Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững trên địa bàn Hà Nội
Du lịch nông nghiệp, nông thôn là loại hình du lịch vừa mang lại lợi ích kinh tế cho người nông dân, vừa có vai trò to lớn trong việc giữ gìn cảnh quan làng quê, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc của quê hương, tăng thu nhập cho người nông dân ngay trên chính mảnh đất quê hương của họ, tạo ra sản phẩm du lịch khác lạ, độc đáo hấp dẫn có sức cạnh tranh lớn. Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về việc đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025, trong đó quan tâm việc phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố; khai thác và làm nổi bật những đặc trưng riêng có của du lịch nông nghiệp, nông thôn trong định hướng phát triển du lịch của Thủ đô và cả nước. Thành phố Hà Nội có điều kiện thuận lợi trong việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, tuy nhiên thực tiễn hiện nay việc khai thác phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa thực sự đem lại hiệu quả cao. Do đó, rất cần có những giải pháp phù hợp để có thể phát huy hiệu quả những thế mạnh về hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Thực trạng khai thác du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 11 trang trại có hoạt động kinh doanh theo hướng du lịch, trải nghiệm sinh thái nông nghiệp thuộc 7 quận, huyện gồm: Thanh Trì, Thường Tín, Phúc Thọ, Ba Vì, Chương Mỹ, quận Long Biên và Hà Đông. Đồng thời có 4 hợp tác xã (HTX) chuyên ngành kết hợp giáo dục, du lịch trải nghiệm tại 4 huyện, thị xã: HTX rau hữu cơ Thanh Xuân huyện Sóc Sơn, HTX rau Đường Lâm Sơn Tây, HTX trải nghiệm xã Đồng Tiến Ứng Hòa, HTX Hồng Vân huyện Thường Tín. Các HTX nông nghiệp thành lập dựa trên nền tảng hoạt động nông nghiệp kết hợp làm du lịch, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm làm giàu thêm kiến thức sống và nhất là được tự tay thu hái, thưởng ngoạn những sản phẩm đặc sản của địa phương. Loại hình phát triển này đã thu hút một số lượng lớn lao động trong vùng, góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho bà con địa phương. Số lao động trong các trang trại trung bình có 20 người/trang trại, chủ yếu là lao động thuê ngoài để phục vụ các hoạt động kinh doanh liên quan đến lĩnh vực du lịch. Còn lao động trong các HTX nông nghiệp chủ yếu là thành viên của HTX, trung bình mỗi HTX có 20 lao động đến 100 lao động thường xuyên phục vụ cho các hoạt động dịch vụ của HTX và các dịch vụ phục vụ khách du lịch như hướng dẫn thực hành hoạt động nông nghiệp: trồng, chăm sóc rau, cày bừa hay gặt lúa nước và các hoạt động liên quan đến sản xuất nông nghiệp truyền thống… Bình quân doanh thu trang trại du lịch năm 2020 đạt 2,5 tỷ đồng/trang trại.
Thời gian qua, các sản phẩm du lịch nông nghiệp (DLNN) tại Hà Nội đã chú trọng khai thác yếu tố văn hóa, văn minh lúa nước của vùng đồng bằng Bắc Bộ; DLNN kết hợp tham quan di sản văn hóa, làng nghề; khai thác mô hình trang trại đồng quê phục vụ hoạt động du lịch học đường, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần tại khu vực ngoại thành. Xác định DLNN là hướng đi khả quan, có thể góp phần đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, nâng cao đ���i sống tinh thần cho nhân dân, nhiều huyện ngoại thành Hà Nội đã quan tâm phát triển loại hình này. Mô hình DLNN không chỉ đem lại sinh kế cho người nông dân, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường sinh thái mà còn hỗ trợ ngược lại cho sự phát triển đa dạng, bền vững của điểm đến du lịch.
Mặc dù có tiềm năng, lợi thế lớn và được nhiều du khách quan tâm nhưng thực tế cho thấy các hoạt động DLNN, nông thôn tại Hà Nội vẫn còn một số những tồn tại, hạn chế:
Một là, phát triển DLNN Hà Nội chưa mang tính tổng thể, toàn diện, các điểm du lịch vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, trùng lặp. Mô hình tổ chức du lịch theo tour, theo tuyến còn hạn chế. Liên kết phát triển du lịch giữa du lịch cộng đồng và doanh nghiệp lữ hành chưa chặt chẽ (chưa đáp ứng yêu cầu về kết nối tour, tuyến, dịch vụ bổ trợ, giá cả, chất lượng dịch vụ....). Chưa có bản đồ DLNN để khách du lịch dễ dàng tham khảo các điểm, tuyến DLNN.
Quy hoạch điểm đến du lịch khu vực nông thôn hầu hết chưa tính đến sự kết nối với các trung tâm gửi khách, các đô thị, thành phố cũng như các điểm đến du lịch khác trong khu vực để tạo tuyến du lịch, đảm bảo nhu cầu tổ chức chương trình du lịch của các công ty lữ hành. Trên thực tế, xét về nhu cầu của khách du lịch, điểm đến DLNN chưa đủ năng lực trở thành điểm đến độc lập có thể lưu giữ khách. Bên cạnh đó, nhu cầu du lịch tới các điểm đến DLNN đều xuất phát từ đô thị với vai trò là thị trường gửi khách và điểm trung chuyển gửi khách.
Hai là, chưa có cơ chế, chính sách đặc thù cho DLNN. Hiện mới chỉ dừng ở việc lồng ghép, vận dụng vào những chính sách mang tính đặc thù của địa phương. Để khắc phục khó khăn này, các cơ quan quản lý cần sớm có chủ trương, cơ chế, chính sách cụ thể đồng bộ từ trung ương đến địa phương về tổ chức không gian, quản lý DLNN. Để phát triển DLNN cần có quy hoạch phát triển DLNN theo một quy chuẩn cụ thể.
Ba là, liên kết ngành giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo chuỗi giá trị sản phẩm chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được lợi thế của một quốc gia nông nghiệp. Chưa thực sự gắn kết giữa ba bên: nhà quản lý, người dân và doanh nghiệp lữ hành nên chưa thể tạo lực đẩy cho loại hình DLNN phát triển. Do đó chưa phát huy được nguồn vốn lồng ghép từ các ngành khác để phục vụ mục tiêu phát triển du lịch và chưa phát triển chuỗi giá trị du lịch như giá trị về văn hóa, cảnh quan môi trường, làng nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn,...
Bốn là, phần lớn mô hình DLNN trên địa bàn Thành phố có quy mô nhỏ lẻ nên chưa giải quyết được các vấn đề về đa dạng sản phẩm, kết nối quảng bá sản phẩm và tổ chức quản lý, phát triển mô hình. Sản phẩm DLNN còn chưa phong phú, chưa gắn với bản sắc văn hóa riêng của địa phương, đồng thời chưa có sự gắn kết của các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Sản phẩm DLNN chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng xây dựng thương hiệu.
Năm là, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tại các điểm DLNN chưa được đầu tư đảm bảo chất lượng, chưa đáp ứng tốt nhu cầu của khách tham quan, khiến du khách khó tiếp cận. DLNN, nông thôn Hà Nội chủ yếu vẫn manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng dịch vụ hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp đầu tư có nguồn vốn hạn chế chỉ đủ để xây dựng cơ sở hạ tầng nội bộ; trong khi đó cơ sở hạ tầng ở một số vùng như Tản Lĩnh (Ba Vì) vẫn chưa được đầu tư hoàn thiện đặc biệt là hệ thống đường sá, thủy lợi.
Nhiều sản phẩm DLNN chưa đáp ứng thị trường, dịch vụ du lịch ít tính trải nghiệm, nghèo nàn. Tỷ lệ khách quay trở lại còn thấp. Một số điểm đến chưa được quản lý tốt về vấn đề bảo vệ môi trường, sức chứa của điểm đến. Nhiều điểm đến ô nhiễm môi trường diễn ra nghiêm trọng, quá tải vào mùa cao điểm. Phát triển phá vỡ cảnh quan, suy thoái tài nguyên, chia sẻ lợi ích du lịch thiếu bền vững. Chất lượng điểm đến: môi trường, cảnh quan, chia sẻ kinh tế giữa các hộ du lịch và cộng đồng, cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ, cam kết cộng đồng trong việc bảo vệ cảnh quan, môi trường.
Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chưa phát triển đồng bộ, thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Công trình nhà vệ sinh công cộng, vệ sinh môi trường tại nhiều khu vực không đáp ứng yêu cầu, thậm chí không có nhà vệ sinh công cộng. Nhiều khu vực trọng điểm về du lịch nông thôn nhưng còn hạn chế kết nối giao thông với các trung tâm gửi khách. Kết nối nội vùng và các điều kiện hạ tầng khác là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến khả năng thu hút khách và đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Sáu là, nguồn nhân lực cho hoạt động DLNN còn thiếu, chưa chuyên nghiệp. Số lượng, quy mô các doanh nghiệp DLNN còn hạn chế. Bên cạnh đó, hầu hết bà con nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, không có đủ các kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp. Du khách trong nước cũng như quốc tế chủ yếu thăm các điểm du lịch ở nội thành, ít có thời gian, công sức và kinh phí để đi du lịch ở vùng nông thôn nếu không có sự hấp dẫn đáng kể hoặc thật cần thiết. Do đó, thành phố cần hỗ trợ xây dựng chương trình quảng bá cho loại hình du lịch này, đảm bảo DLNN được thực hiện quanh năm theo mùa vụ; tập huấn cho những người tham gia vào hoạt động DLNN.
Để du lịch nông nghiệp, nông thôn Hà Nội phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững
Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những giải pháp thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Mặt khác, nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch. Trong những năm qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều điểm đến du lịch nông thôn được hình thành trên cơ sở khai thác giá trị đặc sắc, mang đậm dấu ấn của văn hóa, sinh thái vùng miền cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Các doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đã có sự liên kết chặt chẽ, nhiều điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn độc đáo, chất lượng đã tạo được sức hút với khách du lịch như: điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín), điểm du lịch Bát Tràng, điểm du lịch Phù Đổng, điểm du lịch Dương Xá (huyện Gia Lâm), điểm du lịch làng cổ ở Đường Lâm, điểm du lịch thôn Lòng Hồ (thị xã Sơn Tây), điểm du lịch sinh thái Hoàng Long (huyện Thạch Thất), …; các mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp như: trang trại Dê Trắng, trang trại Đồng Quê Ba Vì (huyện Ba Vì), khu du lịch sinh thái Bản Rõm (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn),… cùng nhiều điểm du lịch làng nghề nổi tiếng như: Điểm du lịch làng nghề khảm trai - sơn mài Chuyên Mỹ, điểm du lịch làng nghề may Vân Từ (huyện Phú Xuyên), điểm du lịch Làng nghề Sơn mài Hạ Thái, điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín),… đã đem lại cho Hà Nội nhiều lợi thế để xây dựng những sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc trưng, hấp dẫn mang thương hiệu của du lịch Thủ đô.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả du lịch gắn với nông nghiệp bền vững cần tổ chức rà soát quy hoạch, xác định rõ thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn riêng của từng địa phương quận, huyện. Trong đó, quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp phải gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng bản đồ du lịch nông nghiệp trong đó chỉ ra các khu vực có khả năng phát triển sản phẩm nông thôn đặc trưng trên cơ sở liên kết hình thành tuyến du lịch. Ngành du lịch và nông nghiệp cần phối hợp điều tra, khảo sát hoạt động du lịch nông nghiệp tại các địa phương quận, huyện để đánh giá toàn diện thực trạng phát triển cũng như khuyến nghị mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn phù hợp và các chính sách hỗ trợ tương xứng...
Đẩy mạnh tính liên kết vùng để phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng. Việc xác định các sản phẩm chủ đạo, đặc trưng, có tính khác biệt, điểm nhấn của mỗi địa phương là điều hết sức quan trọng. Để phát huy thế mạnh của vùng, cần có sự điều phối chung của vùng trong việc nghiên cứu sản phẩm và khai thác thị trường.
Thực hiện một số chính sách nhằm thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân để phát triển du lịch nông nghiệp của từng vùng, đặc biệt là các sản phẩm du lịch chất lượng cao, khai thác đồng thời giá trị nông nghiệp và phát triển du lịch; sử dụng lao động là người địa phương; các hoạt động du lịch có tính chất cộng đồng; các dự án sản xuất hàng hóa và dịch vụ của khu vực nông thôn vào tiêu dùng du lịch.
Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực cho phát triển du lịch nông nghiệp. Cán bộ ngành Du lịch, đặc biệt là cấp cơ sở cần được nâng cao trình độ, kỹ năng, nhất là năng lực trong tham mưu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, được tiếp cận tri thức, công nghệ mới trong xúc tiến, quảng bá, truyền thông. Đối với các hộ dân làm du lịch cộng đồng, cần bổ sung vốn kiến thức về văn hóa bản địa, tăng cường đào tạo cung cách, kỹ năng phục vụ du lịch...
Đổi mới và xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh cho công tác quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở giá trị đặc trưng, nổi bật của từng địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Sản phẩm du lịch nông nghiệp phải gắn với các sản vật được sản xuất tại địa phương, gắn với chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) mang thương hiệu của địa phương. Tăng cường các hoạt động liên kết để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm có tính cạnh tranh với thế mạnh nông nghiệp. Các doanh nghiệp lữ hành cần phối hợp các địa phương có điểm đến để nghiên cứu thị trường, định hướng nhu cầu, thúc đẩy đầu tư, phát triển sản phẩm, tiếp thị, quảng bá thu hút khách du lịch.
Chú trọng công tác điều phối và quản lý điểm đến nhằm phát triển du lịch nông nghiệp bền vững. Quản lý chất lượng dịch vụ lồng ghép những yếu tố về bảo tồn văn hóa và cam kết bảo đảm chất lượng dịch vụ giữa các nhà cung ứng dịch vụ với các doanh nghiệp lữ hành. Xây dựng tiêu chí đánh giá và hỗ trợ hình thành các mô hình trang trại du lịch kiểu mẫu (Farmstay) trên cơ sở xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp - du lịch.
Ngoài ra, cần xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào tiêu dùng du lịch. Sản phẩm nông nghiệp phải được hướng dẫn sản xuất và công nhận tiêu chuẩn chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ; công nghệ chế biến; mẫu mã, bao bì đẹp được kiểm định và đảm bảo. Nghiên cứu nhu cầu thị trường, đẩy mạnh tiêu dùng du lịch thông qua các sản phẩm dược liệu, thực phẩm chức năng, chăm sóc sức khỏe; hàng tiêu dùng đặc sản địa phương làm quà tặng, đồ lưu niệm...
ThS. Đặng Hương Giang
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội