Chất thải nhựa trong du lịch ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra
Ở Việt Nam, ngành công nghiệp nhựa dù còn non trẻ so với các ngành công nghiệp lâu đời khác như cơ khí, điện - điện tử, hóa chất, dệt may... nhưng đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Trong lĩnh vực du lịch, nhu cầu sử dụng các sản phẩm nhựa cũng gia tăng cùng với sự phát triển nhanh chóng của hoạt động du lịch với tăng trưởng trung bình trên 2 con số trong giai đoạn 2010 đến nay. Sản phẩm nhựa được sử dụng trong hầu hết các dịch vụ cung cấp cho du khách và du khách sử dụng chúng như một lẽ tất yếu.
Sản phẩm nhựa được sử dụng nhiều nhất trong du lịch là dưới dạng bao bì như chai nước suối được các công ty lữ hành phát cho du khách trong quá trình thực hiện tour hay khách du lịch tự mua dùng trong thời gian đi tham quan, trải nghiệm; sử dụng trong các cơ sở lưu trú, phục vụ các sự kiện, hội nghị, hội thảo…, hay các bao gói đồ ăn nhanh, thức ăn nấu sẵn. Ngoài ra, các sản phẩm nhựa như thuyền đáy kính, xuồng cao tốc, các thiết bị vui chơi giải trí, đồ dùng trong khách sạn... cũng được sử dụng khá phổ biến hiện nay trong hoạt động du lịch. Chính sự gia tăng sử dụng sản phẩm nhựa sẽ làm lượng chất thải nhựa phát sinh ngày một tăng trong hoạt động phát triển du lịch ở Việt Nam.
Tình trạng chất thải nhựa cũng đã ảnh hưởng đến hình ảnh của nhiều điểm đến du lịch trọng điểm, hấp dẫn ở Việt Nam như vịnh Hạ Long, vịnh Cam Ranh, Phan Thiết - Mũi Né…
Như vậy có thể thấy thói quen khá phổ biến sử dụng các sản phẩm, vật dụng nhựa trong hoạt động phát triển du lịch đã và đang góp phần tạo “gánh nặng” đối với mục tiêu hạn chế chất thải nhựa ở Việt Nam.
Nhận thức được vai trò của môi trường nói chung và việc quản lý chất thải nhựa nói riêng đối với phát triển du lịch bền vững, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã tìm cách cải thiện tình trạng ô nhiễm rác nhựa, phù hợp với loại hình kinh doanh. Thay vì phát chai nhựa cho khách, một số đơn vị chuyển dần sang chuẩn bị các bình nước lớn và yêu cầu khách lấy nước từ bình, tái sử dụng chai đựng nước. Các phòng họp, khách sạn cũng chuyển sang dùng cốc, chai thủy tinh để dùng nhiều lần. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ đang dần từ bỏ ống hút nhựa và thay thế bằng các sản phẩm từ inox, gạo, tre... Một số doanh nghiệp du lịch còn tổ chức các tour nhặt rác tại Nha Trang, Hội An... hoặc yêu cầu khách mang rác của họ về sau các chuyến trekking đường rừng. Tuy nhiên, đây chỉ là một số điểm sáng trong bức tranh chung về bảo vệ môi trường du lịch, trong đó có quản lý chất thải nhựa chưa được như mong muốn ở Việt Nam hiện nay.
Những vấn đề chủ yếu hiện nay đang đặt ra cho công tác quản lý chất thải nhựa trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam, đó là: hạn chế về nhận thức tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường và thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa của các doanh nghiệp du lịch trong các hoạt động cung cấp dịch vụ và thói quen của chính khách du lịch trong các hoạt động tham quan, trải nghiệm du lịch tại điểm đến; thiếu các chính sách khuyến khích sử dụng các sản phẩm, vật liệu thân thiện với môi trường và hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa trong hoạt động phát triển du lịch; thiếu các quy định với chế tài đủ mạnh để hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa và cấm các hành vi phát tán chất thải nhựa của khách du lịch ra môi trường; hạn chế về năng lực quản lý môi trường du lịch nói chung và quản lý chất thải nhựa nói riêng trong hoạt động phát triển du lịch tại các điểm đến; hạn chế trong hoạt động liên kết quản lý tác động xuyên biên giới, địa giới hành chính của chất thải nhựa đến phát triển du lịch bền vững.
Một số giải pháp hạn chế chất thải nhựa trong hoạt động du lịch
Để hạn chế chất thải nhựa trong hoạt động phát triển du lịch, góp phần tích cực vào nỗ lực bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững, một số giải pháp cần được quan tâm:
Một là, thông qua nhiều hình thức, bao gồm cả ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng điện thoại thông minh, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội, đặc biệt là của doanh nghiệp du lịch và khách du lịch về tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường du lịch và qua đó ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh cũng như mức độ hài lòng trải nghiệm của khách du lịch tại điểm đến; khuyến khích tổ chức các hoạt động xã hội thu gom chất thải tại các khu, điểm du lịch hướng đến việc xây dựng mô hình “Điểm đến du lịch xanh” không rác thải, không sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần.
Hai là, tổ chức thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường 2018, Luật Du lịch 2017, Luật Đa dạng sinh học 2008… Hiện nay, việc quản lý chất thải (bao gồm chất thải nhựa) được quy định rõ tại Nghị định số 38/2015-NĐ/CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Thông tư số 36/2015-TT/BTNMT của Bộ TN&MT về quản lý chất thải nguy hại...
Ba là, tổ chức rà soát các chính sách liên quan đến việc khuyến khích sử dụng các sản phẩm, vật liệu thân thiện với môi trường và hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa trong hoạt động phát triển du lịch; tham mưu đề xuất với cấp có thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh các chính sách theo hướng khuyến khích thay thế và sử dụng các sản phẩm, vật liệu thân thiện với môi trường; tăng cường chế tài xử phạt vi phạm đối với các hành vi phát tán chất thải nhựa trong hoạt động phát triển du lịch.
Bốn là, bổ sung, điều chỉnh hệ thống các tiêu chí trong “Bộ tiêu chí Nhãn du lịch bền vững Bông Sen xanh áp dụng đối với cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam” ban hành theo Quyết định số 1355/QĐ-BVHTTDL ngày 12/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo hướng hạn chế chất thải nhựa; khuyến khích xây dựng và ban hành “Nhãn Du lịch xanh” trong đó có nội dung về hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa và quản lý chặt chất thải nhựa trong hoạt động phát triển du lịch để áp dụng cho các khu, điểm du lịch và các dịch vụ du lịch.
Năm là, chú trọng đối với việc tăng cường năng lực quản lý môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp du lịch thông qua việc cấu trúc lại một cách hợp lý tổ chức, tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn về môi trường du lịch; đẩy mạnh phối hợp với ngành tài nguyên môi trường và UBND các cấp, ban quản lý các khu điểm du lịch nhằm hạn chế chất thải nhựa tại chỗ và chất thải nhựa từ địa bàn, lãnh thổ khác.
Sáu là, tăng cường vai trò của Hiệp hội Du lịch trong hoạt động bảo vệ môi trường, hạn chế chất thải nhựa.
Bảy là, mỗi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch cần chủ động thực hiện một số biện pháp cụ thể như: tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, sử dụng ống hút, cốc… bằng vật liệu có nguồn gốc hữu cơ hoặc có thể dùng nhiều lần; chọn lọc và ưu tiên đặt mua sản phẩm có dán nhãn thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng bao bì hữu cơ, bao bì dễ phân hủy, bao bì sử dụng nhiều lần của các nhà cung cấp vật tư đầu vào cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; hạn chế hoặc không sử dụng nước trong chai nhựa đóng sẵn, mà uống từ vòi nước, hoặc mang theo bình nước cá nhân; các doanh nghiệp lữ hành xây dựng kế hoạch và lộ trình hạn chế tiến tới thay thế việc phát các chai nước cho khách trong các tour bằng các bình nước sử dụng nhiều lần và thu lại sau mỗi chuyến tham quan để sử dụng cho đoàn tiếp theo; hạn chế hoặc không sử dụng các đồ nhựa trong ăn uống như: ống hút nhựa, thìa, đĩa, bát, cốc nhựa trong các dịch vụ ăn uống tại các khách sạn, nhà hàng, các cơ sở vui chơi giải trí…; khuyến khích khách mang theo túi đựng đồ sử dùng nhiều lần thay vì sử dụng túi ni lông của cửa hàng, siêu thị; thực hiện có trách nhiệm việc phân loại rác thải tại nguồn thải trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, tổ chức thu gom chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch để xử lý theo đúng quy định hiện hành; hạn chế sử dụng chất tẩy rửa bằng hóa chất, khuyến khích sử dụng chất tẩy rửa tự chế bằng nguyên liệu thân thiện với môi trường tại các cơ sở lưu trú du lịch, các nhà hàng, quán bar trong quá trình vệ sinh các thiết bị sử dụng phục vụ khách du lịch.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Văn hoóa, Thể thao và Du lịch. “Bộ tiêu chí Nhãn du lịch bền vững Bông Sen xanh áp dụng đối với cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam” ban hành theo Quyết định số 1355/QĐ-BVHTTDL ngày 12/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
2. Vũ Thị Quỳnh Chi. “Thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại các khu vực ven biển Việt Nam”. Tuyển tập Hội thảo quốc gia “Ô nhiễm rác thải nhựa: Giải pháp quản lý và nghiên cứu khoa học”. Hà Nội, ngày 8/8/2019
3. Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 4/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020”
4. Trần Hàn Việt. “Áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý chất thải nhựa”. Tuyển tập Hội thảo quốc gia “Ô nhiễm rác thải nhựa: Giải pháp quản lý và nghiên cứu khoa học”. Hà Nội, ngày 8/8/2019
PGS.TS. Phạm Trung Lương