Tổng quan về Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
FTA là một thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều thành viên nhằm loại bỏ các rào cản về thương mại. Thuật ngữ “FTA thế hệ mới” được sử dụng để chỉ các FTA được đàm phán, ký kết trong thời gian gần đây với những cam kết sâu rộng và toàn diện, mức độ tự do hóa mạnh. Các FTA thế hệ mới bao gồm các cam kết tự do hóa thương mại trong nhiều lĩnh vực như các FTA truyền thống gồm hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và cả các lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư… Các cam kết của FTA thế hệ mới thường có mức độ xóa bỏ thuế quan đối với khoảng 95 - 100% số dòng thuế, mở cửa mạnh nhiều lĩnh vực dịch vụ, mở cửa mua sắm công. Cơ chế thực thi của FTA thế hệ mới chặt chẽ hơn và đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao trong các vấn đề quy tắc.
Trong 4 FTA thế hệ mới mà Việt Nam đang thực thi, FTA song phương với Hàn Quốc (VKFTA) và FTA với khối Liên minh Á - Âu (EAEU) có các lĩnh vực “thế hệ mới” khá hạn chế, chủ yếu là các cam kết mang tính tuyên bố định hướng, không có các nội dung ràng buộc cụ thể. Các FTA thế hệ mới thực sự mà Việt Nam đang tham gia bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Một số quy định liên quan đến hoạt động du lịch của FTA thế hệ mới
Nội dung của EVFTA và CPTPP không có các quy định trực tiếp cho ngành Du lịch. Đối với các dịch vụ du lịch bao gồm dịch vụ đại lý lữ hành và điều hành tour, khách sạn và nhà hàng, Việt Nam vẫn tuân thủ theo các cam kết như trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Cụ thể:
Dịch vụ khách sạn, nhà hàng và cung cấp đồ ăn, bao gồm: dịch vụ xếp chỗ ở và khách sạn (CPC 641), dịch vụ cung cấp thức ăn (CPC 642) và dịch vụ cung cấp đồ uống tại chỗ (CPC 643); cam kết của Việt Nam: Không hạn chế.
Dịch vụ đại lý lữ hành và điều hành tour (CPC 7471): hãng nước ngoài đưa khách đến Việt Nam: không hạn chế; khách Việt Nam ra nước ngoài: không hạn chế.
Hiện diện thương mại: Các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ dưới hình thức liên doanh với đối tác Việt Nam mà không bị hạn chế phần vốn góp của phía nước ngoài; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được phép cung cấp dịch vụ đưa khách vào du lịch Việt Nam (inbound) và lữ hành nội địa như là một phần của dịch vụ đưa khách vào du lịch Việt Nam.
Hướng dẫn viên du lịch trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải là công dân Việt Nam.
Do du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch sẽ chịu tác động bởi các hiệp định nói trên theo các khía cạnh như: chính sách du lịch; thị trường khách; đầu tư; lao động và việc làm; thuế quan, xuất nhập khẩu các ngành hàng liên quan đến du lịch như nông sản, thực phẩm, thiết bị, nội thất… theo các cam kết về cắt giảm hàng rào thuế quan, thực hiện nguyên tắc tự do bình đẳng trong thương mại. Đồng thời, đối với đầu tư, EVFTA và CPTPP có các cam kết về đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc và đối xử trong trường hợp xung đột vũ trang hoặc bạo loạn; các biện pháp bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư.
Tác động của FTA thế hệ mới đến doanh nghiệp du lịch
Đối với doanh nghiệp nước ngoài
Trong thời gian qua, Việt Nam đã trở thành nơi đầu tư hấp dẫn, thu hút nhiều thương hiệu khách sạn lớn trên thế giới của các thành viên CPTPP và EVFTA như tập đoàn Accor (Pháp), InterContinental Hotels Group (Anh), Somerset (Singapore), Nikko (Nhật Bản)... Việt Nam vẫn giữ các cam kết về đầu tư nước ngoài (FDI) đối với du lịch trong các FTA thế hệ mới giống như các cam kết như trong WTO, không hạn chế đầu tư FDI cho lĩnh vực kinh doanh lưu trú (khách sạn). Do đó, các FTA thế hệ mới với việc đảm bảo thể chế FDI minh bạch, công bằng, toàn diện và tiến bộ sẽ có tác dụng tích cực thúc đẩy FDI từ các nước thành viên vào Việt Nam, nhất là với các quốc gia chưa có các dự án nào tại Việt Nam như Chi Lê, Australia, Canada…
Đối với hoạt động kinh doanh lữ hành, Luật Du lịch 2017 quy định: “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác” (Điều 30). Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO cho phép doanh nghiệp nước ngoài thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để kinh doanh lữ hành với phạm vi hạn chế. Trong các FTA thế hệ mới, Việt Nam vẫn bảo lưu các cam kết trên.
Đối với doanh nghiệp du lịch Việt Nam
Thị trường khách: Các FTA thế hệ mới đem đến triển vọng đưa khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam do các thành viên của CPTPP và EVFTA là các thị trường khách có thu nhập bình quân đầu người cao, có nhu cầu du lịch nước ngoài cao. Đối với thị trường châu Âu, Việt Nam là điểm đến xa được du khách yêu thích nhờ có văn hóa đa dạng, phong phú, cảnh quan tươi đẹp, con người thân thiện, với lượng khách đến là hơn 2,1 triệu lượt vào năm 2019. Tuy nhiên, tỷ trọng của khách từ thị trường châu Âu thấp hơn so với các thị trường châu Á như Đông Bắc Á (66,8% năm 2019), Đông Nam Á (11,3% năm 2019). Với CPTPP, phần lớn các quốc gia thành viên của hiệp định này là thị trường gửi khách trọng điểm của Việt Nam như Nhật Bản (hơn 950 nghìn lượt khách), Malaysia (hơn 600.000 lượt), Australia (383.000 lượt), Singapore (308.000 lượt), Canada (159.000 lượt) và New Zealand (47.000 lượt) vào năm 2019.
Từ khi CPTPP và EVFTA có hiệu lực đến nay, do dịch bệnh COVID-19, hoạt động du lịch quốc tế tạm dừng nên tác động của các hiệp định đến số lượng khách chưa rõ nét. Tuy nhiên trong thời gian tới, bên cạnh việc phục hồi lượng khách du lịch quốc tế, dòng khách du lịch công vụ, du lịch kết hợp thương mại, lao động, du lịch MICE đến từ các quốc gia thành viên FTA thế hệ mới được dự đoán sẽ tăng, nhất là từ các quốc gia có nhiều hoạt động kinh doanh, đầu tư với Việt Nam hiện nay như Anh, Pháp, Nhật Bản, Malaysia, Australia, Canada, Mexico… Dòng khách du lịch cao cấp cũng được kì vọng sẽ thu hút tới Việt Nam tốt hơn khi có sự đầu tư từ các tập đoàn khách sạn cao cấp. Đồng thời, FTA thế hệ mới cũng có thể đem lại các tác động tích cực đến chính sách hàng không, tạo động lực mở đường bay kết nối trực tiếp giữa Việt Nam và một số thị trường xa.
Lao động, việc làm: Các FTA thế hệ mới với việc nới lỏng điều kiện tự do đầu tư và di chuyển lao động giữa các thành viên sẽ giúp nâng cao điều kiện làm việc, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Xu thế chuyển dịch lao động nội khối vừa tạo cơ hội tìm việc làm mới vừa gia tăng áp lực cho lao động ngành Du lịch. Đối với nguồn nhân lực du lịch trong nước, cạnh tranh sẽ tạo áp lực để nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ nguồn khách đến từ các thị trường cao cấp. Các FTA thế hệ mới cũng tạo động lực tăng cường liên kết, hợp tác đào tạo nghề du lịch giữa Việt Nam với các nước thành viên, mở ra cơ hội để người lao động học hỏi và nâng cao chuyên môn. Đồng thời tạo nhiều cơ hội cho người lao động chọn nơi làm việc cũng sẽ làm tăng nguy cơ chuyển dịch nguồn nhân lực chất lượng cao của Du lịch Việt Nam ra nước ngoài.
Cạnh tranh: Doanh nghiệp du lịch Việt Nam, nhất là doanh nghiệp lữ hành hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, do đó năng lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế. Khi tham gia vào các FTA thế hệ mới, các doanh nghiệp du lịch đối mặt với sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp trong nội khối. Do vậy, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuẩn quốc tế; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, chất lượng nguồn lao động. Việc tham gia FTA thế hệ mới cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các nước thành viên, trừ một số nước bảo lưu các hạn chế đối với khách sạn - nhà hàng như Brunei, Chile.
Các vấn đề khác: Các FTA thế hệ mới không chỉ tác động đến những vấn đề truyền thống về thuế, hải quan mà còn liên quan đến vệ sinh và môi trường sống. Điều này sẽ có tác động tích cực đến việc cải thiện môi trường sống và cơ sở hạ tầng du lịch, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững và có trách nhiệm. Đây là cơ hội để Du lịch Việt Nam nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ và phát triển đa dạng các loại hình du lịch.
Giải pháp cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong bối cảnh thực thi FTA thế hệ mới
Để có thể tận dụng cơ hội trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đa dạng hóa loại hình dịch vụ, mở rộng đối tượng khách hàng mục tiêu, đảm bảo cân bằng giữa thương mại, dịch vụ và bảo tồn văn hóa, thiên nhiên. Phát triển các loại hình sản phẩm du lịch bền vững, an toàn, các sản phẩm du lịch gắn với thiên nhiên và bảo vệ sức khỏe.
Cập nhật các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm quốc tế, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung ứng. Tìm hiểu về đặc điểm các thị trường mới, chưa được khai thác từ các nước thành viên của FTA thế hệ mới để xây dựng sản phẩm phù hợp với nhu cầu, sở thích của các thị trường khách.
Chủ động đào tạo lại lao động nhằm nâng cao chất lượng, nhận diện rõ những hạn chế, yếu kém, thiếu hụt về chuyên môn nghiệp vụ để đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, có chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực du lịch có kinh nghiệm, kỹ năng nghề đã chuyển việc quay lại làm việc.
Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, địa phương, hợp tác xây dựng các chuỗi sản phẩm, dịch vụ có tính bổ trợ cho nhau; làm mới, bổ sung giá trị gia tăng cho các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động marketing số; ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường và các công nghệ tiên tiến khác nhằm tăng giá trị và sức hấp dẫn của sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Công thương (2020) “Báo cáo kết quả triển khai Hiệp định CPTPP của các Bộ, ngành, địa phương trong năm 2019”
2. Lê Quang Thuận (2019). Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và tác động đối với kinh tế Việt Nam, Tạp chí Tài chính, https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/cac-hiep-dinh-thuong-mai[1]tu-do-the-he-moi-va-tac-dong-doi-voi-kinh-te-viet-nam-309171.html
3. Nguyễn Thị Thu Trang (2020), CPTPP: Cam kết và Tác động tới Doanh nghiệp Du lịch Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đối với ngành Du lịch Việt Nam, 2020…
ThS. Lương Thị Hà Thanh
(Tạp chí Du lịch tháng 8/2022)