Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Sở VHTTDL Bình Phước Trần Văn Chung cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước, Sở VHTTDL Bình Phước xây dựng đề án phát triển du lịch Bình Phước giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030. Với quyết tâm biến khó khăn, thách thức thành thời cơ, Sở VHTTDL Bình Phước phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa du lịch Bình Phước bứt phá vươn lên thành nền kinh tế mũi nhọn của địa phương, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh. Ông Trần Văn Chung nhấn mạnh: “Sự tham gia của các đại biểu thể hiện sự quan tâm chia sẻ đối với Du lịch Bình Phước. Tôi mong muốn nhận được những ý kiến thẳng thắn, cụ thể để du lịch Bình Phước có các bước đi thích hợp, từng bước tháo gỡ điểm nghẽn, bứt phá vươn lên, sánh vai cùng các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam Bộ, xứng tầm với tiềm năng, lợi thế địa phương”.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cũng bày tỏ mong muốn đại biểu góp ý toàn diện từ cơ sở hạ tầng, môi trường, chính sách, nguồn nhân lực, giúp Bình Phước có đề án du lịch hoàn thiện, làm cơ sở để triển khai, đầu tư và phát triển.
Bình Phước là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm, năng động và phát triển phía Nam; có vị trí địa lý chiến lược, các tuyến giao thông kết nối thuận lợi và giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới, là cửa ngõ kết nối, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên. Với điều kiện vị trí và giao thông thuận lợi đã đưa tỉnh Bình Phước trở thành địa phương quan trọng trong vai trò kết nối giao thông quốc tế với các nước Campuchia, Lào và Thái Lan bằng đường bộ phục vụ phát triển thương mại, xuất khẩu và du lịch...
Bên cạnh đó, Bình Phước sở hữu nhiều tài nguyên du lịch, có nhiều dư địa để kêu gọi đầu tư; có hệ thống rừng nguyên sinh và hệ thống danh lam thắng cảnh dồi dào; có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thuận lợi trong việc định hình các sản phẩm du lịch tự nhiên; là thủ phủ cây điều, cao su của cả nước, phù hợp với xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với hoạt động sản xuất... Đặc điểm nổi bật của du lịch Bình Phước là có hệ thống di tích lịch sử cách mạng đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt; có hệ thống di chỉ khảo cổ thành đất dạng tròn, là nơi sinh sống của người Việt cổ; là nơi hội tụ 41 dân tộc có những nét văn hóa riêng... Tuy nhiên, thực trạng khai thác tài nguyên du lịch, lượt khách du lịch đến Bình Phước và doanh thu từ dịch vụ du lịch trong những năm qua cho thấy du lịch Bình Phước chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng du lịch của tỉnh.
Xây dựng Đề án, Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đón khoảng 2 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 1.200 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động. Đến năm 2030, đón 4 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 2.500 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 13.000 lao động. Bình Phước sẽ tập trung nguồn lực xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, gồm du lịch tìm hiểu lịch sử, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng và trải nghiệm… Kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, xã hội hóa phát triển 5 dự án trọng điểm về du lịch; 2 dự án đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng; 2 dự án sân golf và các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn từ 4 đến 5 sao. Đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, hình thành tour, tuyến, khu, điểm du lịch...
Phát biểu từ đầu cầu Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu cho biết, du lịch đã mở cử hoàn toàn, địa phương nào có sự chuẩn bị tích cực, hoạt động du lịch sẽ nắm bắt được xu thế và thu hút đông khách du lịch. Phó Tổng cục trưởng đồng thời mong muốn Bình Phước sẽ tận dụng được các lợi thế để bắt nhịp được xu thế. Phó Tổng cục trưởng cho rằng, để Bình Phước trở thành điểm du lịch trọng điểm của vùng Đông Nam Bộ cần phải tích hợp các điểm du lịch trọng điểm, nổi bật, quy hoạch phải thiết thực để nằm trong bản đồ du lịch quốc gia. Với lợi thế đi sau, Bình Phước sẽ có nhiều bài học kinh nghiệm, tránh được du lịch đại trà, hướng đến du lịch thông minh, phúc lợi cho người dân.
Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu nhấn mạnh: “Phải đổi mới hoàn thiện các chính sách, ưu tiên khuyến khích, nâng cao vai trò của du lịch trong sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Đầu tư xây dựng các sản phẩm mang đặc trưng của tỉnh Bình Phước, các sản phẩm gắn liền với đời sống, sinh hoạt văn hóa của người dân. Ngoài đầu tư hạ tầng kỹ thuật cần phải đầu tư hạ tầng giao thông, công trình văn hóa... Đặc biệt, Bình Phước phải tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quảng bá, xúc tiến, qua đó đưa hình ảnh du lịch Bình Phước đến gần hơn với du khách trong nước và quốc tế. Bình Phước cũng cần phải xây dựng phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa. Tất cả sẽ góp phần xây dựng du lịch Bình Phước hiện đại, chất lượng nhưng vẫn giàu bản sắc văn hóa, tạo được thương hiệu du lịch riêng”.
Tại Hội thảo, đã có 16 ý kiến phát biểu, trăn trở những vấn đề tâm huyết đưa du lịch Bình Phước phát triển. Đáng chú ý, theo Chủ tịch Danh dự HHDL Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, muốn phát triển phải hợp tác và chấp nhận cạnh tranh. Một trong những lợi thế cạnh tranh du lịch Bình Phước là văn hóa, nên khi đầu tư phải lưu ý giữ nguyên các giá trị văn hóa; tránh quy hoạch, đầu tư công trình phát triển kinh tế làm ảnh hưởng đến tiềm năng du lịch. Mặt khác, ông Nguyễn Hữu Thọ cũng lưu tâm Bình Phước trên khía cạnh phát triển du lịch xanh và ẩm thực. Đồng quan điểm, Trưởng cơ quan đại diện Văn phòng Bộ VHTTDL Nguyễn Kiều Linh cho rằng, đề án của Bình Phước đã bám rất sát tình hình thực tế của địa phương.
Tuy nhiên các sản phẩm du lịch chưa đặc sắc, độc đáo. Ông Nguyễn Kiều Linh nhận định: “Bình Phước đang làm rất tốt công tác bảo tồn văn hóa, vì vậy việc phát triển du lịch cần gắn với văn hóa, qua đó định vị sản phẩm du lịch độc đáo, tiến tới nhanh chóng hòa nhập chung vào du lịch của cả nước”.
Thanh Hoàng