Hội thảo tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng, xu hướng phát triển cũng như đưa ra các đề xuất, giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong khai thác du lịch nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); đồng thời, là nơi giới thiệu các mô hình du lịch nông nghiệp thành công có tính sáng tạo…
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, những năm qua, An Giang luôn xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, từng bước hoàn thiện hạ tầng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các thế mạnh du lịch địa phương như: du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp…; tập trung cho 4 khu vực trọng điểm: núi Sam, núi Cấm, Óc Eo, Mỹ Hòa Hưng, du lịch xanh và du lịch theo dòng. Qua đó, tạo điều kiện để cộng đồng cư dân tại địa phương có thêm thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch nông nghiệp khu vực ĐBSCL như: truyền thông đối với du lịch nông nghiệp, du lịch nông nghiệp An Giang và chính sách phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, thị trường và sản phẩm du lịch nông nghiệp khu vực ĐBSCL, mô hình du lịch cộng đồng kết hợp du lịch nông nghiệp - hướng phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững…
Theo ông Nguyễn Linh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương nhấn mạnh: Tính chiều sâu trong xây dựng nông thôn mới cũng như trong phát triển ngành kinh tế du lịch nông nghiệp cần hướng tới giá trị bền vững cùng chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia, đặc biệt là những người nông dân; chú trọng cải thiện môi trường; kết hợp phát triển với việc bảo tồn và phát huy bản sắc các cộng đồng dân cư địa phương; thực hiện xây dựng, hoàn thiện hạ tầng du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù như: dịch vụ homestay, hướng dẫn, trình diễn, cung cấp dịch vụ, hàng hóa, nông sản được sản xuất tại địa phương phục vụ tiêu thụ tại chỗ.
Hiện nay, nhiều quốc gia đã dựa vào các giá trị đặc trưng của nền nông nghiệp truyền thống kết hợp với công nghệ, nông nghiệp hữu cơ để thu hút khách du lịch và thông qua khách du lịch thúc đẩy tiêu thụ, tăng doanh thu cho nông nghiệp…; các giá trị nông nghiệp sẽ làm đa dạng, phong phú thêm sản phẩm du lịch, làm giảm áp lực quá tải tại khu vực đô thị đồng, thời kéo dài thời gian lưu trú và nâng cao chi tiêu của du khách.
Hiện nay, ở các địa phương như Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ… hình thành nhiều điểm du lịch nông nghiệp. Đến đây, du khách có thể được vào vai người nông phu tự tay hái quả, làm vườn, được nghỉ chân ngay tại nhà dân và xung quanh là những vườn cây trái trĩu quả. Bên cạnh đó, du khách còn tham quan những làng nghề truyền thống, các lò bánh, lò cốm, hoặc đi thăm chợ nổi Long Xuyên, chợ nổi Cái Bè, chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phụng Hiệp… Vì thế, du lịch nông nghiệp là một hướng đi mới góp phần xây dựng nông thôn mới tại ĐBSCL dựa trên các giá trị khác biệt của nông nghiệp và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của người dân nông thôn.
TH