Du lịch văn hóa và văn hóa du lịch
Du lịch văn hóa
Du lịch văn hóa được tổ chức với mục đích nâng cao hiểu biết cho cá nhân; thỏa mãn lòng ham hiểu biết, nâng cao kiến thức về văn hóa thông qua chuyến du lịch đến những nơi khác chỗ ở hàng ngày để tìm hiểu và nghiên cứu lịch sử, kiến trúc, kinh tế, chế độ xã hội, cuộc sống và phong tục tập quán của quốc gia, dân tộc khác.
Loại hình du lịch văn hóa thường được chia làm hai nhóm: du lịch văn hóa với mục đích cụ thể thường là những chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu viên, học sinh, sinh viên; và du lịch văn hóa với mục đích tổng hợp gồm những người ham thích học hỏi, mở mang kiến thức về thế giới và thích trải nghiệm.
Việc khai thác các giá trị văn hóa phục vụ phát triển du lịch văn hóa mang lại lợi ích kinh tế cho các bên tham gia cung cấp sản phẩm du lịch văn hóa, góp phần tuyên truyền quảng bá giá trị các văn hóa của điểm đến, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, đồng thời tạo thêm nguồn kinh phí cho giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương đón khách.
Văn hóa du lịch
Văn hoá du lịch là sự thể hiện nội dung văn hoá trong lĩnh vực du lịch, được tích lũy và sáng tạo trong hoạt động du lịch bởi bốn chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch: khách du lịch, doanh nghiệp du lịch, chính quyền các cấp, và cộng đồng dân cư nơi diễn ra hoạt động du lịch.
Văn hóa du lịch được hình thành và phát triển cùng với hoạt động du lịch. Đây là một phạm trù lớn, thể hiện những giá trị văn hóa của hoạt động quản lý, nghiên cứu, kinh doanh, trải nghiệm du lịch.
Vai trò của văn hóa du lịch trong phát triển du lịch bền vững
Ngày nay, văn hóa du lịch đã trở thành một thành tố mới trong phạm trù văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc, vừa mang tính dân tộc vừa mang tính quốc tế và đóng vai trò rất quan trọng, thể hiện ở 9 vai trò cụ thể:
Thứ nhất, tạo phong thái, bản sắc du lịch, giúp phân biệt sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp du lịch và các vùng, miền, quốc gia.
Thứ hai, là nguồn lực quan trọng thúc đẩy ngành Du lịch phát triển bền vững.
Thứ ba, là công cụ hữu hiệu để xây dựng khối gắn kết cộng đồng làm du lịch, cộng đồng dân cư địa phương, chủ nhân của các tài nguyên du lịch, góp phần xây dựng con người của quốc gia, dân tộc.
Thứ tư, khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo và khả năng cống hiến của nhân lực du lịch vào sự nghiệp phát triển ngành, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi thành viên trong xã hội.
Thứ năm, tạo môi trường làm việc lành mạnh và chuyên nghiệp, giúp những người “làm” du lịch tự tin, hiểu được giá trị của bản thân đối với ngành.
Thứ sáu, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh du lịch ở cấp độ quốc gia, ngành, doanh nghiệp và sản phẩm du lịch..
Thứ bảy, là thành tố quan trọng xây dựng uy tín và phát triển thương hiệu du lịch.
Thứ tám, là công cụ quản lý hiện đại trong hoạt động du lịch.
Thứ chín, định hướng cho hoạt động du lịch, thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc, văn hóa bản địa, góp phần quan trọng vào xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đảm bảo cho du lịch phát triển bền vững.
Do đó, văn hóa du lịch ngày càng được quan tâm của tất cả các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương, của các doanh nghiệp và những tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch. Lực lượng cán bộ văn hóa làm du lịch, lực lượng cán bộ du lịch làm văn hóa, nhất là văn hóa trong hoạt động du lịch, cần gia tăng cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, từ đó kéo theo nhu cầu đào tạo văn hóa du lịch cho nhân lực du lịch, nhất là nhân lực du lịch chất lượng cao.
Thực trạng và giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa du lịch ở Việt Nam
Trong những năm qua, văn hóa trong du lịch ở Việt Nam được xác định vừa là mục tiêu vừa là quan điểm khẳng định văn hóa là nội dung, là bản chất đích thực của du lịch Việt Nam, tạo tính độc đáo, đặc sắc, hấp dẫn của sản phẩm du lịch Việt Nam, góp phần tạo dựng hình ảnh quốc gia của du lịch Việt Nam trong lòng du khách và bạn bè quốc tế.
Các biểu hiện trực quan về văn hóa du lịch như cảnh quan, danh lam thắng cảnh được tôn tạo và hình thành; kiến trúc các công trình du lịch như cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở vui chơi giải trí, điểm tham quan đã có sự kết hợp hài hòa tính dân tộc và hiện đại; thiết kế nội thất của cơ sở vật chất du lịch gần gũi với môi trường, với nét đẹp truyền thống từ chất liệu đến sắp đặt, bài trí theo văn hóa địa phương... ngày càng được quan tâm, thu hút nhiều du khách.
Tất cả những đổi mới nêu trên trong văn hóa du lịch đã góp phần khai thác tốt hơn tiềm năng và thế mạnh về du lịch của đất nước, giảm bớt những hạn chế về mặt chủ quan, vượt qua các thách thức, khó khăn đặt ra, tạo thêm sự hấp dẫn du lịch, tăng thêm khả năng cạnh tranh của Du lịch Việt Nam, được bạn bè và du khách trong và ngoài nước đánh giá cao.
Tuy nhiên, văn hóa du lịch của Việt Nam còn những biểu hiện không phù hợp, ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch quốc gia, mỗi vùng miền, từng địa phương và doanh nghiệp du lịch, vì thế cần thực hiện một số giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa du lịch ở Việt Nam: nâng cao nhận thức và tiếp tục đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo và quản lý văn hóa du lịch; tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa du lịch; tăng cường nguồn lực cho xây dựng và phát triển văn hoá du lịch; phối hợp liên ngành, liên vùng và xã hội hóa để phát huy sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá du lịch.
TS. Nguyễn Văn Lưu