Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết: Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030, Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về phát triển Du lịch Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025 với các nội dung: (1) Chú trọng phát triển du lịch phải phát huy được tối đa tiềm năng lợi thế gắn với nâng cao nhận thức và đời sống cho nhân dân, giảm nghèo bền vững; bảo tồn được văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc; (2) Đẩy mạnh hoạt động du lịch có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; hình thành một số khu du lịch dịch vụ tổng hợp, có quy mô lớn; (3) Xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Hà Giang; (4) Xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang là điểm đến an toàn, hấp dẫn trong khu vực trung du miền núi phía Bắc, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành trung tâm du lịch quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Sơn khẳng định, mục tiêu đến năm 2025, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế trọng điểm của Hà Giang, thu hút 3 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ khách du lịch ước tính đạt 7.800 tỷ đồng, đóng góp 10,34% giá trị du lịch vào tổng sản phẩm du lịch trên địa bàn, tạo ra 28.200 việc làm. Định hướng đến năm 2030, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là khu du lịch quốc gia.
Theo dự thảo Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030, Hà Giang định hướng xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, chuyên nghiệp, mang thương hiệu riêng của tỉnh nhằm kích cầu và thu hút đầu tư vào sản phẩm du lịch cũng như cơ sở hạ tầng du lịch, thúc đẩy mạnh mẽ thị trường khách trung và cao cấp, thị trường khách chuyên biệt, đưa Hà Giang trở thành địa phương có nhiều sản phẩm du lịch có lợi thế cạnh tranh cao, hấp dẫn. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới là phát triển du lịch thương mại biên giới và nâng cấp, phát triển dòng sản phẩm hiện có như: du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch mạo hiểm.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho rằng, Hà Giang có nhiều tài nguyên quý giá, môi trường văn hóa độc đáo để hình thành các sản phẩm du lịch khác biệt. Để phát huy tiềm năng và lợi thế, tỉnh Hà Giang cần có cơ chế để phát triển du lịch bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang cần tập trung xây dựng, chuyển đổi số trong phát triển du lịch, xây dựng phát triển du lịch thông minh, xây dựng sàn thương mại điện tử du lịch.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã đề cập về tiềm năng, lợi thế của du lịch Hà Giang, những tồn tại, bất cập cần tháo gỡ, đồng thời đề xuất những giải pháp khôi phục Du lịch Hà Giang do tác động bởi đại dịch COVID-19.
Theo Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng, Hà Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển các loại hình du lịch, trong đó có du lịch mạo hiểm luôn hấp dẫn thu hút khách trong nước và quốc tế. Do vậy, Hà Giang quản lý điểm đến du lịch mạo hiểm cần bám vào các quy chuẩn an toàn, sử dụng giải pháp công nghệ và hợp tác quốc tế.
Trao đổi tại hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đánh giá cao tiềm năng du lịch Hà Giang, trong đó có du lịch biên giới. Tuy nhiên, Hà Giang còn thiếu định hướng chiến lược và kế hoạch tổng thể phát triển sản phẩm du lịch biên giới; khả năng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch chưa cao, hoạt động xúc tiến quảng bá sản phẩm biên giới với thị trường trong nước và quốc tế còn hạn chế. Do vậy, Hà Giang cần chú trọng cơ chế ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư hệ thống cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cao cấp hài hòa với văn hóa bản địa; nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách và hành lang pháp lý cho phát triển du lịch biên giới; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp các tuyến đường giao thông kết nói các khu, điểm du lịch; tập trung, hình thành các sản phẩm du lịch khác biệt; nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển du lịch, quảng bá sản phẩm; chú trọng bảo vệ tài nguyên môi trường trong hoạt động đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch.
Chia sẻ tại hội thảo, Chủ tịch Chi hội Du lịch cộng đồng Việt Nam Phạm Hải Quỳnh mong muốn có nhiều người dân tộc thiểu số ở Hà Giang tham gia phát triển du lịch cộng đồng, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng; đồng thời, tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch, giúp người dân chuyển đổi nghề truyền thống sang làm du lịch cộng đồng.
Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cho biết, Hà Giang sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai chiến lược phát triển sản phẩm du lịch, bảo tồn di sản văn hóa, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn trong thời gian tới. Hiện nay, trong giai đoạn cả nước đang nỗ lực trong phòng, chống dịch COVID-19, Hà Giang sẽ có nhiều giải pháp để thu hút khách trong hoàn cảnh mới, và mong muốn các doanh nghiệp du lịch sẽ đồng hành cùng Hà Giang xây dựng sản phẩm và phát triển du lịch.
Cũng tại hội thảo đã diễn ra lễ ký kết hợp tác đầu tư giữa tỉnh Hà Giang và Tập đoàn Nam Cường; ký kết hỗ trợ phát triển du lịch giữa tỉnh Hà Giang với Hiệp hội Du lịch Việt Nam.
Tuấn Sơn