Vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm
trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch
Vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm
trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch
Thứ sáu, 03/11/2006 | 11:12 GMT+7
Đảm bảo vệ sinh môi trường (VSMT), an toàn thực phẩm và đồ uống (ATTP) là một trong những vấn đề quan trọng không chỉ với sức khỏe con người mà còn liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và an ninh của mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Những năm gần đây, tình trạng ngộ độc thức ăn dưới nhiều hình thức ngày càng gia tăng ngay cả ở những nước có hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tiên tiến. Ở nước ta tình trạng ngộ độc thức ăn thường xuyên xảy ra trong các bữa liên hoan, tiệc cưới, lễ hội...
Theo Cục Quản lý chất lượng VSATTP - Bộ Y tế, hàng năm có tối thiểu 1,5 triệu người bị mắc bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm, chi phí cho các thiệt hại tới trên 1.000 tỷ đồng. Vì vậy, bảo đảm VSMT, ATTP đã và đang là vấn đề bức xúc - nhất là trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL) đã được xếp hạng ở Việt Nam.
Thực trạng công tác VSMT, ATTP trong cơ sở lưu trú du lịch
Theo kết quả điều tra về thực trạng công tác VSMT, ATTP của 500 CSLTDL thuộc các thành phần kinh tế tại 30 tỉnh, thành phố trong cả nước do Vụ Khách sạn – Tổng cục Du lịch thực hiện cho thấy: công tác VSMT, ATTP bước đầu được các cấp, các ngành và nhiều địa phương quan tâm thực hiện. Một số địa phương đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện VSMT, ATTP; xây dựng kế hoạch hành động vì chất lượng vệ sinh ATTP, phát động và triển khai nhiều phong trào VSMT, ATTP như tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm; tuần lễ nước sạch và VSMT; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP, lập kế hoạch thực hiện kiểm tra các cơ sở kinh doanh ăn uống, trong đó có các CSLTDL, nhà hàng du lịch; xây dựng các quy định, quy chế tạm thời quản lý VSMT, ATTP cho các CSLTDL. Sở Y tế ở một số địa phương đã thực hiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh ATTP, tổ chức hội thảo, tập huấn phổ biến thông tin và truyền đạt các biện pháp, kinh nghiệm, nâng cao nhận thức cho người lao động trong các CSLTDL, nhà hàng về chất lượng vệ sinh ATTP. Qua đó, phần lớn lao động trong các CSLTDL đã nhận thức được tầm quan trọng và yêu cầu cấp thiết của việc đảm bảo chất lượng vệ sinh ATTP trong kinh doanh lưu trú và ăn uống du lịch. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các sản phẩm có chất lượng, tác động tích cực tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và ngành Du lịch nói chung.
Hiện nay, nhiều CSLTDL đã quan tâm xây dựng kế hoạch, chương trình bảo vệ môi trường (BVMT), VSATTP, đầu tư mới hoặc thay thế trang thiết bị phù hợp với mục đích BVMT, đào tạo bồi dưỡng kiến thức VSMT, VSATTP... Công tác áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào VSMT, ATTP ngày càng được nhiều CSLTDL, đặc biệt các khách sạn thực hiện bằng các hoạt động cụ thể như thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu, nhằm giảm thải, chống ô nhiễm, BVMT, áp dụng các biện pháp thực hiện vệ sinh nguồn nước cấp, quản lý nước thải; thực hiện lọc và xử lý nước máy tạo nước cấp vô trùng hoặc nước đảm bảo vệ sinh an toàn cho sinh hoạt và sử dụng của khách; xử lý nước thải trước khi đổ ra hệ thống công cộng hoặc sông, biển; đầu tư hệ thống thiết bị tái chế nước thải; sử dụng hệ thống hút, khử mùi, đun điện, ô tô điện, thay thế các máy điều hoà thải khí CFC, lắp cửa kính hai lớp, quản lý nguồn gây ồn... Hầu hết các CSLTDL ở Việt Nam đã quan tâm thu gom rác thải. Bố trí các thùng đựng rác tại những vị trí cần thiết, thuận lợi cho khách và nhân viên tại các bộ phận dịch vụ, sân vườn. Quản lý những chất thải độc hại theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, phần lớn nguồn thực phẩm cung ứng cho các cơ sở lưu trú chất lượng cao là thực phẩm nhập khẩu (thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến, đông lạnh hoặc đóng hộp và đồ uống). Chỉ có một phần thực phẩm (như rau, hoa quả tươi, lương thực, thực phẩm đông lạnh, rượu bia, nước suối...) được mua tại Việt Nam thông qua các tổ chức cung ứng có uy tín hoặc ký hợp đồng trực tiếp với nơi sản xuất đảm bảo dây chuyền công nghệ sản xuất thực phẩm sạch. Trong các khâu của quy trình chế biến và phục vụ, hầu hết các CSLTDL đều có tủ lạnh để bảo quản thực phẩm, có kho riêng cho từng loại thực phẩm và đồ uống bảo quản theo yêu cầu nhiệt độ thích hợp. Nhiều CSLTDL có trang bị hệ thống giặt là hiện đại, có chế độ giặt là trang phục cho nhân viên hàng ngày, đảm bảo VSMT, ATTP phục vụ khách du lịch...
Công tác VSMT, ATTP tuy đã được Nhà nước, các ngành, các cấp quan tâm, triển khai thực hiện và tạo ra những chuyển biến cơ bản ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nhưng thực tế vẫn còn những yếu kém, đặc biệt là ở các cơ sở nhỏ, tư nhân chưa nghiêm túc hoặc cố tình không thực hiện các quy định, quy chế và các văn bản pháp luật về quản lý VSMT, chất lượng ATTP. Nhiều cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở địa phương chưa xây dựng và ban hành những quy chế, quy định của riêng CSLTDL để quản lý các hoạt động kinh doanh của cơ sở nói chung và về VSMT, ATTP nói riêng. Nhiều CSLTDL du lịch chưa có cán bộ chuyên trách có kiến thức, nghiệp vụ, có chuyên môn sâu về BVMT để theo dõi, kiểm tra và tham mưu cho nhà quản lý, nên việc triển khai xây dựng, thực hiện các chương trình, kế hoạch VSMT, ATTP của CSLTDL còn rất lúng túng và khó thực hiện. Thậm chí có CSLTDL đạt tiêu chuẩn 3, 4 sao, khu nghỉ dưỡng (resort) vẫn còn ruồi, muỗi, chuột, dán. Nhiều CSLTDL chưa thực hiện xử lý nước thải, đổ nước thải trực tiếp ra hệ thống công cộng, thải trực tiếp ra biển, hồ, ao hoặc cho ngấm xuống đất, gây ô nhiễm môi trường. Việc quản lý rác thải nhiều nơi chưa nghiêm, còn để ứ đọng do thu gom và xử lý rác chưa kịp thời. Việc thực hiện các biện pháp phân loại rác thải, tái sử dụng rác, tái chế rác, ủ hoặc nén rác chưa trở thành phổ biến đối với các CSLTDL, nhà hàng du lịch ở Việt Nam.
Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy sự phối hợp giữa các cấp quản lý và CSLTDL, giữa CSLTDL và cộng đồng dân cư xung quanh để cùng thực hiện các biện pháp VSMT là chưa chặt chẽ đã gây khó khăn cho các CSLTDL trong việc triển khai thực hiện VSMT, ATTP. Việc phối hợp giữa CSLTDL với khách du lịch, khuyến khích khách cùng tham gia thực hiện BVMT chưa phổ biến. Nhiều CSLTDL do chưa nhận thức đầy đủ hoặc điều kiện kinh doanh không thuận lợi (do tại tỉnh, thành phố chưa có khả năng cung ứng thực phẩm đảm bảo an toàn), hiện vẫn mua thực phẩm từ thị trường tự do, không có nguồn gốc đảm bảo. Vấn đề bảo quản thực phẩm vẫn chưa được các CSLTDL thực hiện nghiêm túc…
Việt Nam là nước có khí hậu nóng, ẩm, đời sống của đại bộ phận dân cư chưa cao, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, vì vậy vấn đề VSMT, ATTP còn nhiều vấn đề bất cập trong nhận thức, ý thức chung của xã hội, của cộng đồng dân cư trong vệ sinh thu gom, xử lý chất thải, chống ô nhiễm, trong sản xuất, vận chuyển, bảo quản, chế biến thực phẩm và trong phục vụ ăn uống. Đối với công tác quản lý nhà nước về VSMT, ATTP đối với các CSLTDL, nhà hàng ăn uống du lịch vẫn còn nhiều bất cập. Đã đến lúc ngành Du lịch cần quan tâm đặc biệt đến việc đánh giá thực trạng và định rõ giải pháp nhằm đảm bảo VSMT, ATTP tại các CSLTDL, nhà hàng phục vụ khách du lịch. Đây là một điều kiện tiên quyết để phát triển Du lịch Việt Nam theo hướng bền vững.
Kỳ sau: Những giải pháp nhằm tăng cường quản lý trong công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch.
NGUYỄN PHƯƠNG ANH
LÊ NGỌC TUẤN