Thời gian qua, Bộ VHTTDL đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đề xuất các sản phẩm chủ lực của ngành. Các sản phẩm đã được phê duyệt gồm: 15 sản phẩm/nhóm sản phẩm thuộc 6 lĩnh vực, trong đó lĩnh vực du lịch gồm 4 sản phẩm phục vụ du lịch thông minh gồm: du lịch thực tế ảo; hệ thống quản lý điểm đến hỗ trợ hoạt động lữ hành, lưu trú; thẻ du lịch đa năng; phần mềm thuyết minh du lịch tự động.
Một số nhiệm vụ liên quan đã và đang được triển khai như: nghiên cứu ứng dụng công nghệ đa phương tiện trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, Hội thảo “Du lịch thông minh - Cơ hội và thách thức đối với Du lịch Việt Nam”, Hội thảo khoa học “Tác động của CMCN 4.0 đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật”, Hội thảo khoa học xây dựng sản phẩm chủ lực…
Một số địa phương đã áp dụng CMCN 4.0 trong hoạt động du lịch như: Hà Nội triển khai xây dựng thuyết minh tự động ở một số di tích quốc gia, điểm du lịch với 5 - 8 ngôn ngữ; Đà Nẵng đang triển khai đề tài cấp nhà nước về thành phố du lịch thông minh, đẩy mạnh quảng bá du lịch, thí điểm 1.000 thẻ du lịch đa năng ở 5 di tích, điểm du lịch; Lâm Đồng kết nối các cơ sở lưu trú tại địa bàn với Sở VHTTDL phục vụ quản lý khách; Khánh Hòa ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến quảng bá du lịch bằng hình ảnh 3D, kết nối cơ sở dữ liệu du lịch toàn tỉnh với Trung tâm Xúc tiến Du lịch.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao nhận thức về cuộc CMCN 4.0; tăng cường đầu tư nâng cấp hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào hoạt động của Bộ; ưu tiên ứng dụng công nghệ cốt lõi, thành tựu của CMCN 4.0 tạo ra sản phẩm, dịch vụ có lợi thế cạnh tranh; nâng cao trình độ nguồn nhân lực…
P.V