Tiềm năng khai thác du lịch cộng đồng của người Khmer
Trà Vinh có tiềm năng phong phú về du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch biển, sông nước miệt vườn với các vườn cây ăn trái đặc sản, cồn ven biển, đặc biệt là du lịch khám phá bản sắc văn hóa của cộng đồng người Khmer.
Một trong những nét văn hóa của người Khmer chính là các lễ hội đặc sắc, bao gồm lễ hội sinh hoạt truyền thống và lễ hội sinh hoạt tôn giáo như: Chol Chnam Thmay (lễ mừng năm mới), Sene Dolta (lễ cúng ông bà), Ok Om Bok (lễ cúng trăng), lễ Phật đản (bon pisakh bâuchea)... thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh tới dự hội và vui chơi.
Bên cạnh đó, Trà Vinh hiện có nhiều di tích lịch sử, kiến trúc và di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; những ngôi chùa Khmer Nam Bộ có kiến trúc cổ xưa độc đáo, tiêu biểu là chùa Hang, chùa Nodol, chùa Âng và chùa Vàm Ray. Ðây là các ngôi chùa cổ, mang kiến trúc đặc trưng của Phật giáo Khmer Nam Bộ, trong đó có chùa Âng thuộc hàng cổ nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long thường được khách du lịch và nhân dân địa phương thăm viếng.
Ngoài ra, đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh còn có kho tàng văn hóa dân gian và nghệ thuật cổ truyền rất phong phú và đặc sắc. Từ nghệ thuật múa dân gian lâm thôn, nghệ thuật tuồng cổ dì kê, dù kê cho đến các giá trị khác như: ẩm thực, làng nghề truyền thống, phong tục, tập quán... Đó là những tài nguyên quan trọng để Trà Vinh phát triển du lịch văn hóa, tâm linh gắn với lễ hội truyền thống các dân tộc, nhất là tìm hiểu văn hóa dân tộc Khmer, văn hóa dân tộc Việt trong quá trình khai khẩn vùng đất Nam Bộ.
Nhận thức rõ vai trò to lớn của du lịch đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, trong thời gian qua, tỉnh Trà Vinh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách làm cơ sở cho ngành Du lịch phát triển; tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến về du lịch; xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch…
Cơ hội và thách thức từ hoạt động du lịch cộng đồng
Có thể nói, việc khai thác du lịch cộng đồng mang lại lợi ích cho người dân địa phương, tăng thu nhập từ việc tham gia các hoạt động du lịch như: phục vụ nhu cầu lưu trú, thưởng thức các món ẩm thực độc đáo, bày bán các đồ thủ công, biểu diễn nghệ thuật dân gian, trải nghiệm sinh hoạt văn hóa gia đình, cộng đồng… đã góp phần ổn định đời sống kinh tế, phát triển sinh kế và xóa đói giảm nghèo cho đồng bào Khmer ở Trà Vinh.
Từ khi làng Văn hóa - Du lịch Khmer Trà Vinh đi vào hoạt động, những hộ dân tham gia làm du lịch đã coi đây là cơ hội quảng bá văn hóa của dân tộc mình, đồng thời xem đó là nguồn thu nhập ổn định. Với cách làm và bước đi mới dựa trên những tài nguyên du lịch sẵn có, du lịch cộng đồng Trà Vinh hứa hẹn sẽ tạo nên điểm nhấn đặc biệt cho ngành Du lịch tỉnh và giúp cộng đồng người Khmer có được những cơ hội làm giàu từ chính văn hóa của mình.
Tuy nhiên, thực trạng phát triển du lịch của tỉnh Trà Vinh hiện nay còn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có: thiếu điểm vui chơi, giải trí; các điểm du lịch thiếu các dịch vụ cho khách; dịch vụ du lịch đơn điệu, chưa đủ sức giữ chân du khách lâu dài; việc tổ chức các hoạt động du lịch còn hạn chế rời rạc; nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động du lịch còn thiếu và yếu, chưa đủ tổ chức được các tour tham quan các di tích, các địa điểm du lịch của tỉnh, chủ yếu là tự phát của du khách.
Một số giải pháp để phát triển du lịch cộng đồng người Khmer ở Trà Vinh
Thứ nhất, thường xuyên tổ chức những khóa đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ du lịch, giao tiếp ứng xử và ngoại ngữ cho người dân địa phương, để họ biết hướng dẫn và tạo môi trường cho khách du lịch được trải nghiệm văn hóa truyền thống như: tham gia các công đoạn của nghề thủ công, tự tạo sản phẩm lưu niệm, sinh hoạt văn nghệ, lễ hội cùng cộng đồng…
Thứ hai, chia sẻ lợi ích kinh tế với cộng đồng thông qua các nguồn thu từ hoạt động du lịch và tạo việc làm cho người dân địa phương.
Thứ ba, tăng cường giáo dục ý thức cộng đồng giữ gìn vệ sinh môi trường; đầu tư, hỗ trợ vốn cho các cơ sở phục vụ du khách sửa sang, xây mới khu vệ sinh công cộng đủ điều kiện phục vụ du khách nhằm cải thiện điều kiện lưu trú; yêu cầu các công ty kinh doanh du lịch lồng ghép các chương trình tham quan du lịch với nội dung bảo vệ môi trường.
Thứ tư, khôi phục các lễ hội truyền thống và các điệu hát, điệu múa dân gian truyền thống của người Khmer để phục vụ khách du lịch; đồng thời, hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp quy về khai thác tài nguyên du lịch, bảo tồn các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường.
Thứ năm, xã hội hóa đầu tư và kêu gọi nguồn vốn đầu tư cho du lịch cộng đồng. Trước mắt, đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú cộng đồng và các hình thức lưu trú homestay với các dịch vụ kèm theo như: quầy bán hàng lưu niệm, đồ ăn, thức uống... đảm bảo vệ sinh và an toàn nhằm phục vụ nhu cầu lưu trú và nghỉ ngơi của du khách.
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xúc tiến quảng bá du lịch cộng đồng của người Khmer tại trà Vinh thông qua các hội chợ, hội nghị và hội thảo, các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội.
Thứ bảy, tạo nên sự kết nối giữa các doanh nghiệp để hỗ trợ đồng bào Khmer trong việc xây dựng mô hình và cách thức đưa nguồn tài nguyên văn hóa phục vụ du lịch cộng đồng hiệu quả.
Thứ tám, để tất cả các giải pháp trên được tiến hành đúng kế hoạch cần phải có một cơ chế vận hành và phối hợp hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
1. Phạm Trung Lương (2002), Du lịch sinh thái - Những vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội.
2. Nghị quyết số 70/2018/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2018 - 2020.
3. Quyết định số 672/QĐ-UBND ngày 20/5/2014 phê duyệt “Đề án phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”.
4. Đào Thế Tuấn (2005), “Từ du lịch sinh thái, văn hóa đến du lịch cộng đồng”, Tạp chí Xưa và Nay, số 247, tr11-13
5. Bùi Thị Hải Yến (2008), Du lịch cộng đồng, NXB Giáo dục, Hà Nội.
ThS. Phan Thị Khánh Đoan
Võ Văn Sơn