Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT cho biết, Trường Đại học GTVT là cơ sở đào tạo có bề dày truyền thống với lĩnh vực chính là ngành kỹ thuật, cùng phương châm đa ngành đa lĩnh vực. Từ năm 1964, trường đã tách ra 1 chuyên ngành thuộc ngành Kinh tế - Vận tải là Kinh tế vận tải & Du lịch. Qua quá trình đào tạo, sau khi tốt nghiệp nhiều sinh viên đều được các doanh nghiệp trong ngành vận tải - du lịch đánh giá cao, hoàn thành tốt công việc và giữ trọng trách trong các doanh nghiệp vận tải, du lịch – lữ hành.
Bộ môn Kinh tế vận tải & Du lịch tiền thân là bộ môn Kinh tế vận tải ô tô, thuộc Khoa Vận tải - Kinh tế là một trong những bộ môn đầu tiên của Trường Đại học Giao thông vận tải, là cơ sở đầu tiên đào tạo chuyên ngành Kinh tế vận tải trong cả nước. Năm 1999, do yêu cầu của quá trình phát triển Bộ môn đổi tên thành Bộ môn Kinh tế vận tải & Du lịch.
Năm 2016, để phù hợp với mã ngành đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ môn được Khoa và Nhà trường giao nhiệm vụ xây dựng chương trình đào tạo ngành Quản trị dịch vụ Du lịch & Lữ hành (Mã ngành 7.81.01.03) thay thế cho chuyên ngành Kinh tế vận tải & Du lịch. Đến năm 2019, Chương trình đào tạo ngành Quản trị dịch vụ Du lịch & Lữ hành đã được Hội đồng Khoa học & Đào tạo Nhà trường thông qua và bắt đầu tuyển sinh từ khóa K61 - năm 2020.
Hiện nay, nhà trường đã có chủ trương xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra đồng thời xây dựng chương trình đào tạo theo Nghị định 99 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, trong đó với lĩnh vực kỹ thuật trường sẽ chia thành 2 bậc là cử nhân và kỹ sư; với các ngành quản trị, quản lý trường chỉ xây dựng chương trình đào tạo cử nhân vì vậy ngành Quản trị dịch vụ Du lịch & Lữ hành là 1 trong 22 ngành phải xây dựng chuẩn đầu ra.
Tại buổi tọa đàm, đa số đại biểu đều cho rằng việc nhà trường mở mã ngành mới về quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là rất hợp lý, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và phù hợp với sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam hiện nay. Cũng theo các đại biểu, mã ngành (7.81.01.03) này sẽ tạo điều kiện cho sinh viên sau khi ra trường đáp ứng được nhu cầu xã hội, tuy nhiên làm thế nào để đạt chuẩn đầu ra là điều rất quan trọng.
Theo TS. Phạm Lê Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch, nhà trường cần nghiên cứu điều chỉnh nội dung đào tạo, trong đó cần giảm bớt thời lượng các môn lý thuyết và tăng thời lượng thực hành… TS. Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, trong nội dung đào tạo cần tăng thêm kiến thức về du lịch, nâng mục tiêu đào tạo về ngoại ngữ từ 4.0 IELTS lên 5.0 IELTS, ngoài ra cần tăng cường gắn công tác đào tạo với công tác nghiên cứu… Theo ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Du lịch Việt, nhà trường cần khai thác thế mạnh riêng có như điều hành vận chuyển, thiết kế sản xuất phương tiện vận chuyển du lịch… để xây dựng chuẩn đầu ra đáp ứng được yêu cầu xã hội, tăng tín chỉ về tin học, nâng cao mục tiêu đào tạo tiếng Anh, đặc biệt cần đào tạo theo định hướng học nghề du lịch có trình độ cử nhân… Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái nhận định: Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hầu hết các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đóng cửa, chỉ còn một số ít doanh nghiệp nội địa hoạt động, khả năng trong 2 - 3 năm tới nhân sự trong ngành Du lịch dễ bị dư thừa nếu chất lượng đầu ra không tốt. Vì vậy, đây là thời điểm hợp lý để nhà trường nhìn nhận lại cách thức, chương trình đào tạo nhằm tạo sự đột phá để khi sinh viên ra trường có thể đáp ứng được ngay nhu cầu của doanh nghiệp…
Trong dịp này, nhà trường đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về nghiên cứu khoa học, đào tạo, chuyển giao công nghệ và phát triển nhân lực ngành Du lịch với Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch và Công ty Lữ hành Hanoitourist. Việc ký kết biên bản ghi nhớ nhằm tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các bên, thông qua việc thực hiện các hoạt động cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, phổ biến và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ, phối hợp trong hoạt động đào tạo, thực tập và sử dụng nguồn nhân lực.
Thảo Anh