Theo tính chất trong lĩnh vực du lịch, hoạt động lữ hành là chiếc cầu nối giữa cung và cầu trong du lịch thực hiện các hoạt động như: Thực hiện chức năng đại lý bán các dịch vụ và sản phẩm cho các cơ sở khác. Làm dịch vụ cho những người có nhu cầu đi lại cũng như có nhu cầu du lịch. Tổ chức các chương trình du lịch trọn gói hoặc theo yêu cầu của khách.
Vì vậy, để thực hiện được những hoạt động này, doanh nghiệp lữ hành cần có chuỗi cung ứng các dịch vụ và hàng hóa. Chuỗi cung ứng dịch vụ cho hoạt động lữ hành được phân loại theo nhiều tiêu thức khác nhau:
- Theo đặc thù của dịch vụ: Các dịch vụ cung ứng cho hoạt động lữ hành rất đa dạng và phong phú. Bao gồm: Dịch vụ về thông tin du lịch; dịch vụ quảng cáo, xúc tiến du lịch, dịch vụ nghiên cứu và thăm dò thị trường;..v.v
- Theo quy trình mua và bán hàng: Dịch vụ cung ứng cho hoạt động lữ hành bao gồm hai nhóm chính:
+ Dịch vụ mua trước: Để tổ chức các chương trình du lịch thông thường các doanh nghiệp lữ hành đặt mua trước vé máy bay, mua trước toàn bộ số buồng tại một khách sạn hoặc tại một khu du lịch nào đó… Sau đó họ sẽ thiết kế các chương trình du lịch để bán cho khách hàng. Khách hàng ở đây có thể là các đại lý bán lẻ hoặc trực tiếp bán cho khách du lịch.
+ Dịch vụ mua trong quá trình phục vụ khách: Đây là các dịch vụ theo yêu cầu của khách, có thể là các dịch vụ đơn lẻ như: mua vé máy bay, đặt chỗ tại các khách sạn và cũng có thể là một chuyến du lịch theo yêu cầu của khách bao gồm cả vé máy bay, đặt chỗ tại khách sạn, vận chuyển tại điểm đến…
- Theo mức độ trực tuyến; dịch vụ của hoạt động lữ hành được chia thành hai nhóm:
+ Các dịch vụ trực tuyến online: Các dịch vụ này được cung cấp thông qua công cụ web. Các dịch vụ này ngày càng phát triển cho phép doanh nghiệp lữ hành rút ngắn khoảng cách không gian và thời gian với khách hàng. Một loạt các công cụ như hỗ trợ thông tin và kỹ thuật trực tuyến, tư vấn trực tuyến, thanh toán trực tuyến… đã và đang phát triển mạnh trong giai đoạn hiện nay khi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ với rất nhiều hình thức và các phương tiện sử dụng khác nhau.
+ Các dịch vụ trực tiếp (offline): Các dịch vụ này được triển khai thông qua các kênh truyền thống, thường là có sự tiếp xúc trực tiếp giữa khách hàng và các doanh nghiệp lữ hành.
-Theo chủ thể cung ứng dịch vụ cho hoạt động lữ hành bao gồm:
+ Dịch vụ cung ứng bán buôn trong hoạt động lữ hành: Đó là các nhà cung ứng như hàng không, khách sạn thường bán buôn cho các doanh nghiệp lữ hành một số chỗ ngồi nhất định trên các chuyến bay hoặc một số buồng khách sạn trong một khoảng thời gian nhất định để các doanh nghiệp lữ hành chủ động xây dựng các chương trình du lịch thu hút khách hàng.
+ Dịch vụ bán lẻ của doanh nghiệp lữ hành. Đó là các dịch vụ theo yêu cầu của khách, các đại lý lữ hành thực hiện như: bán các chương trình du lịch, đăng ký vé máy bay, thuê xe ô tô, đặt chỗ trong khách sạn… Các dịch vụ này cung cấp trực tiếp đến tay người tiêu dùng và không thông qua bất kỳ một trung gian nào.
Chất lượng của các dịch vụ và hàng hóa trong hoạt động lữ hành đều phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ và hàng hóa của các đơn vị cung ứng. Vì thế, khi bàn đến chất lượng dịch vụ du lịch hoặc chất lượng “sản phẩm” du lịch cần xem xét đến chất lượng dịch vụ và hàng hóa của các đơn vị cung ứng.
C.A.