Tam Chúc là vùng đất địa linh bởi địa thế lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra hồ. Hồ có diện tích mặt nước rộng 600ha là một trong những hồ nước tự nhiên rộng nhất cả nước và là nơi trú ngụ của hàng chục loài động vật hoang dã. Cảnh quan thiên nhiên hoang sơ kỳ vĩ, ba mặt được bao bọc bằng dãy núi đá hình tay ngai, dưới mặt hồ có sáu ngọn núi đá vôi nổi lên mặt nước.
Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phê duyệt cho tỉnh Hà Nam và Doanh nghiệp Xuân Trường đầu tư phục dựng ngôi chùa Tam Chúc (chùa Ba Sao). Chùa được xây trên trục thần đạo gồm: chùa Ngọc, điện Quan Âm, điện Pháp Chủ, điện Tam Thế, cổng Tam Quan, Trung tâm hội nghị quốc tế.
Chùa Ngọc tọa lạc trên đỉnh núi Thất Tinh, được xây dựng hoàn toàn bằng các phiến đá đỏ granit do các nghệ nhân Ấn Độ chế tác tại Ấn Độ và vận chuyển sang lắp đặt theo phong cách kiến trúc cổ Việt Nam mà không cần bê tông kết dính. Trong chùa thờ một pho tượng bằng ngọc nặng 4,9 tấn.
Điện Quan Âm thờ 1 pho tượng Quan Âm Bồ Tát bằng đồng nguyên khối, nặng 100 tấn do các nghệ nhân Việt Nam chế tác và có 8.500 bức tranh về các câu chuyện về Đức Phật do thợ Hồi giáo Indonesia tạc bằng đá núi lửa Indonesia. Điểm nhấn của Điện Quan Âm là 4 bức tranh đá khổng lồ bao phủ toàn bộ diện tích bốn bức tường, nói về các sự tích Quan Thế Âm Bồ Tát rất gần gũi với người dân Việt Nam.
Điện Pháp Chủ nằm chính giữa Điện Quan Âm và Điện Tam Thế, bên trong có 4 bức phù điêu khổng lồ bao trùm toàn bộ bốn bức tường, mỗi bức nói về một giai đoạn bước ngoặt trong cuộc đời Đức Phật.
Điện Tam Thế có sức chứa tới 5.000 phật tử có thể hành lễ cùng một lúc. Nơi đây thờ 3 pho tượng làm bằng đồng biểu thị cho quá khứ, hiện tại và tương lai, mỗi pho nặng 80 tấn; ngoài ra còn 12.000 bức tranh đá được chạm khắc tinh xảo, mỗi bức tranh gửi gắm một câu chuyện vô cùng nhân văn tái hiện cuộc đời Đức Phật do những người thợ Hồi giáo Indonesia tạc bằng đá núi lửa Indonesia đưa sang. Qua cổng Tam Quan là vườn cột kinh khổng lồ được làm bằng đá xanh nguyên khối Thanh Hóa. Khi hoàn thành 1.000 cột, nơi này sẽ trở thành vườn kinh lớn nhất thế giới.
Trung tâm Hội nghị quốc tế được xây dựng nổi trên mặt hồ, có diện tích sàn 10.000m2, có sức chứa 3.500 chỗ ngồi.
Du khách đi tour Tam Chúc còn được chiêm ngưỡng những báu vật của chùa, đó là cây bồ đề có tuổi thọ lớn nhất thế giới do Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka tặng Việt Nam, được chiết từ “Cây Bồ Đề Vĩ Đại Cát Tường” (có tuổi thọ 2.250 tuổi) ở thánh tích Mahamegha, cố đô Anuradhapura- Sri Lanka; đó là thiên thạch mặt trăng “The Moon Puzzle” từ không gian vũ trụ rơi xuống sa mạc Sahara từ hàng nghìn năm trước, được tìm thấy vào năm 2017; là vạc Phổ Minh được đúc bằng đồng đen nặng hơn 20 tấn… Ngoài ra, đình Tam Chúc, ngôi đình được phục dựng giữa lòng hồ cũng là điểm đến yêu thích của du khách khi đến nơi đây.
Hàng năm, vào ngày 12 tháng giêng, Lễ hội chùa Tam Chúc lại được tổ chức để cầu nguyện quốc thái dân an. Lễ hội tổ chức với các nghi lễ niệm Phật cầu gia hộ, nghi lễ thỉnh chuông, đánh trống khai hội, lễ dâng hương cầu quốc thái dân an, lễ rước nước ở hồ Tam Chúc, rước chuông bình an, rước nước lên chùa Ngọc và tổ chức tiệc chay.
Khu du lịch Tam Chúc là nơi tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2019 diễn ra từ ngày 12 - 14/5/2019 với sự tham gia của 1.500 chức sắc và lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, các nhà nghiên cứu… đến từ hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới cùng khoảng 10.000 phật tử, người dân Việt Nam.
Khu du lịch quốc gia Tam Chúc có vị trí thuận lợi trong việc kết nối các khu, điểm du lịch nổi tiếng chùa Hương (Hà Nội), Tam Cốc Bích Động, Tràng An, Bái Đính, Cúc Phương (Ninh Bình), Khu du lịch chùa Tiên (Hòa Bình), tạo thành một quần thể các khu du lịch sinh thái vùng ngập nước và góp phần hình thành nên tuyến du lịch tâm linh lớn nhất Việt Nam.
Nhâm Hiền