Ngắm nhìn dãy núi Hoàng Liên Sơn ở xa, mây vờn trên núi. Rồi lấp lóa trong nắng là lũng sâu và những ngọn đồi ngẫu nhiên ẩn hiện. Tất nhiên là không thể nào không ngắm nhìn cho thỏa đôi mắt những dãy ruộng bậc thang. Sapa không lớn, chỉ có dăm con đường, và cũng thật dễ kiếm một điểm du lịch vì gần như chúng đã được đặt tên cho nơi chốn sẽ tới, điểm thú vị nữa là dẫu Tả Van cách trung tâm thị trấn hơn 10km, nhưng các hướng dẫn viên luôn khuyến khích mọi người đi bằng đôi chân của mình. Chỉ cần đi trên con đường băng ngang thung lũng Mường Hoa là đã có một cảm giác như mình đang chiêm nghiệm một hạnh phúc mới lạ. Rất nhiều du khách nước ngoài với chiếc ba lô mang đủ thứ vật dụng cần thiết trên vai lầm lũi đi trên con đường đất Sapa và tận hưởng, nhưng cảnh quan kỳ thú ở nơi này.
Sapa là một trung tâm du lịch. Nói không ngoa là đi trên phố, vào cà phê, vào quán ăn hoặc tới những điểm du lịch đều gặp người nơi khác đến. Ở Sapa bán rất nhiều đồ nướng, tập trung ở nhà thờ Sapa vào đêm, ngay con đường dưới chân núi Hàm Rồng, các quán chen ngang trong phố và có mặt tại bản Cát Cát hoặc núi Hàm Rồng. Thắng cố, gà Bản, heo cắp nách, cơm lam, trứng nướng… luôn hấp dẫn du khách. Rượu thì có rượu ngô, sán lùng, rượu táo mèo. Ăn kiểu dân dã như thế, uống vài ly rượu trong tiết trời se lạnh của Sapa có cảm giác rất ngon miệng.
Thác Bạc nằm cách thị trấn Sapa chừng 15km về phía Lai Châu, Điện Biên, ở độ cao 200m là thượng nguồn của dòng suối Mường Hoa nằm dưới chân đèo Ô Quy Hồ. Nhìn ở dưới lên trên đã thấy dòng thác chính cao vòi, đẹp giống như đang đổ từng dòng bạc xuống sâu, rồi thác chẻ thêm hai nhánh phụ, và nước lại len vào đá mà đổ xuống mênh mang. Mọi người bảo rằng, dẫu xa thế, nhưng những ngày trời trong, từ đỉnh núi Hàm Rồng cách đó hơn 15km, vẫn có thể nhìn thấy dòng nước chảy. Đây cũng là điểm tham quan hấp dẫn khi Sapa có tuyết rơi ở đèo Ô Quy Hồ, bởi có năm khu vực thác có tuyết phủ dày tới trên 10cm.
Cát Cát cách thị trấn Sapa không xa, những cuộc hành trình quanh bản làng cũng mất hơn hai giờ đồng hồ. Con đường bộ đi từ thị trấn xuống bản Cát Cát chùn xuống, thành một vòng cung vào tận thung lũng Mường Hoa đầy sương, đày mưa. Mây kéo về dập dìu trên dãy Hoàng Liên Sơn. Cát Cát là tên gọi từ khi làng được hình thành vào đầu thế kỷ 19. Theo lịch sử ghi chép lại thì làng Cát Cát đã được người Pháp chọn để làm nơi nghĩ dưỡng vào đầu thế kỷ 20.
Một con đường kéo dài xuống tận suối Mường Hoa cho khách đi bộ xuống bên dưới, ngắm bãi đá khắc cổ gồm 159 tảng đá lớn nhỏ nằm lẫn trong cây lá, nằm sát ngay bên đường với diện tích lên tới 8km2 cho nên chỉ thăm vài tảng đá là cũng đủ thỏa lòng. Được biết bãi đá khắc cổ Sapa mới chỉ được phát hiện ra từ năm 1923 do công của nhà Đông dương học nổi tiếng người Pháp gốc Nga tên là Vichto Gôlubép.
Mỗi địa danh của một vùng đất đều gắn với một câu chuyện truyền thuyết. Và núi Hàm Rồng thuộc thị trấn Sapa trên đỉnh cao 1800 mét cũng không ngoài quy luật đó. Ngày xưa khi đất trời vẫn còn giao nhau bằng những cơn mưa và sấm chớp. Một đôi rồng yêu nhau cứ lo đùa giỡn, không biết rằng cơn hồng thủy đang diễn ra. Để rồi nước tràn mạnh, vây tỏa đôi rồng, chỉ có con rồng đực là thóat được bay về trời. còn rồng cái thì bị nhấn chìm, sau hóa đá, mãi mãi ở trên đỉnh núi cao của dãy Hoàng Liên Sơn. Vì thế núi có tên Hàm Rồng.
Những tấm bảng chỉ đường lên Cổng Trời 1, rồi Cổng Trời 2, du khách cứ men theo con đường đi qua những vách đá, quả thật giống như đang đi lên trời. Không gian se lạnh và rất dễ chịu. Rồi òa vỡ thật sự trong mây vờn sau khi thoát qua một khe đá, ở đó là một bãi đất rộng, nhiều cây anh đào đang trụi lá, sẽ tạo ra một rừng hoa vào mùa xuân. Một thảm cỏ xanh xén thành chữ Hàm Rồng cho bạn biết là bạn đã vượt qua độ cao 1500 mét. Trên cao kia mây đang vờn, một mõm đá lộ ra đầu con rồng trong chuyện kể đang ngước lên trời như chờ đợi người bạn năm xưa quay lại.
Và dĩ nhiên, chỉ bao nhiêu đó thôi cũng đủ cho bạn yêu thích Sapa.
Bài và ảnh: Khuê Việt Trường
(Tạp chí Du lịch)