Những thuận lợi và thách thức cho phát triển du lịch làng nghề Mỹ An
Làng nghề gốm Mỹ An tồn tại đã hơn 20 năm. Yếu tố truyền thống của làng nghề là nét hấp dẫn đối với nhiều du khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Gốm đỏ Mỹ An được làm từ loại đất sét đặc trưng của vùng với nhiên liệu đốt là trấu – loại phụ phẩm từ nông nghiệp rất phổ biến ở ĐBSCL. Sau khi nung, gốm có màu đỏ điểm vân trắng tự nhiên, tạo ra nét khác biệt so với các sản phẩm của các làng nghề gốm men khác. Theo thống kê năm 2020, Mỹ An có 31 cơ sở sản xuất gạch - gốm, bình quân sản xuất ra 14,1 triệu viên gạch, 71.280 sản phẩm gốm/năm.
Gốm đỏ không men Mỹ An trở thành dòng sản phẩm đặc trưng của Vĩnh Long ở kiểu dáng và chất liệu. Chủng loại sản phẩm đa dạng với hai dòng sản phẩm chính là gốm trang trí sân vườn và gốm xây dựng, nội thất. Hiện nay, ngoài dòng gốm đỏ không men thì một số mặt hàng như gốm xi măng, gốm giả cổ, gốm trang trí men… được nghiên cứu phát triển, làm phong phú sản phẩm cho làng nghề gốm đỏ ở Vĩnh Long. Sản phẩm của làng nghề đã có mặt tại các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Úc và một số thị trường châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản…
Làng nghề gốm Mỹ An nằm trên trục đường chính gần với thành phố Vĩnh Long bằng cả đường bộ và đường sông. Chính vì vậy, có thể liên kết tuyến tham quan đồng thời khai thác thêm tour bằng đường sông. An ninh ở làng gốm được đảm bảo khá tốt, không có hiện tượng ăn xin, chèo kéo du khách tham quan. Địa phương ý thức được vấn đề bảo vệ môi trường nên đã xử lý khá tốt nguồn rác thải trên địa bàn. Đặc biệt, sự thân thiện và mến khách của người dân địa phương đã tạo ấn tượng và thiện cảm cho du khách.
Những cơ sở làng nghề nối liền san sát nhau là điều kiện rất tốt để phát triển du lịch cộng đồng tại Mỹ An đồng thời tạo nên sự gắn kết, giúp công tác bảo tồn làng nghề được thuận lợi. Trong tương lai có thể mở rộng sản phẩm tham quan bằng thuyền xuôi dòng sông Cổ Chiên, ngắm nhìn làng gốm từ dưới sông; biến các lò gốm bỏ hoang thành các homestay cho khách du lịch trải nghiệm; tổ chức các buổi triển lãm những sản phẩm gốm tinh xảo để thu hút khách tham quan.
Do mới ở giai đoạn đầu khai thác phát triển du lịch, nhận thức của người dân xã Mỹ An về phát triển du lịch làng nghề còn hạn chế, người dân chưa thật sự “mặn mà” với việc phát triển du lịch tại làng nghề do thiếu kỹ năng và kinh nghiệm làm du lịch. Nhân lực trẻ ở địa phương không muốn theo nghề truyền thống nên dẫn đến tình trạng “già hóa” lao động truyền thống làng nghề. Mặt khác, chính quyền cũng chưa có các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ phát triển dịch vụ du lịch làng nghề. Hệ thống giao thông ở địa phương mặc dù được nâng cấp nhưng chưa có bãi đỗ xe phục vụ khách du lịch; các cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch vẫn chưa đủ để đáp ứng được nhu cầu của du khách như còn ít các cơ sở ăn uống, lưu trú, nhà vệ sinh… phục vụ du khách. Phần lớn du khách đến Mỹ An hiện nay chủ yếu tự tìm hiểu và khám phá, các doanh nghiệp du lịch lữ hành hầu như chưa có tour đến với làng nghề truyền thống này.
Một thách thức khác là sản phẩm tại làng nghề chủ yếu là gốm đỏ và khá cồng kềnh nên khó khai thác thành quà lưu niệm dành cho du khách. Việc nghiên cứu thị trường chưa tốt khiến cho các cơ sở sản xuất sản phẩm làng nghề khó tiếp cận với mọi đối tượng khách du lịch.
Đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề Mỹ An
Để đẩy mạnh phát triển du lịch tại làng nghề Mỹ An cần có những chính sách tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng cùng chung tay phát triển du lịch, chính sách mời gọi đầu tư các dự án du lịch làng nghề… Trong đó cần có những chính sách đảm bảo phúc lợi cho người dân làng nghề để khuyến khích, cổ vũ họ duy trì nghề gốm; tạo điều kiện cho các nghệ nhân tiếp cận được các xu hướng mới trong việc thiết kế, tạo ra các sản phẩm mới, chất lượng hơn đáp ứng nhu cầu của thị trường; quan tâm truyền đạt kỹ thuật làm gốm truyền thống cho thế hệ trẻ để khơi dậy niềm đam mê của lớp thế hệ sau.
Để khuyến khích sự tham gia của người dân vào hoạt động du lịch, chính quyền địa phương cần có những biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của du lịch làng nghề cũng như tạo điều kiện cho người dân tham gia tích cực vào các hoạt động dịch vụ du lịch (bán đặc sản địa phương, cung cấp dịch vụ ăn uống… ) và đón tiếp du khách; đầu tư xây dựng thêm cơ sở lưu trú để phục vụ khách du lịch có nhu cầu nghỉ ngơi qua đêm; xây dựng các khu vệ sinh công cộng, bãi đỗ xe... phục vụ khách du lịch đến tham quan làng nghề.
Để bảo đảm môi trường cho phát triển du lịch cần tuyên truyền, giáo dục để người dân địa phương nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống cũng như tại làng nghề; thường xuyên nâng cấp đường xá, phát quang bụi rậm, khai thông cống rãnh tránh gây ao tù nước đọng… ; xây dựng tiêu chí “Làng nghề xanh” nhằm phát triển theo hướng bền vững.
Các sản phẩm của làng nghề cần đa dạng về mẫu mã, chủng loại, chứa đựng nét tinh túy văn hóa của làng nghề, mang tính ứng dụng và hiện đại, phù hợp để làm quà lưu niệm cho khách du lịch; tích cực tham gia vào các sự kiện văn hóa, trưng bày, triển lãm, hội chợ du lịch… để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của làng gốm. Việc phát triển thêm những sản phẩm du lịch tại Mỹ An sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho khách du lịch trải nghiệm. Ví dụ như khai thác du lịch đường sông đưa du khách tham quan làng gốm bằng thuyền dọc hai bờ sông Cổ Chiên, tạo cảm giác mới lạ cho những du khách muốn trải nghiệm văn hóa sông nước miền Tây. Đồng thời, liên kết với những địa điểm tham quan lân cận như cù lao An Bình, Văn Thánh Miếu, chùa Phật Ngọc Xá Lợi, Khu du lịch Hoàng Hảo… tạo thành các tour tuyến du lịch đa dạng và hấp dẫn du khách.
Việc tăng cường xúc tiến và quảng bá thông tin, hình ảnh làng nghề gốm Mỹ An tại các hội chợ, triển lãm, các sự kiện du lịch trong và ngoài nước; lồng ghép quảng bá sản phẩm làng nghề và du lịch làng nghề với các sự kiện văn hóa, thể thao, các hội nghị, hội chợ du lịch; giới thiệu làng nghề gốm trên các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, video clip, trang mạng xã hội, Youtube…) cần được ưu tiên trong quá trình đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề Mỹ An.
Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch làng nghề thì việc kết nối giữa các đơn vị/cơ sở kinh doanh du lịch, các doanh nghiệp lữ hành là rất quan trọng để tạo nguồn khách ổn định đến với làng nghền.
Tài liệu tham khảo:
1. Dương Bá Phượng (2001). Bảo tồn và phát triển làng nghề trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
2. Mai Văn Nam (2013). Các yếu tố ảnh hướng đến sự phát triển làng nghề kết hợp du lịch ở ĐBSCL, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế.
3. Văn kiện đại hội Đảng bộ xã Mỹ An lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Lê Thị Tố Quyên
Phan Ngọc Trường Khánh
Nguyễn Phương Thanh
Nguyễn Thị Hoài Thanh
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 8/2021)