Hương mùi già chiều cuối năm
Chiều cuối năm, đường phố đã vắng hơn rất nhiều so với ngày thường. Lác đác vài chiếc xe phóng vội vã về nhà. Những gia đình quê ở xa đều đã về từ trước đó mấy ngày, những công sở cũng đã đóng cửa kết thúc buổi làm việc cuối năm từ hôm qua, mọi người đã ở nhà chuẩn bị đón tết. Quất, đào vẫn bày bán khắp chợ với cái giá đã giảm đi ít nhiều.
Một ôm mùi già được đặt trên chiếc xe đạp cũ kỹ, kẽo kẹt, chiều cuối năm, người phụ nữ bán mùi vẫn nhẫn nại bán dắt xe đi khắp dãy phố. Những bông hoa li ti, trắng muốt, chùm quả nhỏ xíu rung rinh theo từng nhịp quay đều. Chẳng rõ từ lúc nào, những bó hoa mùi già trở thành hình ảnh của tết. Tết xứ Bắc có hoa đào hồng, có quất chín vàng, có hoa violet tím mà thiếu hương mùi già, dường như hương vị xuân tết vẫn chưa về. Xe mùi già vừa dừng những nhịp quay, các bà, các mẹ vây quanh, mỗi người nhặt vài ba nắm, chẳng mấy chốc đã vợi đi quá nửa. Những ngày giáp tết, mùi già bán chạy hơn rau ngoài chợ, bởi gia đình nào cũng mua ít nhất vài bó về nấu nước tắm tất niên cho cả gia đình. Hương thơm ngai ngái dìu dịu và trầm ấm của mùi lan tỏa khắp con phố, làm dịu bớt đi cái lạnh tê tái của mùa đông. Hoa mùi lấp ló trong những chiếc làn đi chợ, tỏa về muôn ngả, đến với muôn nhà. Tôi cũng chọn mua một bó. Bó mùi già buộc sau xe tỏa hương thơm ngát suốt con đường về nhà.
Sau một buổi chiều bận rộn với cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, mẹ cuộn tròn hết những bó mùi già vào một nồi nước lớn, đặt đun trên bếp. Cả nhà lần lượt tắm tất niên bằng nước lá mùi. Mùi lá thơm ấm sực, hương thơm sâu, cả nhà chìm trong hương thơm lừng, ấm áp. Hương mùi già cho hương thơm rất sâu và đọng lại rất lâu. Tắm trong nước lá mùi ngày cuối năm để gột bỏ hết những lo toan, ưu phiền, mệt mỏi của năm cũ, đón chào một năm mới nhiều niềm vui và hy vọng. Nhiều gia đình còn đun nước lá mùi dùng làm nước rửa mặt cho ngày đầu năm.
Dù đi đâu xa, vẫn nhớ đêm 30, nhớ hương mùi già quanh quất!
Bên nồi bánh chưng xanh
Bà chuốt từng chiếc lá dong xanh mướt, chải trên chiếc mâm tròn giữa sân, mẹ nắm từng nắm đậu xanh nhuyễn thành những nắm vừa, nhanh tay đảo những lát thịt lợn thái đã tẩm ướp gia vị thêm một lần nữa. Chiều 29 Tết, cả nhà cùng quây quần lại gói bánh chưng.
Đậu xanh đã được đồ chín, gạo nếp vo sạch để ráo nước. Sáng sớm, bố ngồi rửa sạch những chiếc lá dong xanh mướt, để róc nước. Thịt thái to bản bằng bàn tay, đủ bì, mỡ, nạc, tẩm ướp gia vị, hạt tiêu thơm. Chiều 29 Tết, cả nhà trải chiếu ra giữa sân gói bánh chưng.
Bà chuốt từng chiếc lá dong xanh mướt, lấy khăn lau sạch mặt lá, trải lên chiếc mâm tròn. Một bát gạo nếp trắng tinh rải trên mặt lá, một nắm đậu xanh nhuyễn vàng óng ả, nóng hổi, một lát thịt to bản rồi lại một nắm đậu xanh và một bát gạo nếp. Tất cả gói lại trong chiếc lá dong, vuông thành, đứng cạnh, không theo khuôn mà đều nhau tăm tắp. Bánh gói xong, dùng lạt mềm cuốn chặt đủ bốn góc. Chẳng mấy chốc, những gạo, đậu, thịt, lá đã gói thành hơn hai chục chiếc bánh chưng đẹp xếp bên cạnh. Bà gói bánh chưng xong, còn thừa gạo, thừa đậu, lại làm những chiếc bánh chưng nhỏ cho các cháu. Gần 2 tiếng đồng hồ, bánh đã xếp tròn trong chiếc nồi gang. Bố đặt lên bếp củi cháy trong góc vườn, đổ nước đầy nồi, luộc bánh.
Những tối ngồi trông nồi bánh chưng luôn là những kỷ niệm tuyệt vời nhất. Quanh nồi bánh sôi lục bục, lũ nhóc chúng tôi bắc ghế ngồi quanh. Mẹ để sẵn một rổ đầy khoai lang, khoai tây, ngô, trứng gà để vùi than. Những cái que tranh nhau cời bếp. Trên nắp nồi bánh chưng là một chậu nước để sẵn cho nóng. Cạn nước trong nồi lại đổ thêm nước vào đun. Ngồi bên bếp than hồng ăn khoai lang nướng đen xì những đôi môi, nghe ông kể chuyện.
Tang tảng sáng, mùi bánh đã thơm lừng, quyện trong hương thơm mùi già ngai ngái. Những chiếc bánh con con được bố vớt ra trước, để cho ráo nước. Bánh to được vớt ra sau. Bà và mẹ đưa những chiếc bánh đầu tiên lên bàn thờ cúng gia tiên. Hương tàn, mẹ đưa lại cho chúng tôi, những chiếc bánh nhỏ trông ngộ nghĩnh. Chẳng đứa nào dám ăn vì tiếc, cứ cầm mãi…
Bánh chưng được đặt trang trọng trên bàn thờ, trong bữa cơm cúng tất niên và trong những ngày tết đến xuân sang.
Chiếc bánh chưng không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên ngày tết giờ đã ít người tự làm. Các gia đình không có thời gian gói bánh, luộc bánh và mỗi nhà cũng chỉ mua có 4 chiếc bánh cúng năm mới. Bánh bán sẵn ngoài chợ, trong siêu thị với đủ giá cả, chất lượng. Hương vị tết xưa ít nhiều phai nhạt. Nhưng trong ký ức của những đứa trẻ đã từng lớn lên quanh nồi bánh chưng như chúng tôi năm nào, tết vẫn còn vẹn nguyên trong chiếc bánh chưng xanh, cành đào thắm và hương mùi già chiều cuối năm.
Bài và ảnh: Lam Linh
Nguồn: Tạp chí Du lịch