Những năm qua, du lịch Hà Giang đã đạt được nhiều thành tựu và được chứng thực bởi nhiều tổ chức uy tín trên thế giới. Có thể kể đến như: Tạp chí New York Times (Mỹ) với bình chọn nằm trong top 52 điểm đến hấp dẫn nhất Thế giới năm 2022; Tờ báo The Travel (Canada) bình trọn Hà Giang là một trong 10 điểm đến đẹp nhất Việt Nam; Tổ chức World Travel Awards 2023 (WTA) đã vinh danh, trao giải thưởng “Hà Giang điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” năm 2023. Đặc biệt, Hà Giang đã giữ vững danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn sau 3 lần tái đánh giá…
Để có được những ghi nhận này là sự nỗ lực của đội ngũ quản lý và làm du lịch tại Hà Giang nói riêng và cả nước nói chung. Trong đó, có vai trò quan trọng - chủ chốt của lãnh đạo tỉnh Hà Giang. Cụ thể, Hà Giang đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết, kế hoạch chuyên đề phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, triển khai các giải pháp phát triển các loại hình du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo kinh tế thị trường. Qua đó, hình thành hệ thống sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao, khai thác kéo dài quanh năm, khắc phục hoàn toàn tính mùa vụ. Tỉnh cũng chú trọng xây dựng quy hoạch vùng, hình thành 3 không gian du lịch gồm: Không gian du lịch đồi núi thấp gắn với sản phẩm du lịch thương mại, du lịch nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái và tâm linh; không gian du lịch đồi núi đá phía Bắc là vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn; không gian du lịch đồi núi đất phía Tây gắn với Di tích danh thắng Quốc gia ruộng b���c thang Hoàng Su Phì, tập trung phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và nghỉ dưỡng.
Hà Giang hiện có 106 điểm du lịch được đầu tư, nâng cao chất lượng, xây dựng, hình thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, nổi bật là phát triển du lịch cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có 40 làng văn hóa du lịch, trong đó, nhiều làng được công nhận sản phẩm OCOP 3, 4 sao; Làng Văn hóa cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ nhận giải thưởng ASEAN về lĩnh vực du lịch cộng đồng năm 2023; Khu nghỉ dưỡng H’Mong Village đạt giải thưởng Khách sạn xanh ASEAN... Hiện Hà Giang cũng nâng cấp một số làng văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu để nhân rộng như: Làng văn hóa Lô Lô Chải, Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, Làng văn hóa du lịch thôn Lũng Cẩm…
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, để từng bước đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, ngành chú trọng nâng cao chất lượng các dịch vụ, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho các điểm du lịch cộng đồng. Công tác quảng bá được tăng cường, phát triển đội văn nghệ dân gian… Hiện nay, các làng văn hóa trên địa bàn được đầu tư theo hướng chất lượng cao, hình thành hệ thống bungalow, khu nghỉ dưỡng mini gắn với du lịch cộng đồng, hấp dẫn du khách. Đồng thời, tích cực triển khai đề án hỗ trợ người dân và phát triển làng du lịch cộng đồng để hình thành chuỗi liên kết trong phát triển du lịch.
Thời gian qua, Hà Giang chú trọng phát triển du lịch dựa trên giá trị di sản và phát triển sản phẩm du lịch văn hóa. Toàn tỉnh có 30 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 61 di tích, danh thắng được xếp hạng, trong đó, 31 di tích, danh thắng cấp quốc gia, 30 di tích, danh thắng cấp tỉnh. Ngoài ra, tỉnh quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị các di vật, cổ vật đã được công nhận. Duy trì, tổ chức thường niên gần 40 lễ hội quy mô và có khả năng thu hút du lịch như: Lễ hội hoa Tam giác mạch; Tuần văn hóa di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; Festival Khèn Mông; Ngày hội văn hóa các dân tộc... Qua đó, góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa, tạo điểm nhấn, sản phẩm du lịch trải nghiệm, thương hiệu đặc thù trong khai thác du lịch.
Song song với đó, tỉnh Hà Giang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với việc đưa sản phẩm du lịch nông nghiệp vào khai thác. Điểm nhấn là tăng cường phát triển vùng trồng cây dược liệu gắn với tham quan, trải nghiệm mô hình trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến. Tỉnh thúc đẩy khảo sát các tuyến du lịch mới, xây dựng con đường du lịch trải nghiệm thứ 4, các tuyến du lịch đi bộ trong vùng Công viên địa chất. Đồng thời, tổ chức các hoạt động du lịch thể thao, mạo hiểm như: Đua xe mô tô, ô tô địa hình; trèo thuyền Kayak, thuyền ván đứng (SUP); đi bộ chinh phục vách đá trắng; Giải Marathon quốc tế chạy trên con đường Hạnh Phúc; bay dù lượn…
Chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thu hút đầu tư sẽ tạo ra tiền đề quan trọng hướng tới sự chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển du lịch bền vững. Do vậy, thời gian qua, Hà Giang đã tranh thủ nguồn hỗ trợ từ các dự án đầu tư cho phát triển du lịch; nổi bật là Dự án Du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam (Dự án ST4SD), do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ quản. Giai đoạn 2023 – 2027, Hà Giang là địa phương tại miền Bắc được lựa chọn thực hiện dự án. Dự án được đề xuất vào thời điểm quan trọng khi Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 mới được phê duyệt. Bên cạnh đó, ngành du lịch vừa trải qua cuộc khủng hoảng lớn kéo dài do đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh này, cùng với các chiến lược quốc gia về phát triển du lịch và các dự án khác, Dự án ST4SD với mục tiêu hỗ trợ triển khai thực hiện các chính sách và ưu tiên về phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam.
Tổng Giám đốc Wondertour Lê Công Năng đánh giá, mặc dù tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch; tuy nhiên, chưa định hình được rõ ràng các mục tiêu, mô hình cũng như nhiệm vụ cụ thể trong phát triển và đo lường tính bền vững của hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ và huy động sự tham gia của các doanh nghiệp vào các hoạt động hợp tác phát triển du lịch, tham gia vào công tác quản lý điểm đến còn nhiều hạn chế.
Với góc nhìn của người làm du lịch nhiều năm, ông Lê Công Năng nhìn nhận: Dự án ST4SD đựợc kỳ vọng sẽ góp phần phục hồi ngành du lịch sau tác động của COVID-19, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể thúc đẩy du lịch Hà Giang phát triển bền vững. Dựa trên những thách thức đang gặp phải, dự án sẽ triển khai một số hoạt động đề xuất, hỗ trợ hình thành mô hình đối thoại công - tư trong phát triển du lịch bền vững thông qua xây dựng bộ chỉ số, tiêu chuẩn phù hợp. Hỗ trợ xây dựng khung chương trình chứng nhận, đề xuất các hoạt động phù hợp, mang lại lợi ích cho khách du lịch, doanh nghiệp và toàn ngành Du lịch.
Được biết, Dự án ST4SD được chia thành 3 hợp phần gồm: Các kế hoạch, quy hoạch tổng thể và các chính sách và quyết định thực thi nhằm đẩy mạnh sự phát triển bền vững của du lịch; thiết lập, củng cố các cơ chế đào tạo để thúc đẩy cung cấp các dịch vụ đào tạo và phát triển các kỹ năng, chuyên môn trong lĩnh vực khách sạn; các điểm đến, doanh nghiệp du lịch trở nên bền vững hơn trong triển khai các hoạt động và đầu tư. Để đạt được các mục tiêu quan trọng đó, dự án tập trung hỗ trợ triển khai thực hiện hiệu quả các chiến lược, quy hoạch hệ thống, các chính sách và quản lý, hoàn thiện các cơ chế đào tạo du lịch. Đặc biệt, khi thực hiện tại địa phương đang phát triển du lịch như Hà Giang, dự án sẽ tăng cường, củng cố các tiêu chí và đo lường về tính bền vững, đồng thời, quảng bá các sản phẩm mới. Hỗ trợ hoàn thiện các cơ chế đào tạo du lịch, trên cơ sở đó, thúc đẩy hợp tác cung cấp dịch vụ đào tạo chất lượng cao trong quản trị du lịch, khách sạn…
Với nhiều giải pháp thiết thực, trong khuôn khổ hợp tác, Dự án T4SD sẽ tạo ra những bước phát triển đột phá cho du lịch Hà Giang trong giai đoạn mới, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch; góp phần quảng bá điểm đến ra các thị trường quốc tế, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của điểm đến hàng đầu châu Á.
Anh Hoa