Người dạo chơi cùng cổ vật
Người dạo chơi cùng cổ vật
Thứ tư, 01/11/2006 | 14:12 GMT+7
Giờ đây, ông là "giám đốc" một bảo tàng văn hóa cổ thu nhỏ mà với rất, rất nhiều người, không phải cứ nằm mơ là có được. Và tôi đã may mắn có một buổi sáng chủ nhật bình yên được ngồi nghe đạo diễn Trần Thế Sơn kể về cuộc "dạo chơi" đầy lý thú của mình, để bất chợt thấy tin vào lời ông nói: "Mỗi cổ vật đều có đời sống riêng và sự linh thiêng lạ thường của nó".
Từ ký ức tuổi nhỏ...
Trần Thế Sơn sinh ra trong một gia đình đông anh em, bố là nghệ nhân thêu có "bàn tay vàng" của làng nghề Trát Cầu (xã Tiền Phong, Thường Tín, Hà Tây) và là người rất sành về đồ cổ. Từ thời thơ ấu, Trần Thế Sơn đã mơ hồ nhận thấy có dòng máu nghệ thuật chảy trong huyết quản của mình. Hai mươi hai tuổi, anh trở thành ca sỹ Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị, rồi từ sinh viên khóa IV Trường Sân khấu điện ảnh Việt Nam trở thành phóng viên, đạo diễn của Đài Truyền hình Việt Nam. Mặc dù nhà có đến 5 anh em trai, song người cha lại chọn con trai thứ ba để chia sẻ sự hiểu biết, niềm say mê đồ cổ của mình. Thế nên, Trần Thế Sơn sớm biết trân trọng những cổ vật mà người cha đã công phu sưu tầm nhiều năm.
Thế nhưng, chẳng ai biết hết chữ ngờ. "Năm 1979, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Vì lo lắng không đủ sức giữ những cổ vật của mình, cha tôi quyết định đổi tất cả để lấy một chiếc xe đạp Đức khiến tôi buồn bã, ngẩn ngơ hàng năm trời" - Trần Thế Sơn nhớ lại.
Thời gian trôi đi, nhưng ký ức, nỗi nhớ về những cổ vật năm nào vẫn thường hiện về trong tâm trí ông, đôi khi đến cồn cào, đau đáu... Thế nhưng, Trần Thế Sơn không bao giờ dám tin sẽ có ngày được "đoàn tụ" với niềm đam mê thuở nhỏ của mình. Cho đến năm 1985, trong một lần được Đài Truyền hình Việt Nam cử sang Campuchia với tư cách chuyên gia cố vấn truyền hình, ông được đích thân Bộ trưởng Văn hóa Thông tin Keo - chăn - đa dẫn đi thăm hoàng cung và một số di tích lịch sử nước bạn. Những bức tượng cổ, những bình gốm lạ mắt, những hình khối nghệ thuật tinh xảo và lâu đời... tất cả tạo nên một ấn tượng rất mạnh, bất chợt đánh thức giấc mơ còn ẩn nấp đâu đó trong tâm khảm ông. "Thế là, mở đầu cho dự định mới của mình, tôi đã mua tại nước bạn bức tượng phật bà ngồi thiền trên con rắn bảy đầu và bức tứ tượng hình 4 con voi gỗ quay lưng vào nhau...". Cuộc hành trình kỳ thú cùng những cổ vật của ông đã được bắt đầu như thế.
... Đến niềm đam mê lớn
Đối với Trần Thế Sơn, tình yêu đồ cổ đã vượt quá niềm đam mê sôi nổi, mãnh liệt, thay vào đó, trở thành máu thịt, đầy day dứt và ám ảnh, là một phần sống ý nghĩa của đời ông. Một cách cẩn trọng, ông vươn người lấy ra khỏi tủ một chiếc đĩa màu ngọc trong ngần, trên đó, tôi chẳng thấy gì ngoài hai viên sỏi màu nâu, mỏng dẹt và cong cong như hai chiếc lưỡi. Sờ tay vào, thấy trơn mướt và mát lạnh cả người. "Chỉ là mấy viên sỏi thường...", tôi cười ngây ngô. Ông giải thích: "Đây là hai viên bùi nhùi người cổ đại dùng để đánh lửa". Không thể tin được! Chẳng lẽ trên tay tôi là một cổ vật vừa sống qua hàng nghìn năm tuổi, vốn thuộc về những con người quá cách xa mình? Và cứ nhìn cách ông nhắm mắt, nhẹ nhàng đỡ viên bùi nhùi trên tay một cách nâng niu, mới thấy ông không còn cảm nhận “đứa con tinh thần” bằng những giác quan cơ thể mình. Dường như thời gian ngưng đọng lại, và tâm hồn người nghệ sỹ vụt giao hòa đồng điệu trong cái không gian linh thiêng nghìn năm của vật cổ. Đá nằm trên đĩa ngọc, ngọc nâng đá chứ không phải đá đỡ ngọc, đó đâu phải là sự sắp xếp ngẫu nhiên, mà đối với người nghệ sỹ am hiểu sâu sắc ngôn ngữ đồ cổ như ông, đó là sự kết hợp, tạo hồn đầy ngẫu hứng nhưng cũng thật hữu ý. Bởi như ông tâm sự: đứng trước một cổ vật, là đang đối diện với truyền thống, với quá khứ dân tộc, quá khứ nhân loại, thế nên cảm thấy rất tôn kính, thiêng liêng và xúc động. Đối với ông, suốt từ bao nhiêu năm nay rồi, cảm xúc ấy vẫn vẹn nguyên như thế.
Trần Thế Sơn từng có một kỷ niệm mà đến bây giờ kể lại vẫn chưa hết xúc động. Năm 1999, trong lần đến chơi nhà một người bà con xa ở Hà Nam, khi nhìn thấy chiếc chóe bằng gốm đời Khang Hy nằm dưới gầm giường, ông bất giác thốt lên: “Sao chiếc bình cổ quý nh¬ư thế mà bác lại để nó ở kia?”. Ông chủ nhà 82 tuổi ngạc nhiên hỏi: “Sao chú biết đó là chiếc bình quý? Đã có nhiều tay buôn đồ cổ gạ mua, còn nói chiếc bình không đáng giá để tôi bán rẻ. Họ tưởng tôi không biết. Đối với loại người lừa lọc như thế, trả đắt mấy tôi cũng không bán. Thấy chú yêu quý và hiểu biết về đồ cổ, lại là người chân thật như vậy, tôi tặng chú chiếc chóe đó”. Không riêng gì Trần Thế Sơn, ngay đến người bạn đi cùng ông cũng phải sửng sốt đến kinh ngạc. Đến giờ, chiếc chóe vẽ hình long, ly, quy, phượng của ông cụ “tri âm” vẫn được Trần Thế Sơn đặt trên tủ kính một cách trang trọng. Có người Mỹ tên là D. John năn nỉ mua bức tượng Lý ngư đời Minh (nặng đến vài chục kg) suốt ba năm trời nhưng ông từ chối với lý do thật đơn giản: “Tôi chỉ chơi thôi...”. Nhà điêu khắc Nauy nổi tiếng thế giới Oyvin STorbaekken đã từng nắc nỏm trước bộ tượng mini ngũ nhạc công và thể hiện sự trân trọng của mình đối với nguời sưu tầm đổ cổ.
Để có được tài sản đáng giá ngày hôm nay, ông đã phải bỏ công sức, tiền của và thời gian lặn lội tìm kiếm khắp nơi. Nhớ lại ngày xưa, có những năm cả gia đình không được ăn Tết vì… tiền bạc đã đổ cả vào đồ cổ. Ra đường, thấy nhà nhà, người người nườm nượp, tất bật chở nhau đi sắm đồ Tết; về nhà, chỉ thấy vợ chồng, cha con ngó nhau... cười xòa. Không bánh chưng, không mâm cỗ... nhưng đổi lại, cả nhà lại được ăn Tết với bữa tiệc thịnh soạn là những món đồ văn hóa dân tộc vừa mới được người cha hào hoa mang về.
Sau ngần ấy năm, từ một cậu bé nhỏ xíu, giờ đây, Trần Thế Sơn đã trở thành một người cha hài lòng với sự trưởng thành của những đứa con ngoan (trong đó có á hậu Báo Tiền phong Trần Vân Anh và nhà thiết kế thời trang Trần Linh Chi). Có nghĩa là, những cổ vật kia đã đi xuyên qua các thế hệ gia đình ông, bất chấp dòng chảy thời gian và những đổi thay biến cố. Ông luôn mong muốn ngày sau, các con ông biết thực sự yêu quý những cổ vật này, không chỉ thế, sẽ xem chúng như một bảo vật gia truyền. Được như thế, ông rất thỏa nguyện!
THẢO PHƯƠNG