|
Nem chua Lai Vung
|
Đặc sản Lai Vung
Huyện Lai Vung (Đồng Tháp) nổi tiếng với quýt hồng và nem. Nem chua Lai Vung làm tại huyện Lai Vung, có màu đỏ hồng tươi, gói trong lá chuối (bây giờ nhiều cơ sở gói bằng lá chùm ruột, giấy, nilon), được dùng làm món ăn trong những đám tiệc hoặc trong bữa cơm thường nhật.
Ông Nguyễn Thành Thơ, chủ lò nem tại số 121, ấp Tân Khánh, xã Tân Thành, cho biết: “Nem Lai Vung có mặt từ những năm trước 1975, đầu tiên do bà Tư Mặn, ấp Tân Khánh, xã Tân Thành làm ra. Lúc đầu bà Tư chỉ làm nem trong các đám tiệc ở địa phương, dần dần bà con thấy món nem này ăn ngon nên học nghề bà làm đem ra chợ Lai Vung (nay là chợ xã Tân Thành) bán.
Ông Thơ cho biết, trước đây hầu hết các công đoạn làm nem đều mang tính thủ công. Nhưng từ năm 1998 trở đi, các cơ sở đầu tư máy móc thiết bị quết, nghiền thịt, lạng da… nên công việc nhanh mà đỡ tốn công lao động.
Gần đây, ông Thơ còn làm thêm nem Huế đòn dài, sử dụng nhiều thịt, nạc đùi sau, ít da nhưng không dùng hàn the nên hương vị đậm đà. Nem Giáo Thơ đã có mặt tại siêu thị Co.opmart TP. Cần Thơ , TP. Long Xuyên, thị xã Vĩnh Long, TP. Mỹ Tho, chợ Bà Chiểu, Thủ Đức – TP. Hồ Chí Minh và ở nhiều địa phương.
|
Quýt hồng Lai Vung
|
Bên cạnh mặt hàng nem nổi tiếng, Lai Vung còn có những vườn quýt hồng sai trái thuộc 4 xã Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước và Vĩnh Thới. Quýt hồng còn gọi là quýt Tiều (vì có người cho rằng giống từ Trung Quốc, nhưng hiện nay ở Trung Quốc không có loại quýt này), được trồng tại huyện Lai Vung từ những năm 1970. Quýt hồng trái to, đít lõm, hơi dẹp, lúc chín có màu vàng sẫm, pha màu gạch son rất đẹp. Có loại quả đặc trưng có màu đỏ sáng, dân gian thường gọi là quýt tiều son, vị ngọt, chua nhẹ. Hiện nay, diện tích quýt hồng chiếm hơn hai phần ba diện tích cây ăn quả trong huyện. Kỹ sư Nguyễn Văn Minh, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Lai Vung cho hay, hai năm qua, các nhà vườn đã biết ứng dụng tiêu chuẩn GAP vào khu vườn kiểu mẫu, từ đó giảm 30% chi phí đầu tư cho sản xuất mà năng suất, chất lượng quýt hồng lại không ngừng được nâng lên, vừa đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Bánh tráng Thuận Hưng đắt hàng!
Bây giờ, không chỉ ở Bến Tre mà miền Tây cũng có thêm làng bánh tráng Thuận Hưng không thua kém xứ dừa.
Hàng năm, từ tháng 10 âm lịch trở đi, người Thuận Hưng lại bắt tay tráng bánh phục vụ Tết. Bình quân mỗi ngày mỗi hộ tráng 2 - 3 thiên bánh là chuyện bình thường, có lò làm đến cận 29 Tết mới nghỉ tay. Hết Tết, mỗi nhà lãi từ 6 đến 8 triệu đồng… Dọc theo hai bên đường bê tông dài hơn 2,5 km từ chợ Ông Mỏng đến cầu Cái Kè, nhà nhà, người người tráng bánh. Từ sáng đến xế chiều, lớp lớp người luân phiên thay vỉ, trở bề bánh tráng trông thật náo nhiệt, đông vui như ngày hội.
Thuận Hưng có nghề bánh tráng nem là chủ lực, ai muốn đặt làm thêm thì có bánh tráng sữa, bánh tráng dừa. Danh bất hư truyền, nghề tráng bánh ở đây có từ thập niên 60 của thế kỉ trước. Ban đầu chỉ có khoảng 20 hộ tự sản tự tiêu, chủ yếu làm nhỏ lẻ trong ba ngày Tết Nguyên đán. Sang năm 1968, phát triển lên 60 hộ và hiện nay có trên 100 hộ trong 4 ấp, đông nhất là ấp Tân Phú.
Ông Nguyễn Tấn Lực, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hưng khẳng định: bánh tráng Thuận Hưng đảm bảo độ dẻo, dai, mỏng và không bị rách, có thể bảo quản 2 - 3 tháng mà không sợ kém phẩm chất, sản lượng làm ra không lo ế chợ bởi lẽ đã có nhiều đại lý thu mua, đem bán sỉ ở các chợ đầu mối các tỉnh và xuất khẩu sang Campuchia. Chính vì vậy, vừa qua UBND TP. Cần Thơ đã ra quyết định công nhận làng nghề Thuận Hưng.
Nguyễn Hà Phương