Trang bị hệ thống tương tác thông minh tại các bảo tàng ở TP. Hồ Chí Minh
Tại buổi làm việc, PGS.TS. Trần Minh Triết cho biết, các nghiên cứu của nhóm có thể ứng dụng rất tốt cho các bảo tàng, di tích lịch sử bằng cách phát huy tác dụng của những bề mặt tương tác thông minh. Khách tham quan bảo tàng có thể tìm kiếm thông tin liên quan đến hình ảnh, hiện vật, tư liệu, phim ảnh được trưng bày tại bảo tàng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau thông qua các thao tác đơn giản trên thiết bị di động cá nhân mà không cần phải có hướng dẫn viên, giống như mô hình hiện đại của các quốc gia tiên tiến khác.
Ứng dụng này còn cho phép tạo ra các hình ảnh phiên bản thu nhỏ của các hiện vật, giúp bảo tàng có thể dễ dàng tổ chức những đợt triển lãm xa thành phố mà không phải di chuyển hiện vật mẫu - giúp giảm thiểu khả năng hư hỏng của hiện vật. Đặc biệt, ứng dụng còn cho phép người tham quan tương tác với các hiện vật, tư liệu thông qua mô hình bảo tàng ảo ba chiều...
Thời gian tới, ứng dụng ương tác thông minh sẽ được triển khai đầu tiên tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ TP. Hồ Chí Minh và Khu di tích địa đạo Củ Chi. Trong quý 1/2017 sẽ hình thành hệ thống, tích hợp dữ liệu và đưa vào vận hành ở những nơi thí điểm rồi sẽ lần lượt triển khai ở các bảo tàng khác của TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh các bảo tàng của TP. Hồ Chí Minh, còn rất nhiều những bảo tàng tư nhân, các di tích lịch sử cấp thành phố và cấp quốc gia cũng rất cần được triển khai ứng dụng mới này.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các bên liên quan như Thành đoàn, Sở Văn hóa, Thể thao, Sở Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông và nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh phối hợp, triển khai nhanh các bước cần thiết để xây dựng hệ thống bảo tàng thông minh cho TP. Hồ Chí Minh.
PV