Khai thác tài nguyên và phát triển loại hình sản phẩm du lịch
Hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn trên địa bàn Tây Nguyên đã được tập trung khai thác để phát triển các loại hình sản phẩm du lịch. Sản phẩm du lịch đã từng bước được đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, các địa phương đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch, trong đó nổi trội là tài nguyên du lịch tự nhiên để xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với các loại hình du lịch sinh thái, bên cạnh việc bảo tồn và phục hồi các lễ hội truyền thống, tổ chức nhiều hoạt động du lịch văn hóa với chủ đề hấp dẫn, độc đáo. Tây Nguyên chủ yếu có 6 loại hình sản phẩm du lịch là: du lịch nghỉ dưỡng; du lịch tham quan; du lịch sinh thái; du lịch hội nghị - hội thảo; du lịch vui chơi giải trí; du lịch thể thao.
Để đảm bảo cho các loại hình sản phẩm trên, các tỉnh Tây Nguyên đã đề ra các biện pháp điều tra, đánh giá chính xác về tài nguyên, phân loại hệ thống dịch vụ, khách sạn để phát hiện các tiềm năng chưa được khai thác, phát hiện các yếu kém nhằm có hướng khắc phục, khuyến khích đầu tư vào các loại hình vui chơi, giải trí. Quy hoạch các làng văn hóa dân tộc, khai thác các lễ hội truyền thống, dân ca múa nhạc của các dân tộc Tây Nguyên, xây dựng chính sách xúc tiến quảng bá các loại hình du lịch văn hóa của Tây Nguyên, nhất là sau khi UNESCO công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là “kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại”, liên kết với các tỉnh phối hợp mở các sản phẩm du lịch như du lịch biển - núi, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, hội nghị - hội thảo…
Sản phẩm du lịch liên tuyến được chú trọng đầu tư và khai thác như tuyến du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên”, tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung”, gắn du lịch các tỉnh Nam Trung Bộ với Tây Nguyên, tuyến du lịch “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”…
Đô thị du lịch Đà Lạt phát huy được vai trò trung tâm du lịch quốc gia, từng bước khẳng định thương hiệu, vươn ra tầm quốc tế với nhiều sản phẩm du lịch mang đậm nét văn hóa. Festival Hoa Đà Lạt là sản phẩm du lịch đặc sắc nhằm tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại và đầu tư, du lịch trong nước và thế giới. TP. Buôn Mê Thuột với lễ hội cà phê, giới thiệu cho du khách trong nước và thế giới sản phẩm cà phê nổi tiếng, qua đó xúc tiến các chương trình đầu tư cho Đăk Lăk và các tỉnh Tây Nguyên.
Loại hình du lịch MICE tập trung chủ yếu ở Đà Lạt và Buôn Mê Thuột do có đầu tư về cơ sở hạ tầng và nhân lực đáp ứng cho loại hình du lịch này. Một số khách sạn cao cấp ở Đà Lạt đã tổ chức thành công nhiều hội nghị - hội thảo quốc tế và trong nước. Một số sự kiện tiêu biểu được tổ chức tại Đà Lạt như Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam...
Đà Lạt là đô thị du lịch nghỉ dưỡng núi bậc nhất nước ta, khó có khu du lịch nào ở Đông Nam Á có thể cạnh tranh được nhờ vào khí hậu và tài nguyên du lịch hấp dẫn. Loại hình du lịch tham quan và thể thao ở các tỉnh Tây Nguyên như du lịch Buôn Đôn, hồ Lăk (Đăk Lăk) đều có thế mạnh do nhiều tài nguyên tự nhiên phong phú. Du khách có thể cưỡi voi qua dòng sông Sêpepok, đi thuyền độc mộc, leo núi, dù lượn, đi cầu treo, câu cá thư giãn trên hồ Đăk Min, hồ Eakao. Du lịch nghiên cứu văn hóa - lịch sử là sản phẩm được ưa chuộng ở Tây Nguyên với sử thi Tây Nguyên, văn hóa nhà dài, nhà rông, nhà mồ, với tập tục và phong tục Tây Nguyên. Bản thân Tây Nguyên là một kho sử thi hùng tráng, chứa đựng nền văn hóa không thể trộn lẫn với văn hóa khác.
Thánh địa Bà La Môn và Nam Cát Tiên là 2 địa danh được các nhà nghiên cứu và khách du khách quan tâm nhiều nhất.
Xác định chiến lược các sản phẩm du lịch
Định hướng chung của du lịch Tây Nguyên là: đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tăng khả năng thu hút khách du lịch. Để đạt được mục tiêu trên, các tỉnh cần đề ra các biện pháp: điều tra, đánh giá chính xác hiện trạng về tài nguyên du lịch, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; nhằm phát hiện các tài nguyên chưa được khai thác, những tồn tại, những bất cập của hệ thống và đề ra hướng khắc phục. Đầu tư cho loại hình vui chơi giải trí; quy hoạch làng văn hóa dân tộc, có chính sách quảng bá các lễ hội truyền thống. Tuy vậy, nhìn chung sản phẩm du lịch của Tây Nguyên còn đơn điệu thậm chí còn trùng lặp trong một vùng miền. Chất lượng sản phẩm du lịch còn hạn chế, việc khai thác còn khép kín, hiệu quả kinh doanh chưa cao. Đáng lưu ý là việc kết hợp sản phẩm và thị trường chưa được quan tâm đúng mức, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao, chưa có các sản phẩm nổi bật, đặc trưng để thu hút khách, tạo ấn tượng mạnh kích thích du khách quay lại du lịch.
Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay, chiến lược sản phẩm phải có tính cạnh tranh cao và chiến lược tăng trưởng vừa thể hiện khai thác tốt tài nguyên, đồng thời phải giữ vị trí chi phối cạnh tranh. Vì vậy, chiến lược sản phẩm phải xem sản phẩm du lịch trong một chuỗi liên hoàn, gắn kết, bổ sung cho nhau, do đó chất lượng sản phẩm phải gắn với các sản phẩm khác. Ví dụ: du lịch hội nghị - hội thảo gắn liền tham quan, nghỉ dưỡng…
Điểm yếu trong chiến lược sản phẩm du lịch là: chưa gắn sản phẩm du lịch với chiến lược chung, chưa đánh giá chiến lược sản phẩm có phù hợp hay không. Sản phẩm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng là quan trọng nhất của du lịch Tây Nguyên, là sản phẩm khung cho các sản phẩm khác. Các hoạt động hội nghị, hội thảo, nghiên cứu văn hóa, chữa bệnh... cũng phát triển từ loại hình du lịch nghỉ dưỡng, làm nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo nên sản phẩm đa dạng hơn.
Từ đó, để phục vụ cho hoạch định chiến lược sản phẩm du lịch của Tây Nguyên, cần định hướng vào một số sản phẩm chủ yếu sau đây:
Du lịch nghỉ dưỡng: chú trọng vào loại hình nghỉ dưỡng cao cấp, hạn chế loại hình nghỉ dưỡng bình dân. Giai đoạn 2015-2020, du lịch miền núi chủ yếu sẽ là du lịch nghỉ dưỡng cao cấp với các loại hình đa dạng gắn với du lịch công vụ (hội nghị, hội thảo, hợp tác...), du lịch thể thao (đua ngựa, chơi golf, tennis...), du lịch nghiên cứu (văn hóa, lịch sử, khoa học tự nhiên...).
Du lịch sinh thái gắn với các trang trại cà phê, trang trại cao su, hồ tiêu... các sản phẩm cây công nghiệp, tìm hiểu thủ phủ của cà phê Buôn Mê Thuột nổi tiếng với bảo tàng cà phê. Du lịch sinh thái gắn với khai thác các thắng cảnh và di sản văn hóa Tây Nguyên.
Du lịch tham quan gắn với nghỉ dưỡng, nghiên cứu lịch sử, văn hóa, di tích và gắn với các sự kiện Tây Nguyên đã từng tổ chức: Festival Hoa Đà Lạt, Festival Cà phê, Festival Trà, Festival Cồng Chiêng... Cần có sự đầu tư trọng điểm cho du lịch nghỉ dưỡng, đây là sản phẩm được khách du lịch quan tâm nhất. Đây cũng là sản phẩm có tính cạnh tranh cao nhất.
Du lịch hội nghị - hội thảo (MICE): Tây Nguyên phải triệt để khai thác du lịch MICE do có nhiều lợi thế; cơ quan, doanh nghiệp tổ chức các sự kiện thường có khuynh hướng ra ngoài các đô thị lớn, kết hợp nghỉ ngơi và hội nghị, thuận tiện về giao thông, chi phí. Nơi tổ chức cũng phải ghi lại dấu ấn cho người tham dự, kết hợp hội nghị, hội thảo với thương thảo làm ăn.
Du lịch vui chơi, giải trí: câu cá, xiếc thú, săn bắt, thưởng thức sản phẩm, leo núi, dù lượn, golf, quần vợt, đua ngựa, thể thao mạo hiểm, casino...
Du lịch lễ hội: mừng lúa mới, đâm trâu, cồng chiêng, hoa, trà, cà phê, may thêu...
Du lịch tâm linh: Tây Nguyên là vùng đất có nhiều chùa, nhà thờ, thánh địa...
Du lịch thăm lại chiến trường xưa: Tây Nguyên là vùng đất của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nơi đây là chiến trường khốc liệt, cũng là nơi mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Phát triển các loại hình du lịch văn hóa để khai thác bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên qua các lễ hội, làng nghề thủ công. Đặc biệt phải chú trọng khai thác văn hóa cồng chiêng vừa được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể để phục vụ khách thăm quan và nghiên cứu. Đây sẽ là một loại hình du lịch hấp dẫn và thu hút một lượng khách không nhỏ.
Đà Lạt có thể coi là điểm du lịch tham quan nghỉ dưỡng sinh thái miền núi hấp dẫn vào bậc nhất nước ta hiện nay. Nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Singapore là một thị trường khách quốc tế vào loại lớn nhất khu vực, cũng đánh giá Đà Lạt là điểm du lịch hấp dẫn có thể bổ sung cho Singapore để nối tour du lịch đến Việt Nam. TP. Đà Lạt là một trong 12 đô thị du lịch của cả nước chắc chắn trong thời gian tới sẽ có những cơ chế phát triển phù hợp xứng đáng với tên tuổi của mình.
Tuy nhiên, để phát huy được những lợi thế trên, du lịch Tây Nguyên cần có các giải pháp đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch gắn liền với các chiến lược cạnh tranh, mở rộng và tìm kiếm thị trường, đặc biệt trong xu thế hội nhập.
Ngoài các hình thức du lịch như tham quan, tìm hiểu thiên nhiên, văn hoá, lịch sử, nghỉ dưỡng… cần phát triển thêm loại hình sản phẩm du lịch mua sắm (thông qua các chợ ẩm thực, chợ đêm…) và sự kiện tháng khuyến mại giảm giá… Đối với Tây Nguyên cần phát triển thêm các loại hình dịch vụ chữa bệnh (như hệ thống bệnh viện, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, các thẩm mỹ viện,…). Hình thành các trung tâm mua sắm hiện đại cho du khách trong nước và quốc tế tại các khu trung tâm như TP. Đà Lạt, TP. Bảo Lộc, TP. Buôn Mê Thuột, TP. Pleiku… từng lãnh thổ du lịch phải có các loại hình sản phẩm mang tính đặc trưng riêng.
Chiến lược kết hợp sản phẩm và thị trường
Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ hướng tới làm phong phú và đảm bảo chất lượng của sản phẩm và dịch vụ có thể kích thích được yêu cầu tiêu dùng của du khách. Ngoài ra, cần tập trung xây dựng các sản phẩm có chất lượng cao, qui mô lớn để có khả năng chi trả cao, nhằm tăng thời hạn lưu trú và mức chi của du khách.
Với tiềm năng và các chiến lược sản phẩm du lịch, Tây Nguyên được xác định là một trong bảy vùng du lịch đặc thù của Việt Nam cần được ưu tiên để phát triển thành khu du lịch trọng điểm của quốc gia.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban chỉ đạo Tây Nguyên (2010), Báo cáo tổng kết 10 năm phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên, Tài liệu Ban chỉ đạo Tây Nguyên.
2. Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) (2010), Dự báo “Tầm nhìn du lịch 2020”, Thông tấn xã Việt Nam.
|
TS. Nguyễn Duy Mậu
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)