Một vấn đề luôn được xã hội quan tâm là chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam. Thực tế hiện nay có đến 30% lao động chưa tốt nghiệp trung học phổ thông. Số người tốt nghiệp đại học trở lên chỉ chiếm 3% lao động toàn ngành. Cả nước khoảng 300 cơ sở đào tạo các lĩnh vực liên quan đến du lịch ở các bậc từ trung học đến sau đại học với hàng chục ngàn học sinh, sinh viên, song chỉ đáp ứng được hơn 70% nhu cầu cần tuyển dụng. Trong khi đó năng lực của người học sau khi tốt nghiệp hầu hết chưa thỏa mãn nhu cầu nhà tuyển dụng. Việc đào tạo lại tạo một áp lực lớn cho tất cả các doanh nghiệp du lịch, nhất là đối với các học sinh, sinh viên tốt nghiệp các ngành không chuyên về du lịch.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch ở Việt Nam hiện nay
Thấy được xu hướng muốn làm việc trong lĩnh vực du lịch của rất nhiều thanh niên trong giai đoạn hiện nay, thấy được tiềm năng phát triển du lịch nói chung, du lịch Việt Nam nói riêng, rất nhiều cơ sở đào tạo đã nhanh nhạy mở các chương trình đào tạo du lịch. Hầu như ở cơ sở đào tạo nào thì tỷ lệ tuyển vào ngành du lịch và điểm chuẩn vào ngành du lịch đều rất cao.
Tuy nhiên, trừ trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cấp bằng cử nhân (từ năm 1997) và thạc sĩ (từ năm 2006) Du lịch học, tất cả các cơ sở đào tạo khác đều cấp bằng cử nhân Kinh tế, cử nhân Việt Nam học, cử nhân Quản lí Văn hóa, cử nhân Địa lí chuyên ngành du lịch (thực chất là định hướng du lịch) Riêng ở bậc sau đại học, có 18 trường đại học có chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ định hướng các vấn đề du lịch (bằng kinh tế, quản trị kinh doanh, quản lí văn hóa, địa lí, văn hóa chuyên ngành du lịch)
Trước tình hình không thống nhât trong tổ chức đào tạo các ngành ở các trường, trong đó có đào tạo du lịch nói riêng, ngày 16/08/2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra thông báo (Công văn 1688/BGD DT-GDDH) yêu cầu các trường phải đăng kí chuyên ngành đào tạo của mình trong khuôn khổ hệ thống mã ngành đào tạo do Bộ đưa ra (Thông tư số 14/2012/TT-BGDĐT và Thông tư số 04/2012/TT-BGDĐT). Bảng danh mục được ban hành là cơ sở để tổ chức hệ thống đào tạo, tổ chức quá trình đào tạo, xây dựng nội dung chương trình giảng dạy, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, quản lý đào tạo đại học và cao đẳng, trao đổi hợp tác giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế về giáo dục - đào tạo, dự báo nhu cầu đào tạo, đánh giá tiềm năng lực lượng lao động, định hướng cho việc sử dụng người lao động có trình độ đại học, cao đẳng trong sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội.
Trước yêu cầu này, rất nhiều cơ sở có đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch đã tự gán cho chương trình đào tạo của mình một mã ngành được cho là thích hợp. Thông thường đó là mã 34-01-03 với tên gọi “Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành”, riêng đối với các cơ sở đào tạo kiến thức để sinh viên ra có thể làm hướng dẫn viên du lịch, các trường phải chọn mã 22-01-13, mã ngành Việt Nam học. Đây chính là những bất cập cản trở công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch nước ta.
Bất cập thứ nhất là mã ngành “Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành”. Về nguyên tắc đây là mã ngành thuộc lĩnh vực kinh doanh và quản lí, có mã cấp 1 là 34, chính xác hơn là mã ngành 34-01 Kinh doanh. Việc sử dụng mã ngành này chỉ phù hợp với các chương trình đào tạo thiên về kinh tế. Thế nhưng, có rất nhiều trường, trong đó có cả những trường thiên về khoa học xã hội nhân văn, về văn hóa cũng sử dụng mã ngành này (xem Nguyễn Tiến Cường, Nghiêm Đình Thắng (tuyển chọn). Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014. Nxb Giáo dục Việt Nam). Nếu so sánh chương trình đào tại trong mã này của các trường sẽ thấy sự khác nhau quá lớn về các khối kiến thức. Trong chương trình đào tạo của các trường không phải là kinh tế, kiến thức về “kinh doanh” (tên mã ngành cấp cao hơn của mã Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành) hầu như rất hạn chế, nếu không nói là thiếu vắng. Trái lại, trong các trường kinh tế, số môn học về du lịch khá mỏng.
Trường hợp đối với mã ngành Việt Nam học cũng thể hiện sự thiếu thống nhất và không tương thích.
Đề xuất và kiến nghị
Trước hết chúng tôi cho rằng, sứ mạng của lĩnh vực đào tạo, đặc biệt là đào tạo ở bậc đại học và sau đại học là định hướng xã hội chứ không chỉ là theo nhu cầu xã hội. Ngành giáo dục cần xem việc đào tạo ra nguồn nhân lực có khả năng thích ứng, đáp ứng tốt với sự biến động của thị trường lao động là định hướng chiến lược, là nhiện vụ trọng tâm xuyên suốt. Danh tiếng của đơn vị đào tạo đại học phải là tỷ lệ sinh viên, học viên thành đạt chứ không phải là tỷ lệ sinh viên ra làm việc đúng nghề. Theo quan điểm người viết bài này, không hoàn toàn đồng ý khi cho rằng, số người sau đại học ra làm trái nghề là một lãng phí lớn của xã hội. Điều quan trọng là sau khi tốt nghiệp, họ có một tư duy phân tích, óc sáng tạo để thành đạt (với nghĩa chung nhất) trong cuộc đời, đóng góp được năng lực của mình cho xã hội một cách hiệu quả nhất.
Đứng trên quan điểm này, trong thời gian vừa qua ngành Giáo dục nước ta đã có nhiều thay đổi quan trọng. Bộ đã chỉ đạo xây dựng các chương trình đào tạo theo mục tiêu chứ không theo nội dung. Việc đo lường kết quả học tập được căn cứ vào chuẩn đầu ra chứ không căn cứ vào khối kiến thức đã tích lũy được. Nhiều ngành đào tạo mới đã được xây dựng và triển khai. Những việc làm này đã góp phần rất quan trọng trong việc định hướng xã hội
Tuy nhiên, đối với ngành Du lịch vấn đề mã ngành vẫn còn một số bất cập như đã trình bày ở trên. Trong khi đó, trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/1/2007 ban hành hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam, đã có 3 mã ngành cấp 1, 6 mã ngành cấp 2, 16 mã ngành cấp 3, 20 mã ngành cấp 4 và 36 mã ngành cấp 5 có liên quan đến du lịch, khách sạn, ăn uống và vận chuyển khách.
Vì những lý do trên, chúng tôi cho rằng cần nhanh chóng thống nhất mã ngành các chương trình đào tạo về du lịch, khách sạn vào một mã ngành chung, mã ngành 81 với tên gọi Khách sạn, du lịch, thể thao và dịch vụ cá nhân (xem Thông tư số 14/2012/TT-BGDĐT và Thông tư số 04/2012/TT-BGDĐT). Trong mã ngành này sinh viên phải bắt buộc phải có những kiến thức và kỹ năng cơ bản về dịch vụ du lịch. Mã ngành này sẽ phân chia thành mã chuyên ngành như du lịch, khách sạn và nhà hàng. Tiếp theo, lại phân nhỏ thành các mã chuyên ngành nhỏ hơn. Cụ thể như sau:
Việc điều chỉnh mã ngành đào tạo như vậy là cần thiết, nhằm thống nhất chung trong việc quản lý nhà nước về các ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực du lịch, nhất là trong bối cảnh đang tiến tới một cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Việc này tránh được sự chồng chéo nhau về tên gọi và mã ngành của các trường, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, thống nhất trong công tác quản lí đào tạo trong phạm vi cả nước, phù hợp với xu thế thế giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Tiến Cường, Nghiêm Đình Thắng (tuyển chọn). Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014. Nxb Giáo dục Việt Nam
2. Công văn số 4880/BGDDT-GDDH ngày 16/08/2010 về việc chuyển đổi ngành đào tạo CĐ, ĐH sang danh mục giáo dục, đào tạo mới ban hành.
3. Các Quyết định và Thông tư của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã trích dẫn.
|
PGS. TS. Trần Đức Thanh
(Tạp chí Du lịch)