Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Việt Hương; Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc; Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lê Anh Tuấn.
Tại Hội nghị, đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã chia sẻ tham luận “Tổng quan về thực trạng nguồn nhân lực du lịch, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêucầu phục hồi và phát triển ngành du lịch”. Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đào tạo nhân lực du lịch cần đáp ứng nhu cầu của xã hội, đảm bảo cơ cấu hợp lý về số lượng, chất lượng, cũng như cơ cấu ngành nghề theo trình độ đào tạo và cơ cấu vùng miền. Bên cạnh đó, cần đảm bảo thích ứng với những xu hướng tiêu dùng du lịch thay đổi sau đại dịch COVID-19; chú trọng đến xu thế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong tiêu dùng du lịch và quản lý vận hành, khai thác hoạt động kinh doanh du lịch… Đặc biệt là cần chú trọng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ và tính chuyên nghiệp của lực lượng lao động du lịch. Cùn với đó là chuẩn hoá các chương trình đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập. Hội nghị cũng đã nghe chia sẻ tham luận “Cơ chế, chính sách đào tạo nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực du lịch thời gian tới” của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp; “Kinh nghiệm đào tạo và một số gợi ý nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch” của khoa Du lịch Trường Đại học Mở Hà Nội; “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề du lịch; kiến nghị và đề xuất” của Trường Cao đẳng Đại Việt; “Giới thiệu, kinh nghiệm đạo tạo nghề du lịch theo mô hình trường – khách sạn” của Trưởng Cao đẳng Khách sạn du lịch quốc tế Imperial; “Thực trạng và giải pháp tại nâng cao hiệu quả đào tạo nghề du lịch” của Trường Trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, cho rằng việc đào tạo, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, đặc biệt là kỹ năng ngoại ngữ là vô cùng quan trọng. Theo đó, sinh viên chuyên ngành du lịch cần được đào tạo bài bản về ngôn ngữ nước ngoài trong suốt quá trình học; khuyến khích học nhiều hơn một ngôn ngữ nước ngoài. Ngoài ra, việc giảng dạy trong chuyên ngành du lịch cần bám sát với tình hình thực tế, thường xuyên thực hành; giảng viên cũng tham gia thực hành để cập nhật kiến thức, góp phàn nâng cao năng lực đào tạo. Việc cấp chứng chỉ là cần thiết, nhưng không nên quá lãng phí khi yêu cầu người lao động phải có chứng chỉ mới được làm việc. Nên có khung đánh giá, cấp chứng chỉ và thừa nhận bằng cấp chung, tránh mỗi cơ sở giáo dục sử dụng một khung chứng nhận khác nhau, gây khó khăn cho học viên, sinh viên du lịch chuyển ngạch, phát triển những kỹ năng ngoài lĩnh vực trong tương lai. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường tổ chức chương trình tập huấn nghiệp vụ; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở đào tạo trong đào tạo nhân lực du lịch thích ứng nhu cầu sau đại dịch. Có sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch, tạo điều kiện cung cấp nơi thực tập, làm việc cho sinh viên.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc, nhận định, nhân lực du lịch là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng dịch vụ, khả năng cạnh tranh và sự phát triển bền vững của ngành. Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc cho rằng, mục tiêu của Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, đưa Việt Nam thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới. Để đạt được mục tiêu Chiến lược đề ra, một trong những yếu tố quan trọng nhất cần quan tâm đầu tư đó là nguồn nhân lực du lịch.
Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc, những năm qua, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy vậy, Việt Nam còn thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn, có tay nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế; chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành du lịch trong nước. So với các nước trong khu vực lao động du lịch Việt Nam vẫn còn hạn chế về kỹ năng nghề, khả năng ngoại ngữ, kinh nghiệm, năng suất lao động và tính chuyên nghiệp. Sau đại dịch COVID-19 ngành du lịch đứng trước những thách thức về yêu cầu phát triển, về thay đổi về xu hướng tiêu dùng du lịch và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch, ứng phó những vấn đề chung toàn cầu về biến đổi khí hậu. “Đứng trước bối cảnh trên, để phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phục hồi, phát triển ngành du lịch, công tác đào tạo nhân lực du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng. Hơn lúc nào hết, cần có sự liên kết chặt chẽ của các cấp, các ngành, các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng” - Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc đồng thời cho biết sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu, báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch , Thủ tướng Chính phủ có những chính sách, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực du lịch tốt hơn. Từ đó, hình thành nguồn nhân lực có chuyên môn cao, gia tăng sức cạnh tranh trên thế giới, để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn.
Đình Phong