Vậy đâu mới thực sự là vấn đề, tôi cho rằng nó nằm ở chiến lược xúc tiến cho những khẩu hiệu, biểu tượng ấy. Ở các nước bạn, họ tung ra khẩu hiệu đi kèm với một loạt chiến lược xúc tiến sản phẩm du lịch thế mạnh của mình, khách du lịch tiếp nhận hình ảnh về du lịch của một quốc gia và hình ảnh về sản phẩm du lịch cụ thể cùng một lúc, xác lập trong tâm trí họ một ấn tượng thống nhất. Việc chọn ra được sản phẩm du lịch thế mạnh để tập trung xúc tiến rất khó khăn. Nhưng, giữa những loại hình/sản phẩm du lịch phổ biến mà các nước xung quanh đang dần xác lập ưu thế, có một loại hình/sản phẩm du lịch tương đối mới và quan trọng, mang những đặc điểm thích hợp để phát triển ở Việt Nam - không phụ thuộc mùa vụ, phát triển dựa trên bản sắc văn hóa của cư dân bản địa, bền vững cao, không yêu cầu cơ sở vật chất cao cấp,phức tạp… - đó chính l“du lịch sáng tạo”! Loại hình hay sản phẩm nàyhứa hẹn góp phần phát triển thương hiệu du lịch nước nhà nếu được quan tâm áp dụng một cách có hệ thống ở Việt Nam.
Du lịch sáng tạo có phù hợp với Việt Nam?
Du lịch sáng tạo dễ bị nhầm lẫn với du lịch homestay hay du lịch trải nghiệm (experimental tourism). Có thể thấy, du lịch sáng tạo và du lịch homestay có rất nhiều điểm tương đồng, cả hai loại hình du lịch đều đề cao yếu tố tương tác với người dân bản địa, tuy nhiên, du lịch homestay nhấn mạnh vào phương thức trải nghiệm (“ba cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt), còn du lịch sáng tạo nhấn mạnh vào kết quả của quá trình trải nghiệm và tương tác, đó là khám phá bản thân, có cơ hội tìm hiểu, học hỏi từ nền văn hóa bản địa. Du lịch sáng tạo và du lịch trải nghiệm cùng đề cao trải nghiệm và khuyến khích du khách thử thách bản thân. Tuy nhiên, du khách của du lịch trải nghiệm tìm kiếm kinh nghiệm ý nghĩa và đáng nhớ thông qua những trải nghiệm trực tiếp; với mục tiêu ấy, nhà cung cấp dịch vụ du lịch hướng du khách tới những hoạt động mang lại trải nghiệm, trong đó, việc tiếp xúc, học hỏi với cộng đồng địa phương chỉ là một khía cạnh nhỏ. Chất lượng, mức độ trải nghiệm của tour trải nghiệm là một kết quả được chia đều trách nhiệm cho cả 2 bên (cả nhà cung cấp dịch vụ và du khách). Du khách chi trả tiền và thời gian. Nhà cung cấp chịu trách nhiệm dựa trên những kinh nghiệm có được tạo điều kiện cho du khách có những trải nghiệm thú vị, đáng nhớ. Trong khi đó, du lịch sáng tạo “tô đậm” mối tương tác giữa du khách và cộng đồng địa phương hơn.
Du lịch sáng tạo mang rất nhiều đặc điểm phù hợp để phát triển ở Việt Nam, thậm chí có thể nói là khắc phục những hạn chế đang tồn tại của du lịch nước ta.
Không phụ thuộc mùa vụ: du khách của du lịch sáng tạo đến với cộng đồng bản địa để học hỏi kinh nghiệm, trải nghiệm bản sắc, tính mùa vụ nhìn chung không ảnh hưởng sâu sắc tới du lịch sáng tạo.
Khắc phục tính cạnh tranh kém: du lịch sáng tạo nhấn mạnh tính “đặc trưng”, tính đặc trưng là điều kiện tiên quyết và sống còn của du lịch sáng tạo, đây là điểm mạnh của Du lịch Việt Nam, chắc chắn, nếu khai thác hiệu quả, bản sắc văn hóa của 54 dân tộc sẽ là nguồn tài nguyên dồi dào cho du lịch sáng tạo Việt Nam. Chính vì nhấn mạnh tính đặc trưng, nên sản phẩm du lịch sáng tạo khó lòng sao chép, tài nguyên cho loại hình du lịch này chính là văn hóa bản địa vốn khó bị lặp lại. Không có vùng đất nào không có riêng cho mình những giá trị độc đáo trong nghệ thuật, thủ công, mỹ nghệ, nghi lễ… Sức hấp dẫn của nó phụ thuộc vào mức độ khác biệt. Có những khác biệt thú vị nổi tiếng toàn thế giới, có những khác biệt có mức thu hút vừa phải. Đối với du lịch sáng tạo, vùng đất nào cũng có thể có điểm thú vị, trở thành tài nguyên của du lịch sáng tạo nếu biết cách khai thác.
Du khách không giới hạn lứa tuổi: Công nghiệp hóa nhanh chóng vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 làm những kiến thức về công nghệ, đồ thủ công, mỹ thuật… trong quá khứ bị mai một hoặc quên lãng. Những người thuộc tuổi của “thế hệ bùng nổ dân số”, với ý thức về phát triển bền vững mạnh mẽ hơn những lớp đi trước, có nhu cầu tìm hiểu để phục hồi cho các thế hệ mai sau những kỹ năng và công nghệ bị mất đó. Bên cạnh quá trình công nghiệp hóa, đó chính là xu hướng dân số già ngày càng phổ biến ở các nước, nhất là các nước phát triển. Có nhiều người già ở tuổi nghỉ hưu hơn, nghĩa là xuất hiện nhiều hơn những người có đủ cả nguồn lực tài chính và quỹ thời gian dành cho việc khám phá những vùng đất, những hoạt động mà trước kia họ không có thời gian để làm.
Thời gian áp dụng linh hoạt: Thời gian du khách nước ngoài lưu lại Việt Nam thường ngắn, điều kiện cơ sở hạ tầng lưu trú ở Việt Nam cũng khó cho phép du khách lưu lại lâu dài. Nhưng với đặc trưng của mình, du lịch sáng tạo vẫn có thể thực hiện được hết vai trò của nó, dù diễn ra trong 4 giờ hay 4 ngày.
Bền vững cao: Ở khía cạnh phát triển bền vững, cả du lịch văn hóa và du lịch sáng tạo đều là những loại hình du lịch có trách nhiệm, song nếu như tài nguyên để khai thác và phát triển du lịch văn hóa có những yếu tố không tái tạo được, không bảo tồn được, thì du lịch sáng tạo lại khai thác những giá trị văn hóa, tri thức, kinh nghiệm sống và làm việc của cư dân bản địa, một nền tảng tài nguyên vô cùng vững chắc, song lại vận động, biến đổi và không ngừng phát triển.
Không chú trọng cơ sở vật chất cao cấp: du lịch sáng tạo phát triển phụ thuộc vào giá trị cốt lõi của văn hóa, không dựa trực tiếp vào điều kiện cơ sở vật chất cao cấp, phức tạp. Hơn nữa, du khách của du lịch sáng tạo là những người không thích những điều “đại chúng”, đôi khi họ thích khám phá những nơi khách du lịch thông thường không hay lui tới, ở những nơi này, dấu ấn đầy tự nhiên của văn hóa bản địa quan trọng hơn những tòa nhà cao hiện đại hay cơ sở lưu trú tiện nghi.
Vì sao du lịch sáng tạo chưa phát triển ở Việt Nam?
Phù hợp và nhiều ưu điểm như vậy, du lịch sáng tạo vẫn chưa hình thành ở Việt Nam một cách rõ ràng. Thực ra, đối với những loại hình du lịch văn hóa như thế này, nơi nào có tài nguyên văn hóa đặc sắc, phong phú sẽ tỏa ra một sức hút tự thân, khách du lịch sẽ tự tìm tới. Việt Nam không phải ngoại lệ, ở nhiều nơi, đã xuất hiện sản phẩm du lịch có đặc điểm của du lịch sáng tạo nhưng chưa nhận dạng/ gọi tên là “sản phẩm du lịch sáng tạo”. Ví dụ như, những năm gần đây, Hội An nổi lên như một điểm sáng với mô hình tour mới “Một ngày làm cư dân phố cổ”. Trong những ngày sống với gia đình nghệ nhân làng nghề, du khách được chủ nhà giải thích cặn kẽ về những công đoạn làm nên chiếc đèn lồng, rồi được tự tay làm từ khâu chọn vải, cắt dán đến vuốt nan làm khung; ra đồng trồng rau với người nông dân ở làng rau Trà Quế, hoặc thậm chí là được trực tiếp lênh đênh trên sông nước tập chèo thuyền, thả lưới, phán đoán cá mắc mồi rồi trải qua những bữa cơm cá tự nướng với cư dân làng chài Thanh Nam. Tương tự, sản phẩm đã định danh “Một ngày làm dân chài” ở làng chài Vung Viêng (Hạ Long) cũng cho khách cơ hội hiểu văn hóa “làng trên nước”, các cách thức kiếm sống và khai thác nguồn lợi từ biển thông qua trải nghiệm bắt cá, các sinh hoạt tinh thần của dân cư làng chài thông qua những câu hò vùng vịnh, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường với một giờ chèo thuyền kayak và nhặt rác quanh làng chài… Không chỉ ở Hội An, Hạ Long, những hoạt động cho phép du khách trực tiếp học hỏi nghề thủ công tại một số làng nghề Hà Nội và vùng phụ cận như làng tranh dân gian Đông Hồ, làng gốm sứ Bát Tràng, Tò he Xuân La, khảm trai Chuôn Ngọ… khi mang đối chiếu với khái niệm và đặc điểm của du lịch sáng tạo cũng chính là những sản phẩm của du lịch sáng tạo.
Nhưng chính vì mới chỉ phát triển tự phát, manh mún nên các sản phẩm này bộc lộ không ít những hạn chế: sản phẩm du lịch sáng tạo vẫn chưa khai thác và thể hiện được tính đặc trưng văn hóa vốn có của sản phẩm, vẫn tiềm tàng những hiện tượng đẩy giá cao đối với khách du lịch nước ngoài, chèo kéo khách, bán phá giá… tạo nên một diện mạo không chuyên nghiệp của Du lịch Việt Nam. Các hộ gia đình làm du lịch tự phát, hoạt động tự do nên độ bền vững kém, gây bất ổn cho thị trường cung cấp sản phẩm du lịch địa phương. Chương trình du lịch vẫn chưa chú trọng tới yếu tố tuyên truyền văn hóa, các “lớp học” vẫn chưa cung cấp được cho khách những thông tin sâu sắc về nghề cũng như văn hóa làng nghề. Điểm tựa quan trọng nhất của du lịch sáng tạo là con người, nhưng con người ở các điểm làm du lịch sáng tạo này vẫn chưa ý thức được vai trò “sứ giả văn hóa” của mình, họ thường chỉ đơn thuần bán sản phẩm dịch vụ chứ chưa biết cách lôi cuốn, góp phần tạo nên sự hài lòng cho khách hàng.
Tiến sĩ Tom Fleming trong buổi tọa đàm của UNESCO ở Việt Nam năm 2012 đã khẳng định về thực trạng đáng lo ngại về tình hình phát triển chậm của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Nhưng bên cạnh lời khẳng định ấy, UNESCO đã đưa đến cho Việt Nam một lối đi đầy gợi mở, đó là “xây dựng những thành phố sáng tạo”, xây dựng phong trào “du lịch sáng tạo” để kích thích sự thay đổi tư duy, chiến lược kinh doanh của ngành công nghiệp văn hóa nói chung và ngành du lịch văn hóa nói riêng. Trong thực tế, những sản phẩm du lịch sáng tạo dù mới chỉ phát triển tự phát và manh mún nhưng bước đầu đã nhận được những phản hồi tích cực từ du khách, nhất là du khách quốc tế (có thể dễ dàng tìm được những đánh giá “Tuyệt vời” (mức 5 – mức cao nhất) của du khách quốc tế dành cho làng rau Trà Quế ở trang web về kinh nghiệm du lịch nổi tiếng thế giới – Tripadvisor) – những điểm sáng dù nhỏ nhưng là cơ sở khiến chúng ta có thể hy vọng về tương lai của du lịch sáng tạo tại Việt Nam nếu được nâng đỡ bởi chiến lược, quy hoạch đủ lớn và bài bản của cơ quan quản lý du lịch có thẩm quyền.
“Du lịch sáng tạo” là một loại hình của du lịch văn hóa, nhưng khác với du lịch văn hóa nhấn mạnh yếu tố “quan sát”, “thưởng ngoạn”, “suy ngẫm” thì du lịch sáng tạo chú trọng vào “trải nghiệm”, “tham gia”, “học hỏi”. Khách du lịch không chỉ dừng lại ở những hoạt động chiêm ngưỡng, tham quan, ngắm nhìn như những hình thái du lịch trước đây, mà còn trực tiếp tham gia, hòa nhịp vào cuộc sống nơi đến, trải nghiệm với vai trò như là một thành viên của vùng đất – họ không chỉ là người thụ hưởng, họ đồng sản xuất sản phẩm du lịch mà mình trải nghiệm. Hình thức du lịch này nhấn mạnh sự kết nối, tương tác giữa khách du lịch và văn hóa, đặc biệt là với cư dân bản địa. Đặc trưng của du lịch sáng tạo là nâng cao nhận thức, học hỏi những kinh nghiệm sống mới mẻ, tiếp cận những tri thức độc đáo của cư dân bản địa. |
Tài liệu tham khảo: 1. Rossitza Ohridska-Olson and Stanislav Ivanov (2010), Creative Tourism Business Model and its Application in Bulgaria 2. http://www.creativetourism.com/en/c_main/about.html |
ThS. Trịnh Lê Anh & Trần Thùy Linh
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)