Địa hình Trí Yên khá bằng phẳng, cảnh quan nơi đây như một bức tranh sơn thủy hữu tình với núi, sông và những cánh đồng cò bay thẳng cánh. Phía Đông và phía Nam của xã giáp với hai con sông Lục Nam và sông Thương. Hai nhánh sông này đổ ra ngã ba Phượng Nhỡn rồi hợp lưu về Lục Đầu Giang chảy xuôi ra biển. Dòng sông Lục Nam và sông Thương được xem là tuyến đường thủy trọng yếu, đã chứng kiến bao cuộc chiến tranh của quân và dân Đại Việt chống lại ách đô hộ của giặc phương Bắc dưới các triều vua phong kiến.
Nhân dân xã Trí Yên vô cùng tự hào về bề dày lịch sử truyền thống đấu tranh với thiên tai địch họa và những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Cũng như nhiều làng cổ khác trong tỉnh Bắc Giang, các làng thuộc xã Trí Yên là sản phẩm của nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước, do vậy làng xóm được hình thành trên cơ sở của các điểm tụ cư thuận lợi cho việc trồng trọt.
Vùng đất Trí Yên là nơi Phật giáo du nhập vào rất sớm. Biểu tượng cho sự phát triển của Phật giáo ở Trí Yên và cả vùng đất Yên Dũng là chùa Đức La tức Vĩnh Nghiêm tự. Ngôi chùa có giá trị lịch sử văn hóa không chỉ trong vùng mà còn là niềm tự hào của Bắc Giang. Ngoài ra còn có một số ngôi chùa cổ khác như chùa Cao Sơn (Thanh Long), chùa Vĩnh Long…
Lễ hội hằng năm được tổ chức chủ yếu vào mùa Xuân và mùa Thu. Đây là vùng đất cổ nên lễ hội được tổ chức tương đối lớn và thu hút đông đảo người dân trong vùng tham gia với nhiều trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, đi cầu kiều, đập niêu, chọi gà… Ở Trí Yên còn có hình thức sinh hoạt văn hóa rất nổi tiếng đó là hát ví, hát ống, hát chèo.
Về với Trí Yên, du khách sẽ được tham quan các điểm du lịch tâm linh (đình, đền, chùa…); du lịch làng nghề truyền thống; đắm mình trong những làn điệu chèo cổ, hát ví, hát ống... được tổ chức vào những ngày hội trong năm.
Những năm qua, nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, chùa Đức La đã được đầu tư, tu bổ ngày càng khang trang; đời sống của nhân dân xã Trí Yên được nâng lên đáng kể; các ngành nghề phát triển, trong đó có Du lịch. Là địa phương có nhiều di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, kết cấu thành những cụm di tích - lễ hội - danh thắng, Trí Yên có nhiều cơ hội để phát triển du lịch, nhất là du lịch tâm linh, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong những năm qua, xã Trí Yên đã phối hợp với các cơ quan của huyện Yên Dũng và tỉnh Bắc Giang quan tâm đầu tư, trùng tu, tôn tạo và mở rộng các cụm di tích văn hóa, kết hợp kiện toàn đồng bộ hệ thống giao thông, đặc biệt chú trọng khai thác tiềm năng phát triển du lịch tâm linh nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu tìm hiểu, tham quan, chiêm bái, lễ Phật của du khách thập phương. Công tác quy hoạch, bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị các điểm đến du lịch đang được tích cực triển khai như: mở rộng khuôn viên chùa Vĩnh Nghiêm, phục dựng các lễ hội truyền thống, hoàn thiện hệ thống giao thông, kết hợp kêu gọi đầu tư các khu sinh thái, nghỉ dưỡng...
Đến nay, xã Trí Yên đã khai thác được tour du lịch văn hóa tâm linh từ Vĩnh Nghiêm đến các khu du lịch văn hóa, lịch sử, văn hóa tâm linh tiêu biểu. Ngoài ra, xã đang thiết kế tour du lịch tâm linh dọc dòng sông Lục Nam tới Lục Đầu Giang: từ thượng nguồn sông Lục Nam, tại thị trấn An Châu (nơi có đền thờ Vi Đức Lục, là tướng của Lê Lợi, sau chiến thắng quân nhà Minh được triều đình nhà Trần giao trọng trách trấn ải và khai khẩn nơi ngã ba trọng yếu này) xuôi xuống ngã ba Phượng Nhãn (có đền thờ vua Trần Minh Tông), rồi đến chùa Vĩnh Nghiêm… Trong thời gian tới khi tour này được triển khai rộng rãi, chắc chắn sẽ thu hút được nhiều khách du lịch tới tham quan.
Bên cạnh đó, xã Trí Yên đang khẩn trương xây dựng tuyến đường nhánh Tây Yên Tử vào chùa Vĩnh Nghiêm. Sau khi tuyến đường hoàn thành sẽ góp phần hình thành các tuyến du lịch văn hóa tín ngưỡng theo Phật giáo Trúc Lâm gồm: tuyến Tây Yên Tử, tuyến Đông Yên Tử, tuyến Đông - Tây Yên Tử kết hợp. Trí Yên cũng từng bước xây dựng, phục hồi ba cụm di tích nằm ở sườn Tây/Tây Bắc Yên Tử; mở các tuyến đường giao thông giữa trung tâm Vĩnh Nghiêm đi đến các cụm di tích Trúc Lâm nằm trên địa bàn của ba tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh và Hải Dương nhằm liên hoàn các đường giao thông - du lịch giữa các trung tâm văn hóa Trúc Lâm với các cụm di tích Trúc Lâm…
Trong thời gian tới, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan, hi vọng hoạt động du lịch tại Trí Yên sẽ tiếp tục có những khởi sắc mới, mang lại nhiều hiệu quả và lợi ích kinh tế - xã hội cho địa phương.
Tài liệu tham khảo:
1. Trịnh Như Tấu (1937), Bắc Giang địa chí, Viện Bảo tàng lịch sử, Hà Nội.
2. Nguyễn Xuân Cần (chủ biên) (2001), Di tích Bắc Giang tập 1, Nhà in Đại học Sư phạm Hà Nội.
3. Nguyễn Quang Ân - Nguyễn Xuân Cần (chủ biên) (2001), Địa chí Bắc Giang - Từ điển, Sở VHTT Bắc Giang và Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam...
PGS.TS. Lê Văn Tấn
ThS. Nguyễn Thị Thu Hằng
TS. Nguyễn Thị Hưởng
(Tạp chí Du lịch tháng 10/2022)