Du lịch Việt Nam triển khai các phương thức xúc tiến trên internet
Để tiến hành nghiên cứu này, tác giả tiến hành thu thập thông qua các dữ liệu thứ cấp. Nguồn thu thập dữ liệu thứ cấp chủ yếu từ các báo cáo của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (báo cáo Du lịch Việt Nam 2005 – 2014, báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2013 và báo cáo 6 tháng đầu năm 2014). Bên cạnh đó, thông qua việc tìm kiếm trên mạng internet về việc triển khai các phương thức xúc tiến điện tử cụ thể của ngành Du lịch Việt Nam
Các dữ liệu thứ cấp được đọc, xem xét kỹ lưỡng, có phân tích và tập hợp theo từng chủ đề, căn cứ vào các nội dung nghiên cứu của đề tài. Nhằm kết nối các dữ liệu thứ cấp, đề tài sử dụng phương pháp phân tích và phép tư duy biện chứng để đưa ra những đánh giá, nhận định về thực trạng hoạt động nghiên cứu marketing của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam và trên thế giới.
Theo khảo sát của Tổng cục Du lịch về tác động của các kênh thông tin đến hành vi tiêu dùng, khách hàng thường sử dụng 5 - 6 kênh thông tin để chọn sản phẩm, nhà cung cấp, gồm thông tin truyền miệng (79%), website (71%), ý kiến chuyên gia trên internet (63%), mạng xã hội (63%), 31% khách hàng tin vào những người quen biết, 28% các ý kiến tích cực trên mạng xã hội tác động đến quyết định tiêu dùng. Khảo sát trên cho thấy tiềm năng xúc tiến, quảng bá du lịch qua e- marketing là rất lớn, nếu được ứng dụng thích hợp.
Nắm bắt được điều đó, ngành Du lịch Việt Nam cũng đã triển khai nhiều phương thức xúc tiến trên internet, bao gồm: đặt banner quảng cáo trên trang web tripAdvisor.com; xây dựng trang thông tin điện tử về điểm đến, dịch vụ du lịch, thông tin cần biết về đất nước, con người Việt Nam bằng 5 ngôn ngữ: tiếng Việt, Anh, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc; duy trì hoạt động Cổng thông tin xúc tiến - giao dịch du lịch chính thức của ngành Du lịch Việt Nam: www.vietnamtourism.com; cập nhật tin, bài, ảnh, các sự kiện du lịch lên hệ thống các website của Tổng cục Du lịch, Báo Du lịch và Tạp chí Du lịch; xây dựng hai ứng dụng “Hệ thống phân tích và thông báo tự động về các phản hồi liên quan đến du lịch trên internet” và trang “Facebook fanpage” chính thức của Du lịch Việt Nam.
Hệ thống phân tích và thông báo tự động về các phản hồi liên quan đến du lịch trên internet (http://thuonghieu.tourism.vn) có khả năng tự động kiểm tra, bóc tách nội dung từ các nguồn thông tin lớn về du lịch, giúp người sử dụng hệ thống theo dõi các thông tin về thương hiệu của mình dễ dàng. Các thông tin xoay quanh các thương hiệu, từ khóa du lịch đã đăng ký khi có đề cập sẽ được thông báo tới người sử dụng qua email hoặc báo cáo trên phần quản trị tài khoản. Hệ thống thay thế những người quản trị thương hiệu chuyên nghiệp trong việc theo dõi thông tin, phản hồi liên quan tới thương hiệu du lịch; phân tích sắc thái tình cảm của ngôn ngữ đề cập tới thương hiệu một cách chính xác, nhanh chóng trên rất nhiều nguồn thông tin điện tử lớn trong và ngoài nước như vnexpress, zing, Vietnamnet, thanhnien, laodong, dantri, facebook, yelp, tripadvisor.
Facebook fanpage: http://facebook.com/Vietnamtourism.fanpage là nơi giao lưu, tương tác giữa ngành Du lịch Việt Nam và khách du lịch hoặc các sự kiện được ngành Du lịch Việt Nam đưa lên fanpage để khách du lịch tham gia… Mọi thông tin đưa lên Fanpage sẽ được đăng lên Tường của các trang cá nhân của khách cũng như các thành viên trong fanpage, bạn bè của các thành viên trong fanpage cũng có thể thấy được thông tin, qua đó thông tin cũng như hình ảnh ngành Du lịch Việt Nam được lan truyền.
Việc sử dụng hai chương trình ứng dụng này giúp các tổ chức và doanh nghiệp đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và quảng bá thương hiệu du lịch.
Đồng thời, ngành Du lịch còn xây dựng các ấn phẩm điện tử, tận dụng quảng bá du lịch trên công cụ tra cứu du lịch cho điện thoại và máy tính bảng. Đối với các ứng dụng tra cứu này, bên cạnh những thông tin chung nhất và mới nhất về du lịch, ứng dụng có trên 20 chuyên mục là top những điểm du lịch hấp dẫn nhất giúp khách du lịch khám phá những thông tin hữu ích liên quan đến ngành Du lịch Việt Nam.
Ngoài ra, những video ngắn, sáng tạo, giàu cảm xúc, đặc sắc về Du lịch Việt Nam được sản xuất và chia sẻ có chiến lược trên YouTube, Facebook… đang góp phần đáng kể đưa hình ảnh Việt Nam đến với du khách trên thế giới. Việc xây dựng kênh video trực tuyến được ngành Du lịch Việt Nam triển khai như một dự án xã hội hóa từ các nguồn sau: kêu gọi những người yêu thích du lịch gửi những video họ quay được hoặc các tác phẩm hoàn chỉnh về các địa danh, khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, lễ hội, món ăn,… tận dụng dữ liệu từ các chương trình du lịch - văn hóa - ẩm thực của các đài truyền hình, dữ liệu video của các đơn vị lữ hành, kêu gọi người dân tại mỗi địa phương gửi video giới thiệu về quê hương mình… Một đội ngũ xử lý video chuyên nghiệp sẽ tiến hành những điều chỉnh thích hợp đối với nguồn dữ liệu này để tạo ra những video phù hợp thị hiếu cư dân mạng: ngắn gọn, truyền cảm hứng, sáng tạo, sinh động, chứa đựng thông điệp, được thể hiện bằng ngôn ngữ quảng cáo.
Tăng cường các phương thức xúc tiến qua mạng
- Đẩy mạnh xúc tiến trên công cụ tìm kiếm SEO: Khi khách du lịch tìm thông tin về chương trình du lịch thông qua các website tìm kiếm, họ thường có thói quen chỉ tìm ở những trang xuất hiện đầu tiên. Chính vì vậy, việc xuất hiện ở top đầu trong trang web tìm kiếm sẽ khiến cơ hội doanh nghiệp được khách hàng biết đến và lựa chọn nhiều hơn.
SEO là một cách quảng cáo ít tốn kém trên các bộ máy tìm kiếm. SEO là quy trình tối ưu hóa trang web nhằm làm sao cho các bộ máy tìm kiếm ưu tiên trong sắp xếp đưa ra kết quả tìm kiếm. Mục tiêu chính của SEO là đưa trang web lên hàng đầu trong kết quả tìm kiếm theo một số từ khóa cụ thể. Ngoài tìm kiếm từ khóa, SEO còn bao gồm cả tìm kiếm ảnh, sách, clip... Du lịch Việt Nam có thể sử dụng trong dài hạn hình thức này.
Ngoài việc cho phép website xuất hiện mỗi khi người dùng có thao tác tìm kiếm thông tin liên quan, việc sử dụng các công cụ tìm kiếm còn giúp chúng ta nhận được báo cáo hàng tuần/tháng bằng công cụ của chính các trang web tìm kiếm với các thông số như số lần quảng cáo xuất hiện, lượng người quan tâm và click vào quảng cáo, số tiền phải trả...
Với hình thức SEO này, tùy từng thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam mà chúng ta có thể lựa chọn các từ khóa khác nhau:
Đối với thị trường outbound, nội địa, nhóm từ khóa sẽ rộng hơn. Các từ khóa có thể liên quan đến: công ty du lịch, du lịch nước ngoài, hoặc là tên các địa điểm cụ thế như: du lịch Sapa, du lịch TP Hồ Chí Minh...
Đối với thị trường inbound, do khác biệt về ngôn ngữ, nên khách inbound khi tìm thông tin qua trang web tìm kiếm bằng tiếng Anh thường hay sử dụng các cụm từ như: travel to vietnam, vietnam travel, travel vietnam, vietnam tours...
Trước khi lựa chọn cụm từ khóa nào, các doanh nghiệp cần phân tích xu hướng tìm kiếm, khảo sát lưu lượng truy cập các từ khóa đó, có thể thông qua công cụ google insights for search hoặc clues yahoo.
Các công cụ này sẽ cho chúng ta biết số lượng tìm kiếm, xu hướng tìm kiếm mỗi từ khóa trong khoảng thời gian nhất định, sự quan tâm tìm kiếm theo từng vùng. Thậm chí, công cụ clues yahoo còn tổng hợp được thông tin về độ tuổi, giới tính của những người tìm kiếm. Đây là những cơ sở quan trọng để doanh nghiệp lựa chọn từ khóa thích hợp
Tiến hành xúc tiến trên Google Search Box
Khi sử dụng Google.com.vn để tìm kiếm bất kỳ thứ gì chúng ta cần, chúng ta sẽ gõ những ký tự vào khu vực tìm kiếm và đó gọi là Google Search Box. Google search box sẽ gợi ý cho chúng ta từ 2 - 4 hoặc nhiều hơn những gợi ý liên quan đến từ khóa ta đang tìm kiếm.
Theo thống kê của google về hành vi người tìm kiếm, có đến 90% người tìm kiếm có xuống gợi ý mà Google đưa ra khi gõ từ khóa. Thống kê này cho biết là khi bắt đầu gõ từ khóa mà có gợi ý ở dưới thì người tìm kiếm sẽ tìm kiếm ngay từ khóa đó.
Với thống kê trên thì việc chúng ta sử dụng google Search Box - đưa những gợi ý liên quan đến Du lịch Việt Nam hiện lên khi khách du lịch tìm kiếm sẽ mang lại hiệu quả tốt.
Tăng cường quảng cáo hiển thị (quảng cáo banner) vào những dịp kích cầu du lịch: Banner có thể áp dụng cho cả hai mục tiêu là tăng nhận biết thương hiệu cũng như bán hàng. Tuy nhiên, việc có quá nhiều banner quảng cáo trên một trang web sẽ khiến cho mọi người ngày càng ít quan tâm đến các mẫu quảng cáo này hơn. Ngoài ra giá cho mỗi banner quảng cáo cũng rất lớn, chưa kể đến việc khi ngành Du lịch Việt Nam mua banner ở những vị trí không đẹp thì hiệu quả lại càng kém. Vì vậy, ngành Du lịch Việt Nam chỉ nên sử dụng quảng cáo bằng banner ở các trang mạng hoặc trang cá nhân của một bên thứ ba vào những dịp khuyến mãi sẽ thu hút, hấp dẫn khách du lịch click vào banner nhiều hơn. Về vị trí đặt banner, các nghiên cứu đã chứng minh rằng các vị trí quảng cáo thành công nhất nằm trong phần nội dung chiếm (44.66%), trong phần tiêu đề (27.32%), nằm bên trái (7.88%), bên phải (9.28%), có các cột, xoay tròn theo chiều xoay các quảng cáo (4.74%) và quảng cáo dưới nếp gấp giữa các trang (1.93%). Nói chung, các quảng cáo gần nội dung, trên nếp gấp giữa các trang, và gần nội dung lôi cuốn khác sẽ mang lại hiệu quả tối ưu.
Tổ chức các cuộc thi liên quan đến du lịch trên fanpage chính thức của ngành Du lịch Việt Nam: thi tìm hiểu về đất nước Việt Nam (có thể bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, thể hiện dưới dạng bài viết hoặc clip), thi sáng tác logo và slogan cho Du lịch Việt Nam trong giai đoạn kế tiếp...
Các cuộc thi này là một cách giúp fanpage của ngành Du lịch Việt Nam hấp dẫn hơn, tăng khả năng tương tác và khuyến khích những fans tiềm năng tham gia. Các cuộc thi với phần thưởng hấp dẫn sẽ là một công cụ marketing rất tốt cho ngành Du lịch Việt Nam.
Thống nhất trong việc xúc tiến qua video clip: Để video đến với bạn bè quốc tế, tất nhiên cần có phụ đề song ngữ Anh – Việt, hoặc thuyết minh bằng tiếng Anh kèm phụ đề tiếng Việt (hoặc ngược lại).
Các video nên được kết thúc bằng slogan “Việt Nam - Timeless Charm” (Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận) và biểu tượng bông hoa sen hoặc slogan du lịch của địa danh trong video nếu có.
Nội dung của video có thể liên quan đến các chủ đề: những cảnh thiên nhiên tươi đẹp, địa danh lịch sử, phong tục truyền thống, ẩm thực, quà lưu niệm, những ưu điểm của Du lịch Việt Nam, những bí quyết bỏ túi khi du lịch Việt Nam, các lễ hội, các sự kiện thú vị sắp diễn ra mà du khách không nên bỏ qua, nhịp sống đời thường ở Việt Nam, con người Việt Nam, những ưu điểm của du lịch Việt Nam (giá rẻ, nhiều cảnh đẹp, an ninh tốt, người dân thân thiện…).
Ngoài ra, ngành Du lịch cũng cần tập hợp và duy trì đội ngũ chuyên gia để xử lý các dữ liệu trở thành những video chuyên nghiệp theo đúng tiêu chí đã đề ra.
Đầu tư kinh phí, thông tin và chuyên nghiệp hóa cho hoạt động xúc tiến trên internet: Để góp phần tạo sự đột phá cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch cùng với xu hướng du khách tìm kiếm điểm đến thông qua mạng internet gia tăng, tiếp thị du lịch qua kênh trực tuyến cần phải được đầu tư về kinh phí xúc tiến. Bên cạnh đó, mặc dù các doanh nghiệp du lịch Việt Nam và ngay cả cơ quan quản lý đã thực hiện quảng bá qua kênh trực tuyến, nhưng vẫn chưa tận dụng phương thức này hiệu quả để tiếp thị hình ảnh Du lịch Việt Nam. Vì thế, muốn thu hút khách hàng qua kênh trực tuyến, thông tin trên internet cần liên tục, được cập nhật một cách sáng tạo. Điều quan trọng là phải chuẩn bị thật tốt những "tài sản số" của mình, bao gồm ảnh, câu chuyện, tư liệu, thông tin, video clip… để quảng bá. Ngành du lịch có thể thuê các công ty quảng cáo trực tuyến chuyên nghiệp tiến hành phát triển các phương thức xúc tiến này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Bưu chính Viễn Thông, Chiến lược phát triển công nghệ thông tin, truyền thông và internet Việt Nam đến 2010 và định hướng đến 2020.
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chiến lược marketing du lịch đến năm 2020
3. Trường ĐH Thương mại và Trường ĐH Shu-Te (2006), Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế - Những vấn đề cơ bản về quản trị kinh doanh và thương mại trong bối cảnh công nghệ thông tin và kinh tế trí thức
4. Kent Wertime và Ian Fenwick (2009), Tiếp thị số: Hướng dẫn thiết yếu cho truyền thông mới và Digital Marketing, NXB Tri thức và VNN Publishing.
ThS. Kiều Thu Hương
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)