Hà Nội chuẩn bị nhiều sản phẩm du lịch "xanh" hấp dẫn để đón khách
Nhằm chuẩn bị cho sự trở lại của hoạt động du lịch Thủ đô khi dịch COVID-19 được kiểm soát, Hội Lữ hành Hà Nội và Câu lạc bộ du lịch bền vững VGreen đang phối hợp với các địa phương của Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với tình hình mới, sẵn sàng phục vụ người dân và du khách ngay khi được phép.
Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho biết, đơn vị đã xây dựng 5 nhóm sản phẩm du lịch chuẩn bị cho ngày được hoạt động du lịch, như: homestay an toàn, khách sạn an toàn, hình thức du lịch caravan an toàn, du lịch mùa thu an toàn, dịch vụ MICE an toàn. Trong đó, đáng chú ý là chùm sản phẩm dành cho Hà Nội với điểm nhấn tour caravan đến làng cổ Đường Lâm. Ngoài ra, đơn vị còn chuẩn bị chùm tour du lịch mùa thu, để du khách khám phá, trải nghiệm "đặc sản" mùa thu Hà Nội cũng như mùa thu tại nhiều tỉnh miền Bắc. Một sản phẩm du lịch về Hà Nội đáng chú ý được ra mắt là tour khám phá kiến trúc Đông Dương dành cho những du khách thích khám phá các công trình kiến trúc Pháp cổ tại khu vực phố cổ Hà Nội với lịch trình đi từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia - Nhà hát Lớn Hà Nội - Di tích lịch sử cách mạng Bắc Bộ phủ.
"Bên cạnh những tour dành cho Hà Nội, các đơn vị lữ hành tiếp tục duy trì các sản phẩm caravan đã được thực hiện từ năm 2020 khám phá Tây Bắc, Đền Hùng, Nam Định và một số sản phẩm caravan mới khám phá Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình), Sapa (tỉnh Lào Cai), Bình Liêu, Quang Hanh (tỉnh Quảng Ninh), Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang).... Để bảo đảm an toàn, các tour sẽ được tổ chức theo nhóm nhỏ, bằng phương tiện riêng, đi ngắn ngày, chủ yếu là 3 ngày 2 đêm", ông Lê Hồng Thái cho biết.
Cần Thơ dự kiến mở tour ngắm bình minh trên sông Hậu
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ, Cần Thơ thực hiện đề án phát triển kinh tế ban đêm và dự kiến mở tour ngắm bình minh trên sông Hậu, khám phá sông nước miệt vườn bằng ca nô… Nội dung chủ yếu của đề án là triển khai thí điểm phát triển kinh tế ban đêm tại quận Ninh Kiều theo hướng tổ chức xuyên đêm, phân loại theo mô hình tổ chức trong nhà và ngoài trời, trong không gian đi bộ như: khu vực công viên sông Hậu, bến Ninh Kiều; phát triển tuyến phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ.
Tổ chức các chợ đêm hoạt động thường xuyên và sự kiện ngoài trời vào các tối cuối tuần; cho phép một số quán bar, nhà hàng trong khu vực tập trung mở cửa đến 2 giờ sáng và một số hoạt động xuyên đêm như tour ngắm bình minh trên sông Hậu, khám phá sông nước miệt vườn bằng ca nô. Đồng thời, vận động, kêu gọi và hợp tác với các khu, điểm du lịch, nhà hàng khách sạn lớn tăng thêm các hoạt động về đêm, tập trung vào các show diễn, hoạt động, gia tăng trải nghiệm, góp phần tăng thời gian lưu trú, hiệu quả kích thích chi tiêu của du khách, kích cầu du lịch.
Tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng tour “Du lịch Xanh - Huế”
Theo kế hoạch phục hồi, kích cầu các hoạt động du lịch trong trạng thái bình thường mới, tỉnh Thừa Thiên Huế ưu tiên cho khôi phục du lịch nghỉ dưỡng, sử dụng các khu phức hợp, khu du lịch ven biển có tính biệt lập, cách xa khu dân cư để đón khách du lịch nội địa.
Huế cũng chủ trương tiếp tục kích cầu du lịch nội tỉnh, tập trung vào chủ đề “Người Huế đi du lịch Huế”, “Huế - điểm đến an toàn và thân thiện”, tập trung chủ yếu vào các gói sản phẩm dịch vụ, chương trình du lịch trọn gói gắn với sản phẩm du lịch sinh thái, an toàn phù hợp cho khách lẻ, các nhóm nhỏ hoặc gia đình đi ngắn ngày, trong ngày và vào các dịp cuối tuần. Khách nội tỉnh khi tham gia chương trình du lịch phải thực hiện nghiêm 5K, và có Thẻ kiểm soát dịch bệnh để quét mã QR tại tất cả các điểm đến. Từ tháng 12/2021 trở đi Huế sẽ triển khai đón khách quốc tế có hộ chiếu vắc xin bằng các chuyến bay thuê bao đến Thừa Thiên Huế sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép...
Việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế thực hiện tại các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch khép kín, thực hiện theo 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1, dự kiến từ tháng 12, đón khách du lịch quốc tế đến khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô và một số resort, điểm dịch vụ khép kín khác. Giai đoạn 2, rút kinh nghiệm từ giai đoạn 1 đón thí điểm, nếu triển khai thành công sẽ tiếp tục đề xuất các thị trường có tiềm năng, có độ an toàn cao về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các thị trường đã kiểm soát tốt dịch bệnh, có thỏa thuận song phương giữa hai nước thông qua chương trình du lịch trọn gói do các doanh nghiệp lữ hành tổ chức tại một số khu vực như: Đông Bắc Á, ASEAN, châu Âu, châu Úc, Newzealand, Hoa Kỳ…
Bình Định tổ chức các tour du lịch "khép kín"
Nhằm khôi phục, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, ông Nguyễn Phi Long - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, việc xây dựng và tổ chức triển khai đề án thí điểm đón khách quốc tế đến tỉnh Bình Định là sự cần thiết, góp phần thực hiện mục tiêu: vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Tỉnh Bình Định đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đón khách quốc tế và trong nước từ ngày 1/11 để khôi phục lại ngành Du lịch. Đối với khách nội địa, lãnh đạo tỉnh đã thống nhất mở cửa đón khách từ 1/11. Vừa qua, tỉnh cũng đã làm việc với TP. Hồ Chí Minh thống nhất tổ chức tour du lịch khép kín về Bình Định.
Theo đề án, dự kiến Bình Định sẽ đón khách quốc tế từ Đông Bắc Á, Nga, Mỹ và một số quốc gia Châu Âu có thỏa thuận song phương với Việt Nam; được sự đồng thuận của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng thông qua chương trình du lịch trọn gói do các doanh nghiệp lữ hành quốc tế tổ chức.
Du khách quốc tế đến du lịch tại Bình Định theo chương trình du lịch trọn gói do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tổ chức, đã nhập cảnh và du lịch ở các địa phương khác trong nước. Bán đảo Phương Mai là khu vực tương đối biệt lập với nhiều danh lam, thắng cảnh để du khách du lịch, nghỉ dưỡng. Ngoài ra, khách quốc tế có thể tham quan trung tâm TP. Quy Nhơn bằng phương tiện xe du lịch (hình thức "city tour"). Dự kiến triển khai tại bán đảo Phương Mai gồm các xã: Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Hội), xã đảo Nhơn Châu (TP. Quy Nhơn) và thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát). Thời gian triển khai thực hiện dự kiến bắt đầu từ 1/11/2021.
Theo UBND tỉnh Bình Định, các địa phương được chọn lựa làm điểm đến bởi đây là những khu vực tương đối biệt lập, nằm trong tuyến du lịch Phương Mai - Núi Bà, có nhiều danh lam, thắng cảnh, bãi biển đẹp, hoang sơ với hệ thống khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp (tổng cộng trên 4.000 phòng) cùng các khu, điểm du lịch nổi tiếng như: Kỳ Co, Eo Gió… Đặc biệt, các địa phương trên đến nay có trên 90% dân số được tiêm đủ liều vaccine.
Kiên Giang mở cửa đón khách du lịch nội địa vào đầu tháng 11
Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết, từ ngày 1 - 30/11, tỉnh triển khai thí điểm đón khách nội tỉnh, khách ngoài tỉnh từ các địa phương có cấp độ dịch ở mức nguy cơ thấp (cấp 1) và nguy cơ trung bình (cấp 2). Kiên Giang khuyến khích khách đi du lịch mua tour theo chương trình trọn gói của các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành. Kiên Giang chính thức mở cửa đón khách du lịch nội địa đến tham quan, nghỉ dưỡng từ ngày 1/11 tại 4 huyện, thành phố gồm: TP. Phú Quốc, TP. Hà Tiên, TP. Rạch Giá và huyện đảo Kiên Hải. Trong đó, thị trường khu vực các tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc là thị trường trọng tâm, thị trường chính; miền Trung, Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh là các thị trường mục tiêu.
Thao Lam
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ