Dự hội thảo có ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện một số Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ VHTTDL; các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch; đại diện lãnh đạo ngành Du lịch các tỉnh, thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị, địa phương liên quan.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi nhấn mạnh, Thanh Hóa sở hữu nguồn tài nguyên du lịch hết sức phong phú, đa dạng; gồm cả tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn. Từ cơ sở đó, việc khai thác, phát triển du lịch đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, đặc biệt là các chỉ tiêu kinh tế du lịch luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao. Tính riêng giai đoạn 2016 - 2019, tăng trưởng lượt khách bình quân đạt 15,2%/năm, tăng trưởng tổng thu du lịch đạt 31,7%/năm, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thi, du lịch Thanh Hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Vì vậy, thông qua hội thảo này, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa mong muốn được tham vấn ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch để làm rõ một số vấn đề về định vị thương hiệu du lịch Thanh Hóa, phát triển du lịch Thanh Hóa trong ngắn và dài hạn, qua đó góp phần thúc đẩy du lịch Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững.
Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhu cầu của khách du lịch. Mỗi điểm đến, mỗi doanh nghiệp cần đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường và hoạt động; thực sự linh hoạt để thích ứng với bối cảnh mới; cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh. Khách du lịch chú trọng hơn tới các yếu tố an toàn sức khỏe. Thay vì giá cả, khách hàng sẽ ưu tiên về an toàn và lựa chọn sản phẩm du lịch có chất lượng cao; có xu hướng du lịch biển và du lịch gắn với thiên nhiên, du lịch theo nhóm nhỏ và du lịch gia đình. Xu hướng đặt sản phẩm dịch vụ trực tuyến, sử dụng giải pháp số trong mua sản phẩm, không qua trung gian ngày càng nhiều. Đây là vấn đề hết sức quan trọng đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến, các thành phần trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch phải nhanh chóng thích ứng với xu hướng mới để tồn tại, phục hồi và phát triển bền vững.
Đánh giá cao những kết quả đạt được của du lịch Thanh Hóa trong những năm qua, Phó Tổng cục trưởng đề nghị, trong bối cảnh mới, ngành Du lịch Thanh Hóa cần sự thay đổi trong tư duy, cách làm để tạo ra bước đột phá cho du lịch. Thanh Hóa cần nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ cho phép áp dụng một số chính sách ưu đãi,
đầu tư trong phạm vi thẩm quyền và đẩy nhanh các chính sách, chiến lược ưu tiên phát triển du lịch bao gồm các chính sách ưu đãi, tạo cơ chế thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Rà soát các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu phát triển, tăng cường công tác quản lý, giám sát quy hoạch du lịch.
Hoàn thiện nâng cấp chất lượng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch thông qua việc nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân, tăng chuyến bay; tập trung ưu tiên đầu tư nâng cấp mở rộng, sớm hoàn thành các tuyến trung tâm và kết nối đến các khu, điểm du lịch có tiềm năng, làm đòn bẩy thu hút các dự án kinh doanh du lịch; tập trung các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng thiết yếu (đường giao thông trục chính, trung tâm đón tiếp kết hợp bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch…).
Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch có chất lượng, có thương hiệu, theo chiều sâu, theo hướng tăng trưởng xanh, có khả năng cạnh tranh cao tập trung vào những lĩnh vực có lợi thế để làm động lực. Phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, kéo dài mùa du lịch biển, đa dạng hóa sản phẩm để khắc phục tính mùa vụ của du lịch biển, phát triển kinh tế đêm; phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với tìm hiểu di sản, di tích lịch sử văn hóa đồng thời đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Chủ động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá, xúc tiến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp nhanh chóng bắt kịp xu hướng mới này, chủ động ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động du lịch. Tăng cường ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, công nghệ sạch để phát triển sản phẩm, dịch vụ, gia tăng tiện ích và trải nghiệm cho khách du lịch. Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá xúc tiến trên mạng xã hội và một số nền tảng trực tuyến (facebook, instagram, youtube, google...).
Cải thiện môi trường du lịch, tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường du lịch, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường quản lý môi trường tự nhiên, cảnh quan tại các khu, điểm du lịch theo hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường điểm đến, đảm bảo môi trường trong sạch. Triển khai đồng bộ và sâu rộng Bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch.
Về liên kết phát triển du lịch, trong thời gian tới, Thanh Hóa cần tăng cường các hoạt động liên kết phát triển du lịch với các tỉnh thuộc Bắc Trung Bộ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực Tây Nguyên. Bên cạnh đó, cần quan tâm và xem xét trên cơ sở các mối quan hệ hợp tác song phương, đa phương đã có để có những đề xuất liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố của các nước có kết nghĩa với Thanh Hóa các nước trong khu vực ASEAN và các nước khác trên thế giới thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể thao và các hình thức khác. Trên cơ sở đó tạo ra những sản phẩm mới với thương hiệu mới.
Phó Tổng cục trưởng cho biết, trong năm 2021, Tổng cục Du lịch sẽ đề xuất với Chính phủ đưa Sầm Sơn vào danh mục quy hoạch các khu du lịch quốc gia.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe và trao đổi về các vấn đề như: tiềm năng và điều kiện để phát triển du lịch Thanh Hóa; phát triển hàng không gắn với phát triển du lịch Thanh Hóa; những khó khăn hiện tại cần tháo gỡ của doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa tại Thanh Hóa…
Lan Phương