Kết nối giao thông trong vùng du lịch Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam còn nhiều bất cập
Đà Nẵng hiện có sân bay quốc tế với nhiều đường bay quốc tế trực tiếp; cảng nước sâu Tiên Sa – nơi thường xuyên tiếp nhận các tàu biển cao cấp và là trạm dừng chính của các tuyến xe lửa, xe khách nên thuận tiện cho du khách quốc tế và nội địa khi tiếp cận với khu vực này. Vì vậy, trong vùng du lịch Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam thì Đà Nẵng được coi là trạm trung chuyển khách du lịch chính của vùng. Từ đây du khách có thể đi Huế, Hội An hoặc Mỹ Sơn bằng phương tiện chủ yếu là ô tô của các công ty lữ hành theo lịch trình cố định của các tour. Ngoài ra nếu du khách muốn tự mình tham quan thì có thể lựa chọn xe bus, xe khách hoặc xe máy để di chuyển. Trong xu hướng du lịch phổ biến hiện nay, du khách tự xây dựng lịch trình đi tham quan các điểm du lịch mà không theo các tour cố định. Do đó, việc kết nối giao thông phục vụ du khách là vấn đề đáng quan tâm trong định hướng liên kết của vùng. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ này hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần phải cải thiện trong thời gian tới.
Dịch vụ vận chuyển kết nối giữa Đà Nẵng với Hội An và Mỹ Sơn được thực hiện bằng xe buýt với 2 tuyến là tuyến 01 và tuyến 06 do các doanh nghiệp ở hai địa phương cùng khai thác. Hiện 2 tuyến này có khoảng gần 30 xe với hầu hết là các phương tiện nhỏ, như loại xe buýt B50 (26 – 30 chỗ ngồi, 24 chỗ đứng) và nhiều xe buýt là xe cải hoán từ xe khách chạy tuyến cố định, chất lượng phương tiện yếu kém... Mặc dù 2 tuyến này mới được phát triển nhưng còn tồn tại nhiều vấn đề yếu kém trong công tác tổ chức hoạt động: tần suất hoạt động không đều, khoảng cách giữa các lượt khá lâu; việc lên xuống của hành khách không theo vị trí các trạm dừng đỗ, chở quá số người quy định, thu tiền không đúng như bảng giá niêm yết… Các doanh nghiệp quản lý cũng không thống nhất, có nhiều doanh nghiệp của Đà Nẵng và Quảng Nam cùng vận hành trên các tuyến này dẫn tới có nhiều sự chồng chéo, không có một chuẩn mực chung về chất lượng dịch vụ của các tuyến xe buýt này. Hơn nữa, hai tuyến xe buýt này phục vụ đối tượng chính là người dân nên chưa thu hút được nhiều khách du lịch sử dụng.
Trong khi đó việc kết nối giữa Đà Nẵng và Huế được thực hiện chủ yếu bằng xe khách theo tuyến cố định với khoảng 56 xe hoạt động mỗi ngày theo 2 chiều. Với khoảng cách gần 100km giữa Đà Nẵng và Huế nhưng việc đi lại giữa địa điểm này thực sự là một trở ngại của hành khách với tình trạng phổ biến là chạy chậm, bắt khách, nhồi nhét... Điều này đã làm giảm đi sự liên kết giữa 2 đô thị du lịch này.
Như vậy, với xu hướng du lịch “bụi” của khách quốc tế thì đòi hỏi dịch vụ đi lại tại các điểm đến phải thực sự đa dạng. Ngoài sự cung cấp của các công ty lữ hành thông các tour thì chính quyền các địa phương phải xây dựng hình thức phương tiện đi lại nhanh chóng, tiết kiệm, an toàn để phục vụ các khách lẻ, đặc biệt là các loại hình công cộng như xe buýt. Rõ ràng, dịch vụ đi lại hiện nay tại vùng du lịch Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam không hấp dẫn du khách, chưa tạo được sự liên kết mạnh để xây dựng mục tiêu “3 địa phương – 1 điểm đến”.
Nâng cao chất lượng kết nối giao thông phục vụ phát triển du lịch tại khu vực Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam
Để liên kết phát triển du lịch trong vùng thực sự hiệu quả thì cải thiện dịch vụ đi lại để phục vụ du khách là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Đà Nẵng phải được coi là “hạt nhân” của vùng du lịch, giữ vai trò cầu nối đối với hai địa phương còn lại trong nhiệm vụ trung chuyển hành khách. Do đó, cần xúc tiến để mở thêm các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng. Cũng như kết nối với các hãng du lịch tàu biển quốc tế đưa du khách đến với vùng du lịch này thông qua cảng Tiên Sa.
Về liên kết giữa Đà Nẵng với hai điểm di sản thế giới của Quảng Nam là Hội An và Mỹ Sơn là hướng kết nối quan trọng phía Nam. Điều này còn mở rộng khả năng kết nối với cù lao Chàm. Nhiệm vụ trước mắt chính là cải thiện chất lượng hoạt động của 2 tuyến xe buýt hiện nay. Chính quyền hai địa phương cần hỗ trợ về vốn cũng như hỗ trợ giá vé đối với các doanh nghiệp đang khai thác, vận hành. Các đơn vị này cần đầu tư, nâng cấp các xe buýt để cải thiện chất lượng dịch vụ đi lại không chỉ phục vụ người dân mà còn đối với khách du lịch, đạt được yêu cầu của loại hình GTCC về tần suất hoạt động (10 – 15 phút/chuyến vào các giờ cao điểm, 30 phút/chuyến vào các giờ còn lại trong ngày), giá vé hợp lý, lịch trịnh cố định... Trong thời gian tới, cần nâng cấp thêm một số phương tiện giao thông công cộng chuyên biệt ưu tiên phục vụ khách du lịch giữa Đà Nẵng với Hội An và Mỹ Sơn. Phát triển loại hình này không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ đi lại dành cho du khách mà còn là một sản phẩm du lịch đặc trưng riêng của vùng với thương hiệu “Heritage Journey Bus”.
Về liên kết giữa Đà Nẵng với TP. Huế, cần siết chặt quản lý đối với các phương tiện xe khách đang hoạt động trên tuyến nhằm đảm bảo thời gian đi lại, tính tiện nghi, an toàn cho hành khách. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế cần phối hợp để mở tuyến xe buýt nhằm dần thay thế các phương tiện xe khách hiện nay. Điều này sẽ phục vụ hiệu quả nhu cầu đi lại của người dân và du khách theo các tiêu chí là tiết kiệm, an toàn và tiện lợi. Sau đó cũng sẽ hình thành các phương tiện xe buýt chuyên biệt ưu tiên phục vụ du khách nhằm hoàn thiện mạng lưới “Heritage Journey Bus” trong vùng khi kết hợp với các tuyến Đà Nẵng – Hội An và Đà Nẵng – Mỹ Sơn.
Việc phát triển các loại hình xe buýt phục vụ du khách sẽ tạo điểm nhấn trong vùng du lịch này giúp cho việc vận chuyển du khách linh hoạt và hiệu quả. Để việc triển khai hiệu quả, chính quyền 3 địa phương cần có sự phối hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia khai thác, kinh doanh về vốn đầu tư, hỗ trợ trợ giá vé, giám sát hoạt động...
Tài liệu tham khảo:
1. Tổng cục Du lịch (2013), Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
2. Lý Huy Tuấn, Nguyễn Huy Hoàng (2011), Phát triển, liên kết phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tại vùng 7 tỉnh duyên hải miền trung, Hội thảo khoa học Liên kết phát triển 7 tỉnh duyên hải miền Trung.
3. UBND TP. Đà Nẵng (2011), Chương trình phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011 – 2015.
ThS. Trần Hoài Nam
(Tạp chí Du lịch)