Vùng Bắc Trung bộ có 6 di sản thế giới và khu bảo tồn tự nhiên có giá trị thế giới: thành nhà Hồ (Thanh Hóa), khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An (Nghệ An), dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), quần thể di tích cố đô, nhã nhạc cung đình Huế (Thừa Thiên - Huế). Toàn vùng có hơn 1.200km đường biên giới tiếp giáp Lào với 2 cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị) gắn với hành lang kinh tế Đông – Tây. Như vậy trong vùng, 4 trong số 6 tỉnh có di sản thế giới, 2 tỉnh còn lại có cửa khẩu quốc tế kết nối với trục giao lưu kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực. Bắc Trung Bộ cũng là nơi phát tích của nhà Hồ, nhà Lê, chúa Nguyễn, chúa Trịnh, nhà Nguyễn... và là quê hương của nhiều danh nhân Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, Trần Phú, Võ Nguyên Giáp... Vùng còn tập trung nhiều di tích chiến tranh, cách mạng có giá trị đặc biệt: ngã ba Đồng Lộc, Xuân Sơn, Nhật Lệ, đường 20 Quyết thắng, địa đạo Vịnh Mốc, thành cổ Quảng Trị, cầu Hiền Lương, đường 9 Khe Sanh, đường mòn Hồ Chí Minh… Đây là điều kiện thuận lợi hình thành sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng mà các vùng khác không có được.
Vùng Bắc Trung Bộ có đường bờ biển dài 670km, tập trung nhiều bãi biển đẹp như Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Nhật Lệ (Quảng Bình), Cửa Tùng (Quảng Trị), Thuận An (Thừa Thiên - Huế). Các đảo ven bờ có thể đầu tư khai thác phát triển du lịch như hòn Mê (Thanh Hóa), đảo Yến (Hà Tĩnh), đảo Ngư (Nghệ An), Cồn Cỏ (Quảng Trị). Bắc Trung bộ còn tập trung sự đa dạng sinh học cao, nhiều hệ sinh thái đặc trưng ở các vườn quốc gia Bến En, Pù Mát, Vũ Quang, Phong Nha - Kẻ Bàng, Bạch Mã, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Huống, Kẻ Gỗ. Với tiềm năng sinh thái rừng và biển phong phú, vùng Bắc Trung bộ có điều kiện phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và thể thao mạo hiểm.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 6 tỉnh trong vùng, giai đoạn từ năm 2001-2010, lượng khách du lịch quốc tế đến Bắc Trung Bộ tăng gấp 4 lần, khách du lịch nội địa tăng gấp 5 lần, số lượng cơ sở lưu trú và buồng lưu trú tương ứng tăng gấp 3 lần, tạo việc làm tăng hơn 3 lần và tạo ra thu nhập du lịch tăng gần 9 lần. Mặc dù có những bước phát triển và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng, tuy nhiên, hoạt động du lịch của vùng thời gian qua vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Vì vậy, mặc dù lượng khách du lịch đến với vùng Bắc Trung Bộ chiếm khoảng 25-30% so với cả nước, nhưng kết quả của hoạt động kinh doanh toàn vùng phản ánh qua thu nhập du lịch chỉ đạt khoảng 5%. Đây chính là vấn đề cần nhìn nhận, đánh giá nhằm khai thác hợp lý tiềm năng, tạo sức mạnh tổng hợp mang tính liên kết vùng để đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển du lịch, đóng góp ngày càng hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2020 đón trên 2,1 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 8,9 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 32.800 tỷ đồng; năm 2030 thu hút hơn 3,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ hơn 13,5 triệu lượt khách nội địa, đạt tổng thu từ du lịch là 66.338 tỷ đồng với nhiều giải pháp mang tính chiến lược, trong đó vấn đề liên kết, hợp tác nội vùng, liên vùng và quốc tế là nội dung quan trọng, xuyên suốt đối với phát triển du lịch Bắc Trung bộ. Theo quy hoạch, vùng phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hình thành được sự liên kết phát triển du lịch vùng một cách toàn diện, đồng bộ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng; đến năm 2030, vùng Bắc Trung bộ trở thành trọng điểm phát triển du lịch của cả nước, góp phần quan trọng vào nỗ lực giảm nghèo và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Du lịch Bắc Trung Bộ mặc dù có những bước phát triển mạnh mẽ nhưng để khẳng định vị thế cần có thêm những thương hiệu du lịch có sức cạnh tranh cao, mang đẳng cấp quốc tế. Để đạt được điều này, mỗi địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn nếu hoạt động đơn lẻ, do vậy cần có sự hợp tác liên kết ở cấp vùng để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Hiện nay, trong vùng Bắc Trung Bộ có Festival Huế (Thừa Thiên - Huế) bước đầu đã hình thành được thương hiệu cho du lịch Huế. Tuy nhiên, do sự kiện này là của riêng Thừa Thiên - Huế, đồng thời phương thức tổ chức xúc tiến, hình ảnh và nội dung quảng bá còn đơn điệu do hạn chế nguồn lực, thiếu sản phẩm bổ trợ nên chưa đạt ngang tầm cạnh tranh với khu vực và chưa trở thành động lực hỗ trợ cho các địa phương khác trong vùng. Trong khi đó ở đầu phía Bắc của vùng, Thanh Hóa có thành nhà Hồ cũng là cố đô được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Nếu như đẩy mạnh kết nối Thăng Long - thành nhà Hồ - cố đô Huế hình thành tuyến du lịch "Hành trình qua các kinh đô Việt cổ" kết hợp với các sản phẩm du lịch sinh thái tìm hiểu thiên nhiên, du lịch văn hóa gắn với tham quan di sản và lễ hội, du lịch cộng đồng gắn với làng nghề... chắc chắn sẽ tạo được sản phẩm mang bản sắc riêng, tạo ra sự đột phá về phát triển sản phẩm để có cơ sở tạo nên hiệu ứng lan truyền, xây dựng thương hiệu du lịch vùng.
Theo định hướng phát triển không gian, tuyến, điểm du lịch tại Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, vùng Bắc Trung Bộ sẽ có 4 khu du lịch quốc gia với các địa bàn trọng điểm được xác định là Huế, Kim Liên-Vinh-Cửa Lò, Thiên Cầm, Phong Nha - Kẻ Bàng, 6 điểm du lịch quốc gia, 3 đô thị du lịch, 6 trọng điểm phát triển du lịch và một số khu, điểm du lịch địa phương làm hạt nhân liên kết toàn vùng... Theo định hướng này sẽ đòi hỏi vùng phải hình thành hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại và hợp lý. Để giải quyết được khâu "hợp lý" trên bình diện toàn vùng cần sự "chung tay" của các địa phương trên nhiều góc độ: thực hiện Quy hoạch vùng trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương vì mục tiêu xây dựng thương hiệu chung; tổ chức quản lý đầu tư, xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư chung cho toàn vùng; ban hành cơ chế phối hợp quản lý, khai thác tiềm năng hợp lý... nhằm hình thành một hệ thống cơ sở hạ tầng đa dạng, đảm bảo tránh được sự chồng chéo trong xây dựng sản phẩm du lịch giữa các địa phương trong vùng.
Một vấn đề cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ trong vùng là công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Vùng Bắc Trung Bộ, cụ thể là các cơ quan quản lý và cơ sở đào tạo cần có sự phối hợp chặt chẽ trong đào tạo nhân lực du lịch cho toàn vùng, trong đó cần tập trung tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo, dạy nghề du lịch với các tập đoàn nhằm tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Mặt khác, các tỉnh trong vùng cần phối hợp xây dựng đề án phát triển thị trường lao động du lịch vùng, tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về du lịch, các khóa tập huấn nghiệp vụ và học tập kinh nghiệp lẫn nhau giữa các địa phương trong vùng nhằm nâng cao chất lượng lao động và tiến tới hình thành thị trường lao động chuyên nghiệp.
Du lịch Bắc Trung bộ mặc dù có những bước phát triển trong những năm gần đây nhưng để khẳng định vị thế cần có thêm những thương hiệu du lịch mạnh, sản phẩm du lịch mang đẳng cấp quốc tế. Để đạt được điều này, mỗi địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn nếu hoạt động đơn lẻ, do vậy rất cần có sự hợp tác liên kết ở cấp vùng để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Sự hợp tác thống nhất này mang tính chất quyết định để hình thành các thương hiệu du lịch mạnh, sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu ngày đa dạng của du khách trong và ngoài nước.
ThS. Nguyễn Thanh Bình
(Tạp chí Du lịch)