Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học với phát triển du lịch bền vững
Hệ sinh thái đa dạng, phong phú
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có tài nguyên sinh học đa dạng, phong phú, là cơ sở để phát triển du lịch bền vững bởi nơi đây phát triển các hệ sinh thái rừng (gần 94% diện tích vườn quốc gia được bao phủ bởi rừng và 84% diện tích là rừng nguyên sinh); đặc biệt ở đây tồn tại kiểu rừng kín thường xanh nhiệt đới trên núi đá vôi ở độ cao trên 700m với diện tích 22.500ha là kiểu rừng độc đáo nhất ở Việt Nam và thế giới. Bên cạnh đó, địa hình karst và phi karst hỗ trợ tạo nên tính đa dạng sinh học cao về động, thực vật.
Sự đa dạng về hệ động vật ở VQG Phong Nha – Kẻ Bàng bao gồm cả nhóm động vật có xương sống (thể hiện đa dạng ở nhóm thú, nhóm chim, nhóm lưỡng cư - bò sát, nhóm cá) và cả nhóm động vật không xương sống (chân khớp, giun dẹp, thân mềm). Ngoài ra, với đặc điểm hệ sinh thái núi đá vôi, nơi đây là sinh cảnh của 10 loài linh trưởng, chiếm 50% tổng số loài thuộc bộ linh trưởng ở Việt Nam (trong đó có 3 loài linh trưởng nguy cấp trên phạm vi toàn cầu là voọc Hà Tĩnh, chà vá chân nâu và vượn đen má trắng). Đáng chú ý có 7 loài chim đặc hữu cho dãy Trường Sơn với 4 loài đặc hữu cho Việt Nam và 1 loài bị đe dọa nguy cấp ở mức toàn cầu là công (Pavo muticus).
Đặc biệt, các nhà khoa học đã ghi nhận mẫu chuột đá Trường Sơn, đây là một đại diện sống duy nhất của họ thú cổ (Diatomyidae) được xem đã tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm. Việc phát hiện loài chuột đá Trường Sơn là một trong các ghi nhận quan trọng về đa dạng sinh học của vườn quốc gia và của thế giới, khẳng định nhóm động vật này không chỉ sinh sống giới hạn ở Lào mà còn cả ở Việt Nam.
Không chỉ phong phú về các loài động vật mà VQG Phong Nha - Kẻ Bàng còn có sự đa dạng về hệ thực vật. Sự đa dạng về hệ thực vật ở VQG Phong Nha - Kẻ Bàng bao gồm cả thành phần loài, nguồn gen và tài nguyên thực vật. VQG Phong Nha - Kẻ Bàng có trên 800 loài cây tài nguyên, có giá trị về khoa học và kinh tế thuộc 7 nhóm công dụng như: nhóm lấy gỗ, nhóm cây dầu nhựa, nhóm cây làm thuốc, nhóm cây ăn được, nhóm cây dùng đan lát và cho sợi, nhóm cây làm cảnh và bóng mát, nhóm cây cho thuốc nhuộm. Đáng chú ý trong các kết quả nghiên cứu về thực vật là việc phát hiện thêm 4 loài thực vật mới cho khoa học gồm: thu hải đường (Begonia vietnamensis), phòng kỷ Quảng Bình (Aristolochia quangbinhensis Do), bùng bục Phong Nha (Mallotus phongnhaensis), dương xỉ Quảng Bình (Polystichum quangbinhense). Ngoài ra, ghi nhận sự phân bố của quần thể loài bách xanh đá (Calocedrus rupestris Averyanov) 500 tuổi với diện tích khoảng 5.000ha, mọc ưu thế trên núi đá vôi ở độ cao trên 700m được xem là sinh cảnh rừng độc đáo nhất bởi tầm quan trọng toàn cầu và giá trị bảo tồn, đây là một loài thực vật cổ và đặc hữu của Việt Nam, hiện chỉ còn sót lại chủ yếu ở VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Ngoài ra, còn có các phát hiện về 1 chi đặc hữu đơn loài Oligoceras thuộc họ thầu dầu (Euphorbiaceae) với loài Oligoceras eberhardtii rất hiếm ở Việt Nam.
Với những giá trị tài nguyên đa dạng sinh học phong phú, độc đáo của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng được xem là những tiềm năng to lớn và có giá trị phục vụ cho định hướng phát triển du lịch bền vững khi được bảo tồn và phát huy đúng cách.
Gắn bảo tồn đa dạng sinh học với phát triển du lịch bền vững
Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có hệ sinh thái với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, sự phong phú, đa dạng của các loài động, thực vật đã góp phần rất lớn để phát triển nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là ngành Du lịch của Quảng Bình. Phát triển du lịch bền vững giúp khai thác nguồn tài nguyên một cách khoa học, nâng cao ý thức của người dân trong việc gìn giữ, bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học. Tuy nhiên, trong thời gian qua tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng vẫn xảy ra tình trạng săn bắt động vật hoang dã, hoạt động khai thác gỗ trái phép; khai thác lâm sản ngoài gỗ; xâm lấn đất rừng; vẫn còn tình trạng phát thải chất thải có thể gây ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí và một số hoạt động trên tuyến giao thông, điểm du lịch, gây tiếng ồn ảnh hưởng đến các loài động vật hoang dã. Bên cạnh đó, đã xác định được 14 loài ngoại lai xâm hại, đặc biệt là sự xâm hại của bìm bôi hoa vàng trong vùng lõi với diện tích lên tới 4.000ha là nguyên nhân suy giảm giá trị đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của hệ sinh thái… Hơn nữa, công tác bảo tồn đa dạng sinh học vẫn còn một số hạn chế như đội ngũ cán bộ có chuyên môn về bảo tồn đa dạng sinh học còn thiếu; công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia hoạt động bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học còn gặp nhiều khó khăn.
Nhằm bảo tồn giá trị đa dạng sinh học VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình nhân giống các loài cây bản địa quý hiếm, có giá trị bảo tồn và kinh tế cao; công tác chăm sóc, cứu hộ động, thực vật hoang dã được thực hiện tốt; tiếp tục giám sát đa dạng sinh học lồng ghép thực hiện Kế hoạch hành động về bảo tồn các loài linh trưởng tại Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng…
Hiện nay, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đang chú trọng khai thác các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái nhằm khám phá, trải nghiệm thiên nhiên và tham quan các di tích lịch sử để xây dựng, phát triển du lịch theo hướng bền vững. Ngoài ra, dịch vụ du lịch ở vườn không chỉ đóng góp phát triển kinh tế cho cộng đồng mà còn là giải pháp hữu hiệu để bảo tồn giá trị di sản, giảm áp lực lên tài nguyên.
Thời gian tới, VQG Phong Nha – Kẻ Bàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học cho người dân; đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học với phát triển du lịch bền vững VQG Phong Nha – Kẻ Bàng là một lộ trình dài, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng cần có sự tham gia tích cực của mọi người dân cùng nhau gìn giữ, phát huy những tiềm năng, thế mạnh để phát triển Du lịch Quảng Bình.
Lệ Minh