Tại hội thảo, đại diện Sở Du lịch Lào Cai đã giới thiệu tổng quát về thực trạng tiềm năng phát triển du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Theo đó, Lào Cai hiện có 25 dân tộc cùng sinh sống, trong đó các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 66,8% dân số, tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hóa, thể hiện cả ở văn hóa vật thể và phi vật thể. Hiện Lào Cai có 54 di tích được xếp hạng, trong đó có 22 di tích được xếp hạng là di tích cấp quốc gia, 32 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Ngoài ra còn có các di sản văn hóa phi vật thể; làng nghề thủ công truyền thống; nghệ thuật trình diễn dân gian; tri thức dân gian; lễ hội truyền thống; ẩm thực dân tộc; chợ phiên vùng cao... Đây là tài nguyên quan trọng để tạo nên các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch đến Lào Cai, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.
Đến nay, Lào Cai có 457 cơ sở homestay; trong đó, tại Sa Pa có 355 cơ sở, Bắc Hà có 53 cơ sở, Bát Xát có 30 cơ sở, Bảo Yên có 18 cơ sở, TP. Lào Cai có 1 cơ sở. Đặc biệt, nhóm cơ sở homestay của đồng bào dân tộc Giáy tại Tả Van (Sa Pa), nhóm cơ sở homestay của đồng bào dân tộc Tày tại Tà Chải (Bắc Hà); cụm homestay xã Nghĩa Đô (Bảo Yên) đã được Hiệp hội du lịch các quốc gia ASEAN công nhận đạt chuẩn homestay ASEAN.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ các tham luận “Thực trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”; “Một số vấn đề đặt ra đối với phát triển sản phẩm du lịch nông thôn tại vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai”; “Xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch mang thương hiệu địa phương dựa trên đặc trưng văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số Sa Pa”; “Vị trí vai trò, sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch văn hóa dân tộc thiểu số”; “Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái gắn vùng đồng bào các dân tộc thiểu số tại Bát Xát”; “Xây dựng sản phẩm du lịch gắn với chợ phiên, làng nghề tại Bắc Hà; “Xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa đặc trưng của dân tộc Tày tại xã Nghĩa Đô - Bảo Yên”; “Phát triển lợi thế tri thức dân gian từ dược liệu của người Dao đỏ để đưa vào khai thác phát triển du lịch của Sa Pa”; “Phát triển du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm văn hóa của người địa phương tại Cát Cát”.
Các đại biểu cũng đã thảo luận, đưa ra đánh giá về tiềm năng phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số; đồng thời đề xuất xây dựng các sản phẩm du lịch, kiến nghị các cơ chế, chính sách để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Trong đó, tập trung xây dựng cơ chế đồng quản lý, phát huy sức dân trong tại các điểm du lịch cộng đồng; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá, cảnh quan trong phát triển du lịch nông thôn; nâng cao nhận thức, nghiệp vụ chuyên môn của người dân trong phát triển du lịch; huy động nguồn lực, đẩy mạnh liên kết vùng trong xây dựng và quảng bá sản phẩm; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng và chuyên nghiệp. Qua đó, thúc đẩy phát triển du lịch một cách bền vững, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho cộng đồng các dân tộc.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai Trần Sơn Bình nhấn mạnh: “Với sự chung tay của các sở, ngành, các đơn vị và các doanh nghiệp du lịch, các hoạt động du lịch Lào Cai được triển khai trong thời gian tới sẽ hướng đến việc thực hiện chủ trương biến di sản thành tài sản nhằm đưa du lịch Lào Cai trở thành điểm đến hấp dẫn hơn nữa”.
Thanh Minh