Buôn Ma Thuột - thành phố của cà phê
Nhắc đến Buôn Ma Thuột, nhiều người chắc sẽ nghĩ ngay đến cà phê. Thành phố cà phê của khu vực Tây Nguyên này với những vạt cà phê rộng lớn trải dài, đặc biệt mùa xuân những cánh đồng ấy sẽ tỏa ngát hương từ những chùm hoa cà phê trắng muốt xen lẫn những vạt lá xanh mướt. Những ngày xuân, chạy xe máy dọc các cung đường nơi đây, để thả mình trong cái nắng gió lồng lộng mơn man và hương hoa cà phê thơm dịu dàng…
Dừng chân tại Ngã sáu Buôn Ma Thuột (nơi nhiều người đã thân quen với tên gọi “Ngã sáu Ban Mê”) ngắm nhìn về mọi hướng, sẽ thấy những con phố khang trang với dãy đèn đường được trang trí ở chân cột bằng những bình rượu cần gốm sứ màu vàng óng. Hình ảnh này gợi nhớ về những đêm vui lễ tại buôn Jun, buôn Đôn… trong ánh lửa bập bùng, lắng tai nghe cồng chiêng Tây Nguyên và say bên ché rượu cần ngọt lịm.
Theo thống kê, hiện nay ở Buôn Ma Thuột có 44 dân tộc cùng hòa bình sinh sống nhưng mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đa dạng rất riêng, tạo sự hấp dẫn làm say lòng người. Nằm trong khu vực TP. Buôn Ma Thuột, buôn AKô Đhông có lẽ sẽ khiến nhiều du khách bị “hớp hồn” khi đến thăm, bởi nơi đây còn gìn giữ gần 60 nhà dài khá vẹn nguyên có tuổi đời từ 80 tuổi đổ lại... như những dấu ấn đặc sắc của văn hóa Tây Nguyên.
Buôn AKô Đhông rất sạch và đẹp, trước mỗi nhà dài đều có khoảng sân rất rộng dùng phơi hạt cà phê, xung quanh người dân trồng tỉa nhiều loại hoa nở quanh năm rất đẹp và công phu. Thăm buôn, sau khi xin phép và được chấp thuận tham quan những căn nhà, bạn sẽ có cơ hội khám phá mô hình bếp theo kiểu dân tộc vẫn còn được sử dụng tại buôn. Nếu bạn là người yêu văn hóa dân tộc, có lẽ Buôn Ma Thuột sẽ là địa chỉ đầy hấp dẫn.
Buôn Đôn - thủ phủ của ký ức
Đến Tây Nguyên, nếu chưa đến buôn Đôn, nơi thuần hóa voi nổi tiếng và cũng là thủ phủ cũ của Buôn Ma Thuột thì thật là đáng tiếc. Dù từng đọc, từng nghe về những giai thoại về vị vua săn voi Khunjunop nhưng có đến tận buôn Đôn, tôi vẫn bị “hớp hồn” khi viếng thăm khu kiến trúc mộ của vị anh hùng này…
Ở Buôn Đôn, nhiều già làng đang mài khắc những chiếc vòng có hoa văn khá lạ mắt. Trong chuyến thăm thú lần này, tôi có chọn cho mình một chiếc dây đeo với hình chiêng là vật trang trí trên cổ cùng chiếc vòng bạc đeo tay khá xinh. Theo lời tư vấn của hướng dẫn viên, tôi đem những món quà này nhờ một vị già làng làm phép, cầu các vị thần của rừng núi chứng kiến để ban ơn cho một lữ khách từ phương xa đã đến viếng thăm vùng đất nổi danh với huyền thoại.
Vui nhất là ở buôn Đôn có khá nhiều voi dành cho phục vụ du lịch. Những chú voi này ban ngày làm dịch vụ du lịch chuyên chở du khách đi dạo nhưng đến tối lại tự do vào rừng khộp kiếm ăn. Theo lời chủ voi, thả voi vào rừng là việc cần làm vì nếu không voi sẽ bị nhớ rừng.
Hiện nay, buôn Đôn vẫn còn khá hoang sơ dù đường xá đã được duy tu sửa chữa giúp đi lại rất thuận tiện. Bước chân vào thăm dãy nhà dài, nơi trưng bày các vật dụng của người Ê đê, Mơ nông…, chủ yếu là các loại gùi, cồng chiêng, ghế dài cùng hình ảnh của chiếc cầu thang đực và cầu thang cái, vài chiếc đàn dân tộc cùng những bộ áo quần nay chỉ thấy trong lễ hội được treo hờ hững…
Hồ Lắk huyền thoại cùng hương vị ẩm thực say lòng người
Tạm biệt buôn Đôn với sông Sêrêpốk có dòng chảy ngược qua đất bạn Campuchia, tôi tới di tích Hồ Lắk huyền thoại với khung cảnh đẹp như tranh vẽ, nằm cách Buôn Ma Thuột hơn 50km. Ở hồ Lắk vẫn còn giữ nét tự nhiên nguyên sơ, dường như bàn tay con người chưa tác động tới.
Dạo chơi hồ Lắk, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng dãy Cư Yang Sin trầm mặc, hùng vĩ thênh thang vắt ngang lưng chân trời. Nếu muốn thỏa thú ngắm cảnh cho đã mắt, bạn hãy thuê một chiếc thuyền độc mộc rồi nhẹ nhàng chèo trên mặt hồ phẳng lặng. Trên mặt nước êm êm gợn sóng nhỏ do mái chèo tạo ra, lúc này không có gì thú bằng thỏa thích ngắm gương mặt mình in trên mặt nước cùng bóng trời mây. Giữa khung cảnh xanh tươi của mùa xuân, hồ Lắk càng đẹp nên thơ và mê hồn chi lạ.
Nằm tựa mình bên hồ Lắk trong xanh thơ mộng, buôn Jun mang một vẻ đẹp nguyên sơ hiền hòa của buôn làng Tây Nguyên, như một thiếu nữ miền sơn cước luôn giữ cho mình những bản sắc truyền thống đã được bảo tồn qua bao thế hệ. Đến buôn Jun, nhìn những ngôi nhà sàn theo kiểu kiến trúc cổ truyền của đồng bào Tây Nguyên nép mình dưới bóng cây xanh, ngắm các thiếu nữ buôn làng chăm chỉ cần mẫn bên khung dệt thổ cẩm...
Bạn cũng nhớ đừng quên thưởng thức các món ngon như gà rừng M’nông hấp sả, cá suối tươi rói nấu canh chua hoa chuối rừng, cơm lam đựng trong nứa tre hay là khô heo rừng nướng mộc không cần tẩm ướp…, cảm giác như có thể ăn đến nứt bụng mà miệng vẫn thòm thèm mãi…
Trong đêm xuân, sương mù cuồn cuộn dâng lên từ mặt hồ như làn mây bồng bềnh lan tỏa, thật thú vị khi thả mình say sưa bên ché rượu cần chôn đất của già làng Y Miên, chúng tôi nắm tay nhau múa hát theo điệu nhạc cồng chiêng cho đến khi tóc ướt đẫm sương khuya bao phủ cả bốn bề...
Hạ Quỳnh
(Tạp chí Du lịch)