Cỗ Tết miền Bắc
Mâm cỗ Tết của người miền Bắc không chỉ đa dạng về món mà còn chú trọng đến hình thức, màu sắc và thường rất bài bản theo đúng nét cổ truyền của dân tộc. Mâm cỗ thường có 4 bát, 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa và bốn phương; cỗ lớn thì có 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài. Có khi mâm cỗ lớn phải xếp cao đến 2,3 tầng. Cỗ xưa được đựng trong bát chiết yêu, đĩa cây mai và được bày lên mâm gỗ hoặc mâm đồng.
Dù tiết xuân đã tới nhưng trời vẫn còn rất lạnh, do vậy người miền Bắc đón Tết bằng những món ăn giàu năng lượng, nhiều chất béo như bánh chưng, giò lụa, nem rán, canh măng chân giò,giò thủ, cá kho riềng, canh bóng thả, canh mọc nấm, nộm su hào, thịt nấu đông… Trong đó, không thể thiếu chiếc bánh chưng xanh gói vuông vức. Người miền Bắc có câu: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, không có thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng thì không gọi là Tết.
Cũng do khí hậu lạnh mà món ăn độc đáo trong ngày Tết của người miền Bắc là món thịt đông. Dù là cỗ Tết xưa hay Tết nay, món thịt đông vẫn luôn được các bà nội trợ chuẩn bị chu đáo cho ngày sum họp, đoàn viên của gia đình trong năm. Món thịt đông qua bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ trở nên rất bắt mặt, bề mặt trong suốt, nhìn rõ những miếng thịt chân giò thơm ngon, sợi mộc nhĩ giòn tan, đen nhánh bên trong. Thịt đông ăn kèm với dưa hành là đủ cảm nhận hương vị của ngày Tết.
Cỗ Tết miền Trung
Người miền Trung đón xuân với những món ăn dân dã như: tôm chua, dưa món, nem chua, chả tré, bò ngâm dấm, giò thủ, thịt chua và tai heo… Ngoài ra, cỗ Tết miền Trung không thể thiếu các món bánh đặc sản như bánh lá, bánh nộm… Riêng ở Huế, cố đô xưa của người Việt, món ăn truyền thống ngày Tết phải là những cao lương mỹ vị, các món ăn cung đình được chế biến công phu, bày biện tinh tế, vừa ngon miệng, vừa đẹp mắt.
Bên cạnh những món mặn, cỗ Tết miền Trung không thể thiếu món tôm chua. Tôm chua có màu ửng đỏ tự nhiên, mùi thơm hấp dẫn của riềng, tỏi. Món này thường ăn cùng thịt ba chỉ luộc, có thể kèm khế chua, chuối chát để thêm ngon miệng.
Dưa món cũng là một món ăn được ưa chuộng trong ngày Tết ở miền Trung. Món ăn này phải được chuẩn bị từ cả tháng trước Tết; gồm những nguyên liệu đơn giản như: su hào, cà rốt, đu đủ, củ kiệu, ớt… Tất cả được thái lát, tỉa hoa cho đẹp, phơi nắng rồi ngâm trong dấm, mắm… cho đến khi ăn thấy giòn, dai, đủ vị mặn, ngọt, chua là được. Dưa món thường ăn với bánh chưng, bánh tét.
Người Huế lại có một món ăn đặc sản trong ngày Tết là chả tré, làm từ thịt bò và thịt ba chỉ rán vàng, thái sợi, trộn với riềng, ớt, tỏi, muối, đường và thính gạo rang thơm. Chả tré ăn kèm với bánh tráng và rau ngò thơm rất hợp vị.
Cỗ Tết miền Nam
Vùng đất phương Nam được thiên nhiên biệt đãi với cây trái bốn mùa, sản vật phong phú nên mâm cỗ Tết ở đây cũng rất đa dạng, nhiều món. Người miền Nam ăn Tết với những món ăn đặc trưng của vùng khí hậu nóng ẩm như: thịt kho trứng vịt, thịt kho dưa giá, tai heo ngâm giấm, canh khổ qua, giò bì, giò thủ, giò lụa… Người dân miền Tây thì có các món cá lóc hấp hoặc nướng, bánh tráng cuốn… Cỗ Tết miền Nam không thể thiếu bánh tét. Nguyên liệu và cách làm bánh tét cũng gần giống như bánh chưng ở miền Bắc, nhưng bánh được gói bằng lá chuối; nếp nấu bánh thường xào qua cốt dừa để tăng bị béo. Bánh ở miền Nam không được gói thành hình vuông như bánh chưng mà được gói thành hình chữ nhật, trung bình mỗi đòn có đường kính chừng 10cm và nặng khoảng 1 kg, dài khoảng 40cm. Nhân bánh tét cũng rất phong phú, ngoài nhân đâu xanh, thịt ba chỉ còn có bánh tét nhân đậu đen, nhân chuối hay bánh tét thập cẩm với nhân tôm khô, trứng, lạp xưởng, hạt sen, thịt giò, trứng bắc thảo, đậu phộng, đậu xanh, nấm đông cô.
Ở miền Tây, bánh tét có nhiều vị hơn với bánh tét ngũ sắc, bánh tét lá dứa, bánh tét gấc; Cần Thơ có bánh tét lá cẩm; Trà Vinh có bánh tét Trà Cuốn rất nổi tiếng; còn ở đảo Phú Quốc thì có bánh tét mật cật…
Đào Minh
(Tạp chí Du lịch)