Mở cửa du lịch, không thể tiếp tục trì hoãn
Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc mở cửa du lịch bảo đảm an toàn là điều nên làm ngay để nhanh chóng phục hồi ngành công nghiệp không khói. Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhiều tỉnh đã bắt đầu khôi phục lại hoạt động du lịch, việc chuẩn bị thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc cũng đã sẵn sàng. Trong thời gian qua, chủ trương của Đảng, Chính phủ rất ủng hộ việc vừa phòng, chống dịch an toàn vừa sản xuất kinh doanh. Thời gian qua, tỉ lệ bao phủ vaccine tại nhiều tỉnh thành trong nước rất cao, số ca nhiễm trong cộng đồng đã được khống chế. Điều này chứng tỏ năng lực y tế của Việt Nam đã có những cải thiện. Các doanh nghiệp du lịch, địa phương, vùng du lịch đều lấy an toàn là tiêu chí hàng đầu, quan trọng. Đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch mong muốn quay trở lại họ đều đã có sự chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn trong việc cung ứng các dịch vụ. Người dân cũng nâng cao ý thức phòng dịch trong 4 đợt dịch vừa qua. Đó là những yếu tố quan trọng để chúng ta tự tin ngành Du lịch có thể khôi phục lại trong thời điểm này.
Về lộ trình mở cửa đón khách quốc tế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong thời gian qua, Bộ đã chủ động cùng các ban, ngành liên quan phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang hoàn thiện kế hoạch chi tiết đón khách đến Phú Quốc. Theo dự thảo của kế hoạch này, việc đón khách quốc tế dự kiến được triển khai vào tháng 11 sắp tới, kéo dài từ 3-6 tháng. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả việc thí điểm sẽ triển khai thêm một số địa phương khác trên cả nước. Trong đề xuất thí điểm đón khách quốc tế, Tổng cục Du lịch cũng đề xuất ưu tiên đón khách ở những thị trường tiềm năng đối với du lịch và có độ an toàn cao về phòng, chống dịch COVID-19 như thị trường Đông Bắc Á, châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Đông, châu Úc... Ngoài ra, hiện nay một số địa phương cũng đã mạnh dạn có văn bản gửi Chính phủ và Bộ VHTTDL đề nghị cho phép thí điểm đón khách quốc tế cùng với Phú Quốc như: Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam...
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, trong thời điểm này khách du lịch nội địa cần được đưa vào những vị trí quan trọng. Chính khách nội địa khi đi du lịch sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước và các ngành kinh tế khác. Chúng tôi luôn chuẩn bị sẵn sàng, khi nào dịch được kiểm soát là các đoàn khách nội địa sẽ lên đường. Dù rằng doanh thu của du lịch nội địa không quyết định đến toàn ngành nhưng sự khởi động sẽ tạo ra sự hứng khởi cho du lịch và lan tỏa đến các ngành khác. Mặt khác, nếu du lịch nội địa khởi sắc, sôi động khách quốc tế sẽ cảm nhận được là Việt Nam chúng ta đã là điểm du lịch an toàn và “đáng đến” sau khi dịch bệnh qua đi.
Việc mở cửa thị trường quốc tế là con đường duy nhất chúng ta khôi phục du lịch. Có thể chúng ta làm chậm lại một chút nhưng cái đích vẫn là phải mở cửa cho khách quốc tế vào và trong thời gian sớm nhất. Chỉ khi nào có khách quốc tế vào thì các hoạt động kinh tế đối ngoại mới khởi động trở lại và xã hội mới phát triển bình thường trở lại. Vì thế mở cửa đón khách quốc tế là bắt buộc.
Xây dựng sản phẩm an toàn để phục hồi du lịch
Ông Hoàng Tuấn Anh - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Onsen Fuji cho biết, ở thời điểm hiện tại, nghỉ dưỡng ở khu vực ven đô là một xu hướng đang phát triển mạnh. Nhu cầu của khách hàng hiện nay là cần tìm một địa điểm an toàn, nghỉ dưỡng lành mạnh, có sự kết hợp giữa nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khoẻ. Trong quá trình triển khai Onsen Fuji cũng đánh giá một số nguồn khoáng nóng ven đô tại Ba Vì, Phú Thọ. Đặc biệt, những dự án của Onsen Fuji tại Phú Thọ cũng kết hợp những yếu tố về khoáng nóng nguyên chất để làm sao tạo ra được mô hình nghỉ dưỡng chất lượng giúp tăng cường sức khoẻ, tăng cường sức đề kháng thông qua nguồn khoáng nóng nguyên chất. Onsen Fuji tạo ra các mô hình mang tính chất cộng đồng và kết hợp với các yếu tố dành cho khách hàng có yêu cầu cao về chất lượng. Đồng thời, trong quá trình chuẩn bị các nguồn lực Onsen Fuji cũng kết hợp chặt chẽ với địa phương cập nhật thường xuyên về các biện pháp phòng chống dịch, để khi đón một lượng khách lớn vẫn đảm bảo được yếu tố phòng, chống dịch theo quy định của Chính phủ. Cùng với đó là đảm bảo yếu tố phát triển kinh tế ổn định.
Hàng không là một trong 5 phương tiện vận chuyển, có vai trò quan trọng cho việc mở cửa du lịch an toàn. Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Thương mại và Marketing Vietjet chia sẻ, Vietjet đang hướng tới các chuyến bay an toàn, chuyến bay xanh. Muốn có du lịch an toàn thì tất cả các khâu phải an toàn. An toàn cho khách du lịch từ đầu tới cuối. Vietjet đã xây dựng cả một hệ thống để ứng phó với các tình huống. Chúng tôi đầu tư vào công nghệ như xây dựng hệ thống Việt Nam khỏe mạnh trong các chuyến bay. Tất cả gói gọn trong platform (nền tảng) rất hiện đại. Chúng ta có thể theo dõi xét nghiệm, tiêm chủng, khai báo y tế, khai báo di chuyển… nếu cần có thể truy vết nhanh chóng, lập tức. Ngoài ra, Vietjet xây dựng sản phẩm liên quan tới sức khỏe như các gói bảo hiểm. Khách hàng du lịch nếu có rủi ro liên quan tới chi phí chữa trị thì đã có công ty bảo hiểm của tập đoàn là Hdinsurance đứng ra xử lý vấn đề. Chúng tôi xây dựng gói sản phẩm trọn gói từ đầu đến cuối cho khách an toàn.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh thông tin thêm, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch 3228/KH-BVHTTDL, có cơ chế cho việc khôi phục hoạt động du lịch trong cả nước, trong đó đề cập đến chính sách kích cầu và phục hồi hoạt động du lịch theo 6 nhóm giải pháp: Đảm bảo an toàn với khách du lịch; đa dạng hóa sản phẩm thích ứng với cơ chế mới, phù hợp với bối cảnh bình thường mới; tăng cường công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch, mở lại du lịch trên các nền tảng số; hỗ trợ doanh nghiệp dựa trên các cơ chế, chính sách.
"Tới đây, chúng tôi tiếp tục tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để trình Chính phủ, phối hợp các bộ, ngành tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp và người lao động", ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết.
Nhâm Hiền