Tác động của xu hướng phát triển du lịch mới đến môi trường và phát triển bền vững Du lịch Việt Nam
Hiện nay vẫn chưa có những nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng về sức tải môi trường và sức chứa du lịch của từng khu vực, việc theo đuổi mục tiêu số lượng không cân bằng với mục tiêu chất lượng và phát triển du lịch không bền vững có thể sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Thêm vào đó, khi theo đuổi chiến lược gia tăng khách du lịch thuần túy sẽ kéo theo việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn, thêm nhiều khách sạn, resort, cơ sở lưu trú. Trong một số trường hợp, việc đầu tư tràn lan đang phá vỡ các cảnh quan tự nhiên có giá trị và thay vào đó bằng cảnh quan nhân tạo, xâm lấn vào vùng lõi các khu bảo tồn biển và khu di sản, đe dọa các tài nguyên thiên nhiên đang được bảo vệ ở đây. Việc phát triển du lịch nóng hiện tại ở nhiều nơi cũng không cân nhắc đầy đủ đến tác động lên môi trường. Bài viết phân tích một số loại du lịch điển hình nhằm phát triển và bảo vệ môi trường một cách bền vững.
Du lịch cộng đồng
Mục tiêu phát triển bền vững chỉ có thể đạt được khi người dân được tham gia và có vai trò quyết định trong quá trình hoạch định, quản lý du lịch cộng đồng. Chỉ có như vậy mới bảo đảm du lịch được phát triển phù hợp với những giá trị của cộng đồng, đồng thời bảo đảm chi phí và lợi ích được chia sẻ công bằng. Phát triển du lịch theo hướng bền vững không chỉ mang lại lợi ích tốt nhất cho cộng đồng mà cũng có ý nghĩa quan trọng đối với các bên liên quan khác.
Việc phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng là phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc đặc sắc. Tuy nhiên, các chuyên gia du lịch cũng đưa ra lời khuyến cáo: Muốn du lịch cộng đồng phát triển cần giữ nguyên gốc, nguyên sơ, chất phác chân thực của văn hóa bản địa, đó là giá trị cốt lõi của cộng đồng, không để đánh mất nó. Phát triển du lịch thì phải có trách nhiệm với xã hội. Để phát triển kinh tế địa phương, tôn trọng những giá trị bản địa, giá trị cộng đồng thì loại hình du lịch có trách nhiệm sẽ là giải pháp để phát triển du lịch cộng đồng đúng hướng và bền vững. Một nền du lịch bền vững thì người dân phải được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương…
Du lịch cộng đồng đang ngày càng phát triển tại Việt Nam, đặc biệt là hình thức du lịch homestay, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân tại nhiều địa phương, đồng thời góp phần phát huy thế mạnh văn hóa bản địa. Tuy nhiên, do hoạt động nhỏ lẻ, theo hình thức tự phát, thiếu chuyên nghiệp, đầu tư chưa bài bản, lại chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể từ phía cơ quan chức năng nên du lịch cộng đồng chưa thực sự phát triển, thu nhập của người dân làm du lịch cộng đồng còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên.
Điều đáng lo ngại và cản trở nhất đối với cộng đồng địa phương tham gia làm du lịch là thiếu tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức và hạn chế khả năng ngoại ngữ. Ngoài ra, sự tham gia của cộng đồng địa phương vào quá trình ra quyết định, tổ chức các hoạt động du lịch còn thụ động, mang tính hình thức. Mặc dù là chủ thể của loại hình du lịch cộng đồng nhưng phần lớn người dân địa phương chỉ là nhân viên thời vụ mỗi khi các công ty lữ hành đưa khách đến, chỉ tham gia vào một số công việc đơn giản như: chèo thuyền, phục vụ các bữa ăn, khuân vác...; còn các công việc chính như hướng dẫn du khách tham quan, lên thực đơn mang tính đặc trưng của vùng miền hay thiết kế các chương trình tham quan lại thuộc quyền của các đơn vị lữ hành.
Có thể thấy, tính bền vững trong việc phát triển du lịch cộng đồng là một thách thức lớn không chỉ trong thời điểm hiện nay mà còn cả trong tương lai nếu không có những giải pháp đồng bộ, phù hợp.
Du lịch xanh
Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã có những biện pháp chuyển đổi theo hướng du lịch xanh như mô hình tiết kiệm điện năng, tiết kiệm nước tại các cơ sở lưu trú, đăng ký chứng nhận nhãn sinh thái Bông sen xanh cho các cơ sở lưu trú. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện du lịch có trách nhiệm, hướng dẫn khách du lịch bảo vệ môi trường khi tham gia khám phá rừng, leo núi, thám hiểm hang động; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc biệt là về làm sạch môi trường như tour vớt rác tại Hội An (Quảng Nam), Sơn Trà (Đà Nẵng)... Nhận thức của du khách về du lịch xanh, du lịch bền vững đã được nâng cao nên sản phẩm du lịch xanh sẽ là xu thế để nâng cao sức cạnh tranh sắp tới cho doanh nghiệp...
Du lịch có trách nhiệm
Du lịch có trách nhiệm giúp tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tính toàn vẹn môi trường, tạo sự công bằng xã hội, tăng cường lao động, phát huy các giá trị và tôn trọng văn hóa địa phương, tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng, hàm lượng văn hóa và giá trị đạo đức cùng giá trị trải nghiệm cao hơn.
Du lịch có trách nhiệm tại các điểm đến được hiểu là việc hạn chế tối đa các tác động tiêu cực về kinh tế, môi trường và xã hội; tạo ra lợi ích kinh tế lớn hơn và nâng cao phúc lợi cho người dân địa phương, cải thiện điều kiện làm việc và tham gia vào hoạt động du lịch; khuyến khích người dân địa phương tham gia vào các quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ; đóng góp tích cực vào việc bảo tồn các di sản thiên nhiên và văn hóa nhằm duy trì một thế giới đa dạng; cung cấp những trải nghiệm thú vị cho du khách thông qua mối liên kết giữa khách du lịch và người dân địa phương, tạo hiểu biết về các vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường tại địa phương; tạo cơ hội cho những người khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn; tôn trọng văn hóa địa phương, khuyến khích sự tôn trọng lẫn nhau giữa khách du lịch và người dân địa phương; tạo dựng niềm tin, lòng tự hào dân tộc cho cộng đồng.
Một số giải pháp nhằm phát triển bền vững bảo vệ môi trường
Đối với phát triển du lịch xanh
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch xanh, giải pháp cơ bản là cần nâng cao nhận thức về du lịch xanh cho tất cả các thành phần tham gia du lịch: từ nhà quản lý các cấp, các nhà quản trị doanh nghiệp tới cộng đồng làm du lịch và du khách; nâng cao nhận thức cho cả nhà quản lý, ngành Du lịch lẫn doanh nghiệp và cộng đồng về tăng trưởng xanh, kinh tế xanh; cần có chính sách khuyến khích tăng cường tính "xanh" trong phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch, cũng như các dịch vụ du lịch ứng dụng năng lượng gió, mặt trời, sử dụng vật liệu tái chế, chế biến rác thải; giảm thiểu tiêu hao xăng dầu trong giao thông, tiêu dùng…
Ngoài ra, cần ban hành "bộ tiêu chí du lịch xanh", trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp du lịch vận dụng trong quá trình đầu tư, quy hoạch và kinh doanh. Đó cũng là căn cứ để công nhận sản phẩm du lịch xanh như "tour du lịch xanh", "khách sạn xanh", "nhà hàng xanh", "khu nghỉ dưỡng xanh"…
Đối với phát triển du lịch cộng đồng
Để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, cần có sự chung tay của cả cộng đồng địa phương, doanh nghiệp lữ hành và các cấp quản lý.
Cộng đồng địa phương, đặc biệt là những người tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch phải nghiêm túc đảm bảo chất lượng sản phẩm du lịch thông qua ngôn ngữ giao tiếp, sản phẩm du lịch giàu bản sắc và tạo dựng những giá trị văn hóa đích thực của cộng đồng địa phương.
Là cầu nối giữa du khách và cộng đồng địa phương, các doanh nghiệp lữ hành cần đẩy mạnh quảng bá một cách rõ ràng, chân thực về du lịch cộng đồng địa phương để thu hút du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng.
Các cấp quản lý đóng vai trò đòn bẩy quan trọng, hỗ trợ cho cộng đồng địa phương và các doanh nghiệp lữ hành hoàn thiện và triển khai các hoạt động du lịch; đồng thời, cần chú trọng nâng cao năng lực cho cộng đồng địa phương, hỗ trợ các nguồn vốn vay ưu đãi cho các gia đình đủ năng lực tham gia du lịch cộng đồng, quản lý một cách chặt chẽ các hoạt động và sản phẩm du lịch nhằm hạn chế các vấn đề tiêu cực và chất chứa các nguy cơ gây tổn thương về mặt kinh tế, văn hóa - xã hội tại địa phương.
Đối với du lịch có trách nhiệm
Cơ quan quản lý du lịch tại địa phương xây dựng chính sách, chiến lược, quan điểm phát triển rõ ràng; phổ biến, tập huấn, phát tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương thực hiện theo các nguyên tắc có trách nhiệm; tổ chức các hội thảo, lớp đào tạo để nâng cao nhận thức và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình thực hành; tuyên truyền, khuyến khích, tôn vinh các điển hình thực hiện du lịch có trách nhiệm…
Các doanh nghiệp lữ hành tập trung xây dựng chính sách, chiến lược doanh nghiệp phù hợp với nguyên tắc có trách nhiệm; thu hút và đào tạo nguồn nhân lực; có chế độ khen thưởng đối với cán bộ nhân viên thực hiện các sáng kiến có trách nhiệm; thực hiện các nguyên tắc phát triển du lịch có trách nhiệm; xây dựng các sản phẩm du lịch có trách nhiệm; hướng dẫn du khách thực hiện du lịch có trách nhiệm; khuyến khích các hoạt động du lịch tình nguyện và các hoạt động mang tính trách nhiệm cao; xây dựng quỹ bảo vệ môi trường, quỹ phát triển cộng đồng…
Các khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch xây dựng chính sách, chiến lược doanh nghiệp; thu hút và đào tạo nhân lực; chế độ thưởng phạt hợp lý; hướng dẫn khách du lịch thực hiện du lịch có trách nhiệm; thực hiện các nguyên tắc phát triển du lịch có trách nhiệm, đặc biệt trong sử dụng nguồn năng lượng, nguồn nước…
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác cần có chính sách quản lý, bảo vệ môi trường và hoạt động phát triển bền vững của các nhà hàng; tiết kiệm năng lượng và nước; sử dụng thực phẩm an toàn; xử lý và hạn chế chất thải; giảm thiểu ô nhiễm và sử dụng hóa chất thân thiện với môi trường; sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường và bán sản phẩm xanh…
Cộng đồng địa phương cần có thái độ ứng xử thân thiện, tôn trọng và hỗ trợ khách du lịch trong quá trình tham quan, tìm hiểu tại địa phương; hiểu biết về nguồn tài nguyên cộng đồng đang sở hữu để bảo vệ và giới thiệu đến du khách; tham gia các hoạt động du lịch một cách có tổ chức, tránh tình trạng tự phát, gây lộn xộn, thiếu văn minh đô thị…
Khách du lịch cần tìm hiểu và tuân thủ các tập tục địa phương; lựa chọn các doanh nghiệp có quan điểm, tôn chỉ và hoạt động hướng đến sự bền vững và có trách nhiệm; có ý thức tiết kiệm năng lượng; sẵn sàng tham gia các hoạt động môi trường, ủng hộ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; có ý thức bảo vệ môi trường, văn hóa bản địa…
ThS. Đặng Quốc Việt