Những thuận lợi trong kinh doanh lưu trú du lịch khi
Luật Du lịch được thực thi
Những thuận lợi trong kinh doanh lưu trú du lịch khi
Luật Du lịch được thực thi
Thứ sáu, 08/09/2006 | 16:10 GMT+7
Những năm gần đây, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế tăng nhanh là động lực phát triển hệ thống cơ sở lưu trú (CSLT) du lịch ở Việt Nam. Về số lượng, tính đến ngày 01/10/2004, cả nước có 5.847 CSLT du lịch với tổng số 121.114 buồng. Tốc độ tăng trưởng CSLT du lịch tính bình quân giai đoạn 1990 - 2004 là 25,16%/năm.
Về loại hình cơ sở lưu trú du lịch được chia thành các loại khách sạn, làng du lịch, biệt thự, căn hộ, nhà nghỉ, bãi cắm trại, nhà khách kinh doanh du lịch và một số loại hình lưu trú du lịch khác. Trong đó, khách sạn, nhà nghỉ chiếm tỷ trọng lớn cả về số lượng và số buồng.
Loại hình CSLT |
Số lượng |
Tỷ trọng (%) |
Số buồng |
Tỷ trọng (%) |
Khách sạn |
3.348 |
57,26 |
91.081 |
74,59 |
Làng du lịch |
46 |
0,79 |
1.928 |
1,58 |
Biệt thự KDDL |
33 |
0,56 |
804 |
0,66 |
Căn hộ KDDL |
17 |
0,29 |
333 |
0,27 |
Nhà nghỉ du lịch |
2.160 |
36,94 |
22.052 |
18,06 |
Bãi cắm trại du lịch |
2 |
0,03 |
46 |
0,037 |
Nhà khách |
164 |
2,80 |
4.057 |
3,32 |
Các loại hình CSLT du lịch khác |
77 |
1,32 |
1.813 |
1,48 |
Tổng số |
5.874 |
100,00 |
121.114 |
100,00 |
Hiện nay, số lượng khách sạn đã được thẩm định và xếp hạng sao như sau:
Hạng sao |
Số lượng |
Tổng số buồng |
5 sao |
20 |
5993 |
4 sao |
54 |
6517 |
3 sao |
119 |
8480 |
2 sao |
449 |
18447 |
1 sao |
434 |
10757 |
Đạt tiêu chuẩn |
923 |
23482 |
Tổng số |
2000 |
74.036 |
Trước khi Luật Du lịch ra đời, ngày 08/02/1999, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Du lịch đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của ngành Du lịch. Ngày 24/08/2000, Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2000/NĐ-CP về CSLT du lịch. Tổng cục Du lịch ban hành thông tư số 01/2001/TT-TCDL ngày 27/04/2001 để hướng dẫn thực hiện Nghị định số 39/2000/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 02/QĐ-TCDL về quy định tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn. Những văn bản pháp luật này đã thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước và bước đầu tạo nề nếp trong hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh của ngành Du lịch cũng như tốc độ tăng trưởng của hệ thống CSLT du lịch những năm gần đây, nhu cầu tất yếu phải nâng cao hệ thống văn bản pháp luật để phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành Du lịch. Tháng 6/2005, Quốc hội đã thông qua Luật Du lịch và có hiệu lực từ ngày 01/01/2006. Luật Du lịch gồm 11 chương 88 điều, nội dung bao quát những vấn đề cơ bản về hoạt động quản lý và kinh doanh du lịch. Trong đó hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch được quy định tại mục 4 chương VI từ điều 61 đến điều 68. Các loại hình CSLT du lịch quy định tại Điều 62 bao gồm: Khách sạn; Làng du lịch; Biệt thự du lịch; Căn hộ du lịch; Bãi cắm trại du lịch; Nhà nghỉ du lịch; Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê; Các cơ sở lưu trú du lịch khác.
Đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của hoạt động kinh doanh CSLT du lịch đã được mở rộng hơn so với điều 4 quy định về CSLT du lịch tại Nghị định số 39/2000/NĐ-CP của Chính phủ với việc quy định thêm: nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê và các loại hình lưu trú du lịch khác sẽ được đưa vào văn bản hướng dẫn thực hiện nhằm đáp ứng kịp thời thực tế phát triển các loại hình CSLT du lịch ở nước ta trong những năm gần đây và trong tương lai gần.
Về phân loại CSLT du lịch: khách sạn và làng du lịch được xếp theo 5 hạng từ 1 sao đến 5 sao; biệt thự và căn hộ du lịch được xếp theo hai hạng là đạt tiêu chuẩn kinh doanh và đạt tiêu chuẩn cao cấp; bãi cắm trại du lịch, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê và các loại hình CSLT du lịch khác được xếp hạng đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú.
Về phân cấp quản lý và thời gian xếp hạng: cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương (Tổng cục Du lịch) thực hiện thẩm định, xếp hạng khách sạn từ 3 sao trở lên; hạng cao cấp cho biệt thự du lịch, căn hộ du lịch. Cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thẩm định, xếp hạng khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao, 2 sao, làng du lịch; hạng đạt tiêu chuẩn kinh doanh biệt thự, căn hộ du lịch; hạng đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch đối với bãi cắm trại, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê và các cơ sở lưu trú du lịch khác. Sau ba năm được xếp hạng, CSLT du lịch được thẩm định lại để công nhận hạng phù hợp với hiện trạng cơ sở vật chất và dịch vụ (khoản 5 điều 63 của Luật Du lịch).
Việc ban hành Luật Du lịch vào thời điểm hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hoạt động kinh doanh du lịch ở Việt Nam nói chung và hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch nói riêng:
Thứ nhất, Luật Du lịch được ban hành vào thời điểm chuyển đổi giữa hai giai đoạn quan trọng trong Chiến lược phát triển của Du lịch Việt Nam, đó là thời điểm kết thúc giai đoạn 2001 - 2005 và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển 2006 - 2010 của ngành Du lịch. Luật Du lịch ra đời sẽ khắc phục những hạn chế và bất cập của Pháp lệnh Du lịch, đồng thời mở ra hành lang pháp lý để cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch cấp Trung ương điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh những văn bản quản lý đã ban hành.
Thứ hai, bổ sung thêm các loại hình CSLT du lịch sát với thực tiễn trong nước, phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển của du lịch quốc tế, mở rộng hành lang và khuôn khổ pháp lý, làm cơ sở nghiên cứu tiêu chuẩn xếp hạng các loại hình CSLT du lịch, hoàn thiện hệ thống đánh giá chất lượng sản phẩm du lịch Việt Nam.
Thứ ba, điều chỉnh những khiếm khuyết quy định trong Luật Doanh nghiệp do đặc thù của ngành Du lịch: điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch quy định chặt chẽ, cụ thể hơn nhằm hướng dẫn, hình thành và phát triển đa dạng dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ và nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống CSLT du lịch Việt Nam trên thị trường du lịch quốc tế.
Thứ tư, giải quyết được những bất cập trong trình tự, thủ tục phân loại xếp hạng CSLT du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch phát triển, đồng thời khắc phục được những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước và quản lý chất lượng CSLT du lịch.
Thứ năm, quy định cụ thể những vấn đề phối hợp quản lý liên ngành giữa các cấp và chính quyền địa phương. Quy định rõ trách nhiệm của từng Bộ, Ngành, UBND và cơ chế phối hợp quản lý rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước đối với CSLT du lịch Việt Nam.
Thứ sáu, bổ sung những chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút vốn của các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng CSLT du lịch và phát triển hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch phù hợp với xu hướng mở cửa và hội nhập quốc tế.
Có thể khẳng định, Luật Du lịch ra đời cùng với các văn bản hướng dẫn thực hiện sẽ giải quyết được những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Du lịch, đồng thời mở rộng hành lang pháp lý để cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cấp Trung ương điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quản lý đã ban hành, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong việc phối hợp quản lý CSLT du lịch. Đặc biệt, Luật Du lịch được triển khai thực hiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch phát triển, hướng tới sự đồng bộ trong công tác quy hoạch, xây dựng và hoạt động kinh doanh CSLT du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng sản phẩm Du lịch Việt Nam, tăng khả năng cạnh tranh, giành ưu thế trên thị trường quốc tế, tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn với du lịch trong khu vực và trên thế giới.
ĐỖ THỊ HỒNG XOAN
Vụ trưởng Vụ Khách sạn - Tổng cục Du lịch