Về mặt kinh tế
Thứ nhất, điểm đến du lịch đóng vai trò quan trọng cho việc thu hút khách du lịch đến tham quan và du lịch. Không có điểm đến du lịch hấp dẫn thì sức thu hút khách từ mọi điểm dân cư trên trái đất sẽ hạn chế. Các doanh nghiệp lữ hành trong nước và nước ngoài sẽ không có cơ sở để xây dựng các chương trình du lịch thu hút khách. Địa phương và đất nước không thể khai thác các giá trị của thiên nhiên, của văn hóa phục vụ khách du lịch đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Thứ hai, điểm đến du lịch là nơi xuất khẩu vô hình và xuất khẩu tại chỗ với giá trị kinh tế cao. Các giá trị tự nhiên và giá trị văn hóa, đặc biệt là các giá trị văn hóa vật thể và giá trị văn hóa phi vật thể là tài sản của quốc gia, của địa phương và của cộng đồng cần được gìn giữ không chỉ cho thế hệ mai sau mà cho cả toàn nhân loại. Những giá trị này không thể mang ra thị trường bán được mà chỉ có thể thu hút khách du lịch đến tham quan chiêm ngưỡng. Nếu người làm du lịch có trí tuệ và sức sáng tạo ra những ý tưởng phù hợp với nhu cầu của khách du lịch để khai thác các giá trị văn hóa này thì sẽ thu được nhiều ngoại tệ thông qua việc thu vé tham quan* và dịch vụ hướng dẫn tham quan. Sau khi khách tham quan và cảm thụ các giá trị văn hóa và thiên nhiên này không mất đi, mà ngày càng được tôn tạo và gìn giữ tốt hơn. Nguồn thu từ vé tham quan bằng ngoại tệ, các nhà kinh tế gọi là “xuất khẩu vô hình”. Khách du lịch nước ngoài đến tham quan và du lịch, họ tiêu thụ một số lượng lớn hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong nước và thanh toán bằng ngoại tệ. Đây là một hình thức xuất khẩu, nhưng là xuất khẩu tại chỗ với hiệu quả kinh tế cao. Vì nó tiết kiệm được rất nhiều khoản chi phí khi xuất khẩu hàng hóa này ra thị trường thế giới, đó là: chi phí về vận chuyển, chi phí bảo quản, chi phí lưu kho, lưu bãi, chi phí hao hụt trong quá trình vận chuyển nhưng lại bán được giá cao hơn giá thị trường thế giới. Ví dụ: 1kg thịt gà bán trên thị trường thế giới chỉ được 2USD, nếu bán cho các khách sạn, nhà hàng để chế biến thành món ăn bán cho khách nước ngoài thì giá trị tăng lên gấp trên 5 lần. Hoặc 1kg cà chua xuất khẩu ra thị trường thế giới chỉ bán được 1USD/kg, nhưng bán cho các khách sạn, nhà hàng chế biến các món ăn cho khách thì giá trị tăng lên đến 10 lần.
Thứ ba, điểm đến du lịch là nơi thực hiện tái phân chia nguồn thu nhập giữa các địa phương, giữa các tầng lớp dân cư và làm tăng giá trị của hàng hóa. Khách du lịch nội địa đem tiền kiếm được từ một địa phương này sang địa phương khác tiêu dùng, như vậy địa phương đón khách sẽ có thu nhập và dân cư ở địa phương này cũng có thu nhập từ việc bán hàng hóa và dịch vụ cho khách. Hàng hóa và dịch vụ này nếu bán cho cư dân của địa phương thì giá sẽ rẻ, nhưng khi bán cho khách du lịch tại các khách sạn, nhà hàng giá sẽ cao hơn dẫn đến làm gia tăng giá trị của hàng hóa và dịch vụ.
Thứ tư, phát triển điểm đến du lịch là động lực để thúc đẩy các ngành khác trong nền kinh tế quốc dân phát triển thông qua việc tạo ra một thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các ngành.
Khi du lịch khách du lịch đến nhiều sẽ tạo ra cho các ngành từ nông nghiệp, thủy hải sản, công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, công nghiệp hàng tiêu dùng, điện lực, nước sạch, bưu chính, viễn thông..., tiêu thụ được sản phẩm thông qua bán sản phẩm và dịch vụ cho khách du lịch và doanh nghiệp du lịch.
Thứ năm, phát triển điểm đến du lịch là động lực để chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nền kinh tế quốc dân từ nông nghiệp, công nghiệp chuyển sang dịch vụ. Một đất nước, một địa phương có chính sách phát triển du lịch nhằm mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ để thu hút nhiều lực lượng lao động và tạo ra một thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các ngành khác.
Thứ sáu, phát triển du lịch nhằm khôi phục và phát triển các nghề thủ công, mỹ nghệ truyền thống, các làng nghề nhằm mục đích cho khách du lịch tham quan và tìm hiểu cũng như mua những sản phẩm này
Khôi phục và phát triển các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống không chỉ để sản xuất ra các sản phẩm lưu niệm bán và để xuất khẩu mà mỗi một làng nghề là một điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với khách du lịch. Nhiều nước phát triển du lịch đã thành công trong vấn đề này.
Về mặt văn hóa
Điểm đến du lịch góp phần giới thiệu về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, đất nước và con người với bạn bè năm châu nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị, hòa bình với các dân tộc khác nhau trên thế giới.
Điểm đến du lịch góp phần bảo tồn, khai thác những giá trị di sản văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc không chỉ để phục vụ cho du lịch mà còn để cho những thế hệ mai sau.
Điểm đến du lịch góp phần bảo vệ và phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống nhằm phục vụ khách du lịch. Mục tiêu của con người khi đi du lịch là tìm hiểu văn hóa và phong tục tập quán của địa phương thông qua các làn điệu dân ca, âm nhạc dân tộc, múa, kịch... đặc sắc, độc đáo và hấp dẫn.
Điểm đến du lịch góp phần thúc đẩy việc nâng cao nhận thức và văn minh tinh thần cho người dân thông qua việc mở rộng tầm nhìn, tăng cường sự hiểu biết, nâng cao lòng tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương.
Về mặt xã hội
Điểm đến du lịch tạo ra nhiều công ăn, việc làm cho xã hội. Thực hiện xóa đói, giảm nghèo ở những vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo đói. Du lịch là một ngành dịch vụ nên cần rất nhiều người phục vụ, không chỉ những người trực tiếp phục vụ mà cả những người gián tiếp phục vụ. Mặt khác, các khu du lịch, các khu nghỉ dưỡng, các sân golf thường được xây dựng ở những vùng ven biển, vùng núi, vùng dân cư vẫn còn nghèo sẽ làm thay đổi diện mạo của khu vực và tạo ra thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của địa phương giúp người dân có việc làm, có thu nhập.
Về mặt môi trường
Để phát triển du lịch bền vững, đòi hỏi cộng đồng dân cư nơi là điểm đến du lịch và các doanh nghiệp du lịch, các cơ sở bán hàng hóa và dịch vụ cho khách du lịch phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, đó là:
Nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Cộng đồng dân cư nơi có khách du lịch đến tham quan bắt buộc phải giữ gìn môi trường tự nhiên xanh - sạch - đẹp nhằm thu hút khách du lịch. Về môi trường xã hội, giáo dục mọi người tôn trọng, văn minh, lịch sự với khách du lịch, không để xảy ra hiện tượng ăn xin, chèo kéo khách mua hàng, bán hàng đúng giá cho khách và giữ uy tín với khách.
Các doanh nghiệp du lịch và các cơ sở bán hàng hóa và dịch vụ cho khách tại điểm đến du lịch nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc xử lý rác thải, chất thải, nước thải để đảm bảo cho môi trường trong lành. Giữ vệ sinh sạch đẹp trong cơ sở phục vụ khách, trồng cây xanh và hoa tươi bên trong cơ sở.
*Vé tham quan các di tích , thắng cảnh phụ thuộc vào sức hấp dẫn của điểm tham quan và giá trị văn hoá của nó. Thông thường từ 30-50USD/người/lượt.
Châu Anh