 |
Vụ trưởng Vụ Khách sạn Đỗ Thị Hồng Xoan phát biểu tại Hội thảo
|
Ảnh: HD
|
Riêng Hà Nội, tính đến hết quý I/2007, số lượng cơ sở lưu trú có 516 cơ sở với 12.894 buồng; trong đó có 8 khách sạn 5 sao, 6 khách sạn 4 sao, 20 khách sạn 3 sao. Công suất sử dụng phòng 6 tháng đầu năm 2007 ước đạt 80%, yếu tố mùa vụ đến nay gần như không còn. Tuy nhiên, theo nhận định của Sở Du lịch Hà Nội, trên bình diện cả nước, số lượng khách sạn 4 - 5 sao chỉ chiếm 1% trong tổng số cơ sở lưu trú du l?ch và 9% tổng số buồng, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Theo dự kiến đến năm 2010, Du lịch Hà Nội sẽ đón khoảng 9 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Với số lượng như vậy thì phải cần thêm 13.000 phòng khách sạn (hiện có khoảng gần 13.000 phòng). Điều này có nghĩa là mỗi năm Hà Nội sẽ phải xây thêm 3300 phòng khách sạn, trong đó số phòng khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 4 - 5 sao là khoảng 1700 phòng/năm, tương đương với việc xây thêm 6 - 7 khách sạn/năm (nếu tính theo quy mô phòng trung bình/khách sạn 4 - 5 sao hiện nay). Một tín hiệu vui với Du lịch Hà Nội là từ cuối năm 2006 đến nay, UBND Thành phố đã ký quyết định cho phép các nhà đầu tư xây dựng 5 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao với quy mô 2200 phòng và tổng vốn đạt khoảng 1242 triệu USD. Ngoài ra, Du lịch Hà Nội sắp có thêm một số khách sạn đi vào hoạt động như khách sạn Intercontinental đạt tiêu chuẩn 5 sao với 315 phòng, khách sạn Đông Đô, 3 sao, 56 phòng và một số khách sạn đang khẩn trương xây dựng như Hoàn Kiếm, Đồng Lợi, Dân Chủ.
Về lâu dài, Tổng cục Du lịch cần hoàn thiện chiến lược phát triển cơ sở lưu trú dựa trên những dự báo dài hạn về sự tăng trưởng của lượng khách du lịch; điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú; thực hiện nghiêm các quy định tại Luật Du lịch, các văn bản hướng dẫn thi hành về xử phạt hành chính trong du lịch; nhanh chóng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn xếp hạng các loại cơ sở lưu trú du lịch… Đối với các địa phương, nơi có tiềm năng du lịch và đặc biệt là hai trung tâm du lịch lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cần có những chính sách ưu đãi dành những địa điểm đẹp cho việc xây dựng các khách sạn cao cấp, tránh hiện tượng cấp phép cho các nhà đầu tư không có tiềm lực nhưng vẫn xin đất để đầu cơ.
Đặc biệt, hệ thống khách sạn ngành Du lịch Hà Nội cần tích cực chuẩn bị các điều kiện để phục vụ cho Diễn đàn Du lịch ASEAN vào năm 2009 và Năm Du lịch 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
HẢI DƯƠNG
* Chi tiết xem Tạp chí DLVN tháng 7/2007