Đưa du lịch thành kênh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên Lê Ngọc Linh cho biết, trong bối cảnh mới, Thái Nguyên hướng tới hình thành dòng sản phẩm khác biệt để thu hút và níu giữ du khách bằng tour kích cầu phục hồi du lịch được gắn kết “3 trong 1” đảm bảo tiêu chí thích ứng an toàn, bền vững. Trong đó, du khách sẽ trải nghiệm một số điểm du lịch cộng đồng, sinh thái kết hợp nông nghiệp, nổi bật với việc gắn kết khai thác giá trị kinh tế du lịch từ nông nghiệp thông qua sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Với dòng sản phẩm này, du khách có thể thỏa sức trải nghiệm, khám phá những điểm đến du lịch cộng đồng, sinh thái và mua sắm tận gốc các sản phẩm nông nghiệp với giá hấp dẫn tại các điểm đến là nhà vườn - đơn vị tham gia sản xuất sản phẩm VietGap, OCOP. Đây là kết quả từ việc chủ động bắt tay liên kết liên ngành của các sở, ngành, địa phương ở Thái Nguyên nhằm khai thác hiệu quả giá trị kinh tế du lịch – nông nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân địa phương và mở rộng đầu mối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua kênh du lịch.
Trong hành trình khám phá Thái Nguyên, du khách sẽ được tham quan các vườn bưởi Hoàng Nông - mô hình trồng cây bưởi Diễn của người dân xã Hoàng Nông (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên); tham quan vườn chè cổ, các mô hình chè được trồng và chăm sóc theo mô hình khép kín ở Tân Cương, La Bằng, Đồng Hỷ…; Các điểm du lịch sinh thái kết hợp sản xuất sản phẩm nông nghiệp ở Phú Lương, Định Hóa, Đồng Hỷ, TP. Thái Nguyên theo chương trình nông thôn mới… Các mô hình du lịch sinh thái kết hợp sản xuất sản phẩm nôngnghiệp, vườn chè, vườn bưởi Diễn ở đây đều đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên cấp chứng nhận mô hình trồng đạt tiêu chuẩn VietGap.
“Đến Thái Nguyên du khách có thể thấy xung quanh các khu nhà đều bạt ngàn màu vàng chín mọng của những lứa bưởi đang kỳ thu hoạch. Sau khi thỏa sức check in, ghi hình tại vườn bưởi Hoàng Nông, thưởng thức hương vị bưởi Diễn ở xứ trà, nhiều du khách đã đặt mua hàng trăm trái bưởi mang về Hà Nội. Bản thân tôi cũng mua số lượng lớn để làm quà biếu người thân vì chất lượng bưởi khá ổn, giá tại nhà vườn cũng hợp lý. Quan trọng hơn là biết nguồn gốc rõ ràng và đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGap” – chị Thu Hương (Hà Nội) cho biết.
Hiện Thái Nguyên có khoảng 6.000ha diện tích trồng chè đủ điều kiện chứng nhận VietGap, hữu cơ; sản lượng chè đạt trên 240 nghìn tấn mỗi năm. Toàn tỉnh đã có khoảng 300 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè. Trong số khoảng gần 140 sản phẩm OCOP được chứng nhận cho đến hết năm 2021, phần lớn đều là những sản phẩm chè. Do đó, điểm nhấn khác trong lịch trình tour kích cầu du lịch, khám phá Thái Nguyên, du khách còn được tham quan các mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn OCOP, tiêu biểu như trải nghiệm hoạt động sản xuất chè tại hợp tác xã chè Hảo Đạt. Đây là một trong nhiều hợp tác xã xây dựng thành công thương hiệu Trà Thái Nguyên và đã được chứng nhận OCOP.
Ông Dương Sơn Hà - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên nhìn nhận, việc người làm chè thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, quảng bá và đa dạng kênh tiêu thụ sản phẩm thực sự là những tín hiệu lạc quan bền vững. Thương hiệu chè Thái Nguyên sẽ vươn xa hơn nữa thông qua kênh du lịch. Việc chú trọng đầu tư, liên kết quảng bá và tiêu thụ sản phẩm này có thể góp phần khai thác xứng tầm giá trị của thương hiệu trà Thái Nguyên trong tương lai gần.
Là doanh nghiệp đăng ký khai thác tour này trong chương trình kích cầu du lịch Thái Nguyên, Giám đốc công ty Du lịch Bàn Chân Việt (Vietfoot Travel) Phạm Duy Nghĩa cho biết, tỷ lệ du khách khát khao tìm hiểu dòng sản phẩm du lịch nông nghiệp rất lớn. Mục tiêu của dòng khách này là họ muốn tìm hiểu các vùng nguyên liệu, kết nối với các cơ sở sản xuất sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn để tạo kênh nhập hàng tận gốc phục vụ cho công việc kinh doanh, phân phối sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Đối với dòng khách mong muốn trải nghiệm ẩm thực, đặc biệt là văn hóa Trà của Thái Nguyên cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ. Do đó, các bên tham gia phát triển loại hình du lịch nông nghiệp cần nâng cao vai trò trách nhiệm của mình để đạt hiệu quả và bền vững.
Hiện tại, Vietfoot Travel đã bước đầu có sự hợp tác để khai thác các sản phẩm du lịch tại địa phương một cách hiệu quả. Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, chính quyền địa phương cần quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp ở những vùng có nhiều tiềm năng khác nữa để tạo sự đa dạng và sức hút đối với du khách. Từ đó có thể níu giữ du khách trải nghiệm du lịch Thái Nguyên lâu hơn thì mới có thể “rút hầu bao” chi trả cho những dịch vụ tại địa phương, đem lại thu nhập cho người dân.
Liên kết để khai thác xứng tầm
Thái Nguyên có thế mạnh và giàu tiềm năng về du lịch văn hóa, cộng đồng, sinh thái, khi gắn kết các loại hình du lịch đó với lĩnh vực nông nghiệp để làm mới sản phẩm tour phục vụ du khách là thể hiện sự sáng tạo vươn lên, khẳng định sự khác biệt. Đây cũng chính là “chất xúc tác” để kích hoạt lại các hoạt động du lịch sau 2 năm ngủ yên.
Được biết, hiện trên thị trường đã có một số công ty chào bán các sản phẩm tour “Trở về Thủ đô gió ngàn” theo nhiều option với sự đa dạng, khác biệt nhằm đáp ứng nhiều thành phần, nhu cầu và đối tượng khách hàng khác nhau. Các tour trải nghiệm văn hóa ẩm thực Thái Nguyên và tiêu thụ các sản phẩm OCOP tiêu biểu đã đem lại những tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên hiện kỹ năng đón và phục vụ du khách của các hộ nhà vườn chưa đồng đều, chưa thể hiện được sự chuyên nghiệp, đây là hạn chế lớn trong việc phục vụ, tiếp thị và giới thiệu quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp… Để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp hiệu quả và bền vững, các bên tham gia cần nâng cao vai trò trách nhiệm của mình. Trong đó, mối quan hệ giữa người dân, chính quyền và doanh nghiệp được xem như “ba trụ cột” tạo nên nền móng, có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch nông nghiệp bền vững.
Thời gian tới, Thái Nguyên sẽ quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp ở những vùng có nhiều tiềm năng, đồng thời tăng cường quản lý tránh tình trạng để người dân hoạt động tự phát, chạy theo phong trào, làm ăn manh mún và sẽ có chính sách khuyến khích, ưu đãi về vốn, thuế, đào tạo nhân lực… để thu hút doanh nghiệp du lịch, hộ nông dân khai thác tiềm năng du lịch địa phương…
Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, bảo vệ cảnh quan, môi trường, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho nông dân về kiến thức, kỹ năng du lịch, ngoại ngữ, khoa học công nghệ giúp doanh nghiệp, hộ nông dân có đủ năng lực hội nhập du lịch, nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên du lịch.
Đại diện lãnh đạo ngành Du lịch Thái Nguyên cũng mong muốn các doanh nghiệp du lịch cần chủ động xây dựng tour, tuyến để khai thác sản phẩm du lịch nông nghiệp; phát triển sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường nông thôn; tổ chức các hoạt động du lịch mang tính trách nhiệm cao; quan tâm đến quyền lợi người nông dân, cùng chia sẻ hài hòa lợi ích kinh tế giữa doanh nghiệp và nông dân.
Định hướng phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái gắn với nông nghiệp đang là hướng đi có nhiều triển vọng, thực sự tạo bất ngờ, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của du lịch Thái Nguyên và cũng là hướng đi chung của ngành Du lịch Việt Nam. Loại hình du lịch này có thể đáp ứng nhiều đối tượng du khách, tạo cơ hội kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trực tiếp tới tay người tiêu dùng, góp phần phát triển ổn định kinh tế - xã hội tại địa phương.
Khải Bình