Do đời sống của cư dân quanh vùng đệm gặp khó khăn nên VQG phải thường xuyên đối mặt với tình trạng xâm nhập trái phép của cư dân để khai thác thủy sản, chặt phá rừng, lấy mật ong..; tranh chấp đất đai với vườn ở những vùng đệm. Tình trạng cháy rừng và sự xâm nhập sinh vật ngoại đang diễn ra ngày càng khó kiểm soát. Chế độ thủy văn của Vườn đang đứng trước nguy cơ bất ổn khi các quốc gia đầu và giữa nguồn sông Mê Kông xây dựng các đập thủy điện.
Một số giải pháp nhằm phát triển du lịch sinh thái tại VQG Tràm Chim:
Về cơ chế, chính sách:
Tạo điều kiện cho cư dân địa phương tham gia vào phát triển du lịch sinh thái bằng các biện pháp như miễn giảm thuế đối những thành phần tham gia cung ứng dịch vụ du lịch, đồng thời tính toán tỷ lệ lợi nhuận thu được qua hoạt động du lịch giữa doanh nghiệp du lịch và cư dân địa phương sao cho hoạt động du lịch đem lại cho người dân địa phương khoản thu nhập ổn định và tương xứng với những gì họ đã đóng góp, có như vậy họ mới thực sự tích cực tham gia phát triển du lịch, cũng như có ý thức giữ gìn và ngày càng làm trong sạch môi trường sinh thái nhằm khai thác lâu dài.
Kêu gọi sự hợp tác đầu tư khai thác, kinh doanh du lịch của cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế. Cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư.
Có chính sách đầu tư nguồn kinh phí hợp lý nhằm bảo tồn các điều kiện về môi trường sinh thái, tự nhiên của VQG.
Về công tác quản lý:
Quản lý VQG phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch chung về khai thác và bảo tồn của vùng, địa phương trong từng giai đoạn. Liên kết với các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh thành những tour trọn gói nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tính mùa vụ trong du lịch.
Trong quản lý tài nguyên thiên nhiên cho khai thác du lịch sinh thái cần chú ý đến sức chứa du lịch, bao gồm sức chứa kinh tế, sức chứa xã hội và sức chứa sinh thái để làm cơ sở cho quy hoạch, đầu tư và khai thác du lịch.
Tăng cường liên kết, xúc tiến và quảng bá du lịch:
Cần tăng cường liên kết với công ty cổ phần du lịch Đồng Tháp và các công ty du lịch lữ hành ở TP. Hồ Chí Minh, khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Kết hợp xây dựng tour nối các điểm tham quan của tỉnh và nước bạn Campuchia. Kết hợp xây dựng tour tham quan gắn với giáo dục môi trường, bảo vệ rừng…
Tăng cường quảng bá tiếp thị thông qua phát hành các ấn phẩm, sách hướng dẫn du lịch, video giới thiệu về VQG nhằm phổ biến rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước. Sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin và truyền thông như Internet, báo đài, truyền hình, xây dựng và thường xuyên cập nhật website về VQG… để giới thiệu về hình ảnh VQG đến với công chúng một cách sâu rộng.
Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng:
Đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phù hợp với du lịch sinh thái đóng vai trò quan trọng. Nâng cấp và hoàn thiện tuyến đường đê bao quanh khu A1, hoàn thiện tuyến đường đê bao khu A2 để du khách có thể thuận lợi tham quan vườn vào mùa khô và mùa mưa. Đầu tư xây dựng, nâng cấp nơi nghỉ chân, ăn uống, mua sắm, lưu trú và giải trí ở khu C của VQG nhằm giảm đến mức thấp nhất sức ép lên công tác bảo vệ.
Xây dựng lại bến thuyền tham quan ở khu Trung tâm du lịch để thuận tiện cho du khách đi tham quan; xây dựng lại nhà nghỉ chân giữa rừng tràm bằng các vật liệu thiên nhiên sẵn có của Vườn phù hợp với cảnh quan sinh thái.
Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và đào tạo đội ngũ nhân viên:
Cư dân vùng đệm quanh VQG phần lớn là những hộ nghèo, trình độ dân trí chưa cao. Vì vậy, phát triển du lịch muốn đạt hiệu quả cần phải tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia cung cấp các dịch vụ hỗ trợ để họ có thể nâng cao đời sống và góp phần vào công tác bảo tồn. Các dịch vụ mà cư dân địa phương có thể tham gia vào hoạt động du lịch cần phải có sự hỗ trợ của Vườn và chính quyền sở tại như: hỗ trợ vốn ban đầu để họ có thể tạo ra những sản phẩm và cung cấp dịch vụ cho du khách; đào tạo và bồi dưỡng nhằm nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng đối với hoạt động du lịch; đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cộng đồng về hướng dẫn, giao tiếp và phục vụ du lịch; mở các lớp học tập ngoại khóa về giáo dục môi trường cho học sinh – sinh viên trong và ngoài tỉnh…
Thường xuyên mở các lớp tập huấn ngắn hạn cho đội ngũ cán bộ và nhân viên trong Ban quản lý và du lịch của VQG các chuyên đề về du lịch nói chung và đặc biệt là du lịch sinh thái, bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước nói riêng. Tổ chức các chuyến tập huấn, tham quan thực tế tại các VQG có hoạt động du lịch sinh thái đạt hiệu quả trong nước để trao đổi kinh nghiệm và học tập cách làm du lịch; học tập kinh nghiệm và quản lý về du lịch sinh thái ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, New Zealand, Australia, Singapore… thông qua việc cử các cán bộ có năng lực chuyên môn đi tập huấn. Mở rộng đào tạo và bồi dưỡng cho hướng dẫn là cư dân địa phương, chú ý đến nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ cho cán bộ, nhân viên Ban du lịch VQG tạo thuận lợi trong đón tiếp, phục vụ các đoàn khách quốc tế, các tổ chức nghiên cứu khoa học…
Tăng tính hấp dẫn thông qua đa dạng hóa sản phẩm du lịch:
Phương pháp 1+1>2: đây là phương pháp làm tăng giá trị điểm du lịch nhờ liên kết các tài nguyên du lịch lại với nhau. Liên kết giữa loại hình du lịch trên sông từ nguồn tài nguyên là hệ thống kênh đào, sông rạch trong vườn có thể phối hợp với ghe, xuồng, đời sống cư dân bản địa (tài nguyên nhân văn) và khám phá khệ sinh thái đất ngập nước (tài nguyên thiên nhiên), từ đó hình thành thêm những sản phẩm mới như nghe đờn ca tài tử trong không gian vườn…
Phương pháp rũ bụi thời gian: là phương pháp yêu cầu khá cao về kiến thức của nhà quản lý, hướng dẫn viên…họ cần có kiến thức về lịch sử, về dân tộc học, về địa lý, về khí hậu, về văn hóa, về sinh thái mà đặc biệt là sinh thái đất ngập nước…và ứng dụng vào việc thuyết minh, giới thiệu điểm tham quan trong VQG Tràm Chim. Họ phải hiểu rõ các lớp, tầng trong thời dã sử (tầng địa sử, tầng tiền sử, tầng lịch sử) và hiện tại là tầng hiện đại được mệnh danh là Đồng Tháp Mười thu nhỏ. Đây là phương pháp hữu hiệu để tăng thời gian lưu khách tại điểm tham quan và tăng tính tò mò, khám phá, tìm hiểu của du khách.
Kết hợp khai thác du lịch thiền (Zen tour): Thật thú vị khi VQG Tràm Chim đưa loại hình du lịch thiền vào khai thác. Đây là một loại hình đang được quan tâm và khá phát triển vì cuộc sống hiện đại có quá nhiều áp lực: công việc, gia đình, tiền bạc,… khiến con người mệt mỏi, họ cần những tour về với thiên nhiên, gần gũi sự dân dã và được tĩnh tâm (thiền). Ở đây loại hình du lịch sinh thái có thể kết hợp để khai thác du lịch thiền.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Annalisa Koeman (1998). Du lịch sinh thái trên cơ sở phát triển du lịch bền vững. Tuyển tập báo cáo Hội thảo về Du lịch sinh thái với phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam, Hà Nội.
2. Lê Huy Bá (Chủ biên), Thái Lê Nguyên (2006). Du lịch sinh thái. Nxb Khoa học và Kỹ thuật.
3. Phạm Trung Lương (Chủ biên), Hoàng Hoa Quân, Nguyễn Ngọc Khánh, Nguyễn Văn Lanh, Đỗ Quốc Thông (2002). Du lịch sinh thái - Những vấn đề về lý luận và thực tiễn phát triển ở Việt Nam. Nxb Giáo dục.
4. Phạm Trung Lương, Hoàng Hoa Quân, Hoàng Đạo Bảo Càm (2006). Báo cáo định hướng phát triển du lịch sinh thái góp phần bảo tồn đa dạng sinh học ở VQG Tràm Chim và khu bảo tồn Láng Sen. Viện Môi trường và Phát triển bền vững, Hà Nội.
|
Võ Nguyên Thông
(Tạp chí Du lịch)