|
Nguồn bụi chẳng phải tìm đâu xa (Cảnh phá dỡ nhà ở trung tâm quận Ba Đình) |
Trong những ngày này, trên sách báo có rất nhiều bài viết về lịch sử, văn hóa, nét đẹp xưa… của mảnh đất và con người Tràng An. Là một người sinh ra, lớn lên trong một gia đình, dòng họ đã sống nhiều đời ở Thăng Long - Hà Nội chắc chắn tôi rất yêu Hà Nội, rất gắn bó với mảnh đất này.
Chính vì yêu, gắn bó vô cùng với mảnh đất Thăng Long - Hà Nội mà tôi thấy nếu chỉ bàn về cái đẹp, cái hay của Hà Nội thì chưa đủ mà phải nhìn thẳng vào những khiếm khuyết và chưa được để mà sửa, mà tránh, để làm sao thành phố sắp ngàn năm tuổi đẹp hơn, hay hơn.
Với khuôn khổ bài viết này tôi chỉ nói về những gì diễn ra hàng ngày, ai cũng thấy, rất nhiều người biết, và thậm chí không ít người còn tham gia và là tác giả của những “sản phẩm” ấy.
HÀ NỘI BỤI VÀ RÁC
Về môi trường sống, chỉ nói không gian hẹp hơn đó là đường phố, có thể thấy ngay rằng phố phường Hà Nội bẩn lắm! Khắp nơi bụi và rác vứt lung tung nhiều vô kể.
Trước đây (không xa lắm đâu, hơn 20 năm chút thôi) bụi ở Hà Nội chỉ có ở xung quanh nhà máy điện Yên Phụ, những phố như đầu Cửa Bắc, cuối Nguyễn Trường Tộ, Phạm Hồng Thái, Yên Ninh, khu Ngũ Xã… là bị “nạn” bụi từ nhà máy điện thải ra.
|
Du khách đeo khẩu trang dạo phố Hà Nội |
Nay ở Hà Nội bụi khắp nơi, bụi bẩn kinh khủng! Trong ba thành phố lớn của Việt Nam hiện nay (Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh), theo tôi, Hà Nội bẩn nhất. Việc kiểm chứng này rất dễ: đường phố ở đâu có mặt nhựa đường đen hơn ở đó ít bụi hơn! Về tiêu chí này, theo tôi quan sát và để ý nhiều năm, Đà Nẵng khá nhất, TP. Hồ Chí Minh kém hơn chút ít (mặc dù TP. Hồ Chí Minh những năm gần đây liên tục đào đường nhưng màu nhựa mặt đường vẫn đen hơn Hà Nội). Mặt đường phố Hà Nội về cơ bản có màu bạc phếch do bụi đất cát, rất nhiều đường phố có màu bạc trắng do quá nhiều bụi như các đường Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Giải Phóng, Láng Hạ… thậm chí ngay cả Phố Huế! Bụi này ở đâu ra và do ai chắc mọi người đều biết.
Bụi Hà Nội nhiều đến độ người dân ra đường đi bộ cũng đeo khẩu trang. Còn rác thì ở phố nào cũng thấy. Rác đổ đống, bọc lớn, bọc nhỏ vứt bừa bãi dưới lòng đường phố, trên vỉa hè, đặc biệt dưới chân các cột điện nằm giữa hai số nhà hoặc mép phố giáp ranh giữa một bên ngõ phố và một bên là số nhà (giáp ranh nghĩa là không phải tôi, không phải anh, không phải của ai cả, cứ vô tư!).
Ý thức nhiều người sống ở Hà Nội kém đến độ xe thu gom rác đến giờ thu gom gõ kẻng thì không ra đổ, xe vừa đi khỏi vài chục mét họ không chạy theo mà đổ toẹt ra lề phố! Số này không ít, không phải chỉ có trẻ con hay bà già mà rất nhiều người tuổi thanh niên, trung niên dáng vẻ không phải là người “nhà quê” mới ra phố. Không phải chỉ những nơi ngoại ô, ngày xe thu gom rác đi một lần người ta mới đổ rác ra phố mà ngay tại các phố trung tâm của quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, mỗi ngày xe thu gom rác đi tua 3 - 4 bận, người dân phố ở Hà Nội vẫn thản nhiên vứt rác ra đường.
Một thói quen nữa khá kinh khủng: không ở đâu người ta vứt nhiều chuột chết ra phố như ở Hà Nội! Xác chuột chết không phải chỉ có ở những phố của các khu đô thị mới, các đường phố của các quận mới thành lập mà nhan nhản trên các đường phố của khu phố cổ, phố tây (nơi được coi là nơi ở của các cư dân Hà Nội có “thâm niên” hơn!?), Không tin mọi người cứ thử đi dọc một lượt các phố chính được coi là “bộ mặt” thủ đô như Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Đào, Hàng Ngang, Đồng Xuân, Quán Thánh thử xem! Tôi đã đến nhiều thành phố, thị xã trong nước; Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh không thế, thậm chí nhiều tỉnh lỵ khác trong nước không đến nỗi thế!
Ý THỨC NGƯỜI DÂN THAM GIA GIAO THÔNG KÉM
Không đâu trong số các đô thị lớn của Việt Nam giao thông lại lộn xộn do ý thức của những người tham gia giao thông kém như ở Hà Nội.
Không có ngã tư, ngã năm nào ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, thậm chí ở tỉnh lỵ Long Xuyên hay Rạch Giá xa xôi có cảnh xe cộ dàn hàng ngang trước đèn đỏ chắn không cho các phương tiện rẽ phải khi được phép như ở ngã tư Kim Liên – Chùa Bộc, ngã tư Khâm Thiên, ngã ba Lê Duẩn – Trần Nhân Tông… của Hà Nội!
|
Đèn tín hiệu tại một nút trung tâm quận Hoàn Kiếm như thế này cả tuần |
Không nơi đâu có nhiều người đi xe đạp, xe máy, ôtô vượt đèn đỏ như ở Hà Nội. Càng những phố ở trung tâm người vi phạm càng nhiều! Thương thay, trớ trêu thay cho những đèn tín hiệu giao thông ở những nơi lẽ ra nó phải là chỗ để “người trên trông xuống, kẻ xa nhìn vào” như cái trước cửa nhà Bưu điện Bờ Hồ, cái gần tòa nhà “hàm cá mập” trên phố Đinh Tiên Hoàng, rất ít người tuân thủ tín hiệu của nó. Người đi bộ qua đường, cả ta lẫn “tây” phát khiếp, hốt hoảng trước những xe máy lao vun vút bất cần biết đến ai! Tệ nhất phải kể đến sự coi thường tín hiệu đèn giao thông của những người đi đường ở các ngã tư phố cổ như Hàng Đào – Hàng Ngang – Hàng Bạc – Hàng Bồ, Hàng Ngang – Hàng Đường – Hàng Buồm – Lãn Ông, ngã tư Hàng Mã - Hàng Gà… Ở những nút giao thông này những ai tuân thủ tín hiệu đèn bị những người khác nhìn như “vật thể lạ từ hành tinh khác”! Đã có lần tại một trong các ngã tư ấy người viết bài này bị một chị “mặt hoa da phấn” đi xe máy tông vào sau xe, không những không xin lỗi mà chị ta liền mắng vào mặt tôi: “Ngu à, sao đang đi lại dừng!”, “Rỗi hơi mà phải dừng” kèm theo một câu chửi tục tĩu!
Một hành vi nữa đáng nói là đó là nhiều người sống ở Hà Nội hiện nay thường văng tục, nói bậy. Điều này tôi cũng ít thấy ở các thành phố hay tỉnh lỵ khác. Hành vi này phổ biến đến độ hình như người ta đã quen mà không ai có phản ứng gì. Đàn ông văng tục trong các quán nhậu, phụ nữ văng tục khi túm năm tụm ba trong các quán cà phê, hiệu làm đầu… Không ít lần hành khách trên các tuyến xe buýt nội đô được “thưởng thức” bất đắc dĩ các cuộc đàm thoại qua điện thoại di động của một vị khách trên xe (tôi để ý thấy trong số này phụ nữ chiếm tỷ lệ khá nhiều) với ai đó mà cứ mỗi câu sau “alô” là một câu văng tục hoặc từ bậy!
Và tệ hại hơn nó đã hình thành ở lớp trẻ một thứ văn hóa “nói bậy không biết ngượng mồm”! Xin mọi người chịu khó đứng ít phút ở cổng các trường Trung học phổ thông giờ tan học trên các phố Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Cửa Bắc… sẽ thấy lỗ tai bị tra tấn như thế nào.
Một điều nữa không thể không nói đó là ý thức cộng đồng của rất nhiều người Hà Nội quá kém. “Cụ thể hóa” của các hành vi này được phô bày trước bàn dân thiên hạ là những gì đã xảy ra ở hội hoa xuân Hà Nội 2009 và trước đó ít lâu tại hội hoa anh đào Nhật Bản (Triển lãm Giảng Võ).
Sau những gì xảy ra với hội hoa xuân Hà Nội 2009 đã có nhiều bài báo, bài viết về sự cố này. Điều ngạc nhiên tôi thấy trong số những bài viết ấy có không ít bài thanh minh rằng những hành vi bẻ cây, lấy hoa (phải gọi thẳng là phá hoại) là do những người mới đến sống ở Hà Nội, họ không phải là người Hà Nội gốc, rằng người Hà Nội “gốc” không thế!? Tôi hiểu những ý kiến đó muốn đổ tại hiện tượng nhập cư vào Thủ đô. Nhưng xin hãy đừng huyễn hoặc. Nếu nói về nhập cư thì dân nhập cư ở TP. Hồ Chí Minh lớn hơn nhiều cả về số tuyệt đối cũng như tỷ lệ so với Hà Nội. Tại sao các hội hoa trên đường Nguyễn Huệ, Tao Đàn ở TP. Hồ Chí Minh tổ chức đã nhiều năm mà không xảy ra hiện tượng như với hội hoa Hà Nội 2009?
LỜI KẾT
Ông bà ta có câu “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, những ai tự nhận mình là người phá hoại Hà Nội phải xem lại chính mình. Và những ai được giao trọng trách quản lý Thủ đô càng cần phải làm điều đó. Các văn bản pháp luật về quản lý đô thị, các cơ chế đặc thù cho Thủ đô và kể cả nhân lực lẫn vật lực… để lại việc này không thiếu nhưng tại sao nhìn vào những hiện tượng trên của Hà Nội vẫn đáng buồn như vậy, có lẽ phải gọi đúng tên là đáng hổ thẹn.
Không lẽ ngăn chặn tệ vứt rác ra đường hay vượt đèn đỏ khó hơn bắt buộc người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm (việc này chính quyền và công an đã làm khá tốt)? Tôi không tin như thế! Tôi không tin khó hơn! Đấy là một trong mấy việc mà Hà Nội làm được thì bộ mặt Thủ đô sẽ khác ngay.
Là một người rất gắn bó với Hà Nội, yêu vô cùng mảnh đất tôi đã sinh ra và trưởng thành, nơi sau này là các thế hệ con cháu tiếp tục sinh sống và làm việc, tôi nghĩ là mỗi người dân phải có nghĩa vụ làm sao để Hà Nội, Thăng Long – thành phố Rồng bay ngày một sạch hơn để rồi đến lúc sẽ đẹp. Nhưng “một cánh én không thể làm nên mùa xuân”, hy vọng với những lời tâm sự này sẽ có nhiều “cánh én” cùng chia sẻ./.
YÊN NINH