡng, tôn giáo; văn học - nghệ thuật…
Đặc biệt, lễ hội văn hóa của tộc người Khmer Nam Bộ được xem là hệ thống di sản mang nhiều giá trị văn hóa – lịch sử lâu đời với nhiều nét đặc thù, độc đáo của văn hóa địa phương. Hàng năm, các lễ hội lớn của đồng bào Khmer đều diễn ra như: lễ Chol Chnam Thmey, lễ Sene Dolta, lễ Ok OmBok, đua ghe ngo… với những ý nghĩa khác nhau. Các lễ hội phản ánh đời sống tín ngưỡng – văn hóa – tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ.
Nói đến Kiên Giang, một trong những tỉnh có đông đảo đồng bào Khmer sinh sống (sau Sóc Trăng và Trà Vinh), người ta thường nhớ ngay đến những lễ hội đua ghe ngo hàng năm được tổ chức thường xuyên tại phường Vĩnh Hiệp, TP. Rạch Giá và tại huyện Gò Quao, thu hút hàng nghìn khán giả từ khắp nơi trong tỉnh và khu vực lân cận.
Nhắc đến đồng bào Khmer, mọi người thường nghĩ ngay đến lễ tết Chol Chnam Thmay hoặc lễ cúng trăng Ook Om Bok của họ. Tỉnh Kiên Giang cũng đã chú trọng phối hợp với các hãng lữ hành xúc tiến du lịch sinh thái, tắm biển, thể thao; đặc biệt là ở loại hình du lịch văn hóa - về nguồn, cụ thể là qua chương trình thăm viếng các khu du tích lịch sử, văn hóa như đình thần Nguyễn Trung Trực, mộ chị Phan Thị Ràng - anh hùng lực lượng vũ trang, các chùa chiền Khmer, tham gia các lễ hội truyền thống lớn của đồng bào Khmer…
Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang cũng đã 7 lần tổ chức “Ngày hội Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) dân tộc Khmer” (từ năm 2007 đến năm 2013) vào dịp lễ hội Ok-om-bok. Trước và trong thời gian diễn ra ngày hội, Trung tâm văn hóa, Bảo tàng tỉnh Kiên Giang triển lãm tranh, ảnh, hiện vật có liên quan đến đời sống, sinh hoạt nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer. Ngày hội thực sự là một sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng đối với người dân trong tỉnh và du khách bốn phương.
Nếu các giá trị văn hóa của tộc người Khmer Nam Bộ nói chung và đồng bào Khmer tại Kiên Giang nói riêng được nghiên cứu kỹ, khai thác tốt, chắc chắn có thể trở thành những sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch.
Phát triển một số sản phẩm du lịch văn hóa ở Kiên Giang
Để Kiên Giang có thể khai thác tốt các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer phục vụ phát triển du lịch, việc lựa chọn và xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa là cần thiết. Các sản phẩm du lịch đó phải đa dạng, có khả năng thỏa mãn nhu cầu của tìm hiểu văn hóa của du khách. Cụ thể như:
Bộ sản phẩm du lịch “Hoạt động văn hóa thể thao”: tổ chức cho du khách được trải nghiệm các lễ hội của đồng bào Khmer, tham gia cả phần lễ và phần hội (lễ Chol Chnam Thmey, lễ Sene Dolta, lễ Ok Om Bok); tổ chức cho du khách tham gia đua ghe Ngo và các trò chơi dân gian khác của đồng bào Khmer.
Bộ sản phẩm du lịch “Biểu diễn nghệ thuật văn hóa Khmer”: tổ chức theo mô hình giao lưu cồng chiêng Tây Nguyên, tổ chức cho du khách tham gia biểu diễn nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer.
Bộ sản phẩm “Văn hóa ẩm thực Khmer Nam Bộ”: tổ chức cho du khách tham gia lựa chọn nguyên liệu và chế biến các món ăn truyền thống của đồng bào Khmer tại Kiên Giang.
Bộ sản phẩm du lịch “Tìm hiểu về văn hóa tín ngưỡng”: khai thác những giá trị về văn hóa tín ngưỡng của đồng bào Khmer.
Một số đề xuất
Kiên Giang là một tỉnh có tiềm năng rất lớn trong việc khai thác văn hóa đồng bào Khmer để phát triển du lịch. Để khai thác tốt các giá trị văn hóa ấy, tỉnh Kiên Giang cần phải: định hướng khai thác, bảo tồn, quy hoạch cụ thể các tài nguyên văn hóa của đồng bào Khmer khi đưa vào khai thác du lịch; xây dựng nhận thức khai thác du lịch văn hóa Khmer; xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa (biểu diễn nghệ thuật, văn hóa ẩm thực, hoạt động văn hóa thể thao, lễ hội của đồng bào Khmer); đầu tư cơ sở vật chất (xây dựng chùa, bảo tàng văn hóa Khmer); xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch văn hóa; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch chuyên đề (văn hóa); thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động văn hóa của đồng bào Khmer.
Ths. Lương Ngọc Bích
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)