Khai thác hiệu quả thị trường khách nội địa là chiến lược quan trọng góp phần khôi phục ngành Du lịch Việt Nam
Du lịch nội địa có vị trí, vai trò rất lớn đối với phát triển du lịch Việt Nam thời gian qua. Giai đoạn 2011-2019, lượng khách nội địa tăng trưởng tích cực, đóng góp quan trọng vào tổng thu của ngành Du lịch. Nếu như năm 2011, khách nội địa mới chỉ đạt 30 triệu lượt thì đến năm 2019, con số này đã tăng lên 85 triệu lượt (gấp 2,8 lần), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 15%/năm.
Trong thời gian dịch COVID-19, thị trường du lịch nội địa là điểm tựa cho sự phục hồi ngành Du lịch, đồng thời giúp giảm thiểu thiệt hại do dịch gây ra. Sau khi dịch bệnh được đẩy lùi, hoạt động du lịch nội địa đã có bước khởi sắc tích cực. Số lượng khách du lịch nội địa có sự tăng trưởng đột biến. 9 tháng năm 2022, tổng số khách du lịch nội địa đạt khoảng 87 triệu khách, vượt xa so với kế hoạch cả năm, vượt năm 2019 (trước dịch COVID-19). Kết quả này có được do chính sách mở cửa hoàn toàn du lịch, hàng loạt các sự kiện phát động lại thị trường của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có sự hưởng ứng tích cực của các địa phương, doanh nghiệp; sự triển khai mạnh mẽ các chương trình liên kết, hợp tác, kích cầu du lịch, sự ra đời của nhiều sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của khách du lịch sau dịch bệnh.
Đánh giá chung về thị trường khách du lịch nội địa Việt Nam, chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Thị Lan Hương cho biết đây là thị trường có khả năng chống chịu và thích ứng, phục hồi nhanh, với mức độ tăng trưởng khá ổn định. Ngoài ra thị trường nội địa còn nhạy cảm với các thông tin và các xu hướng phát triển, trong đó việc tiếp cận với các thông tin từ mạng xã hội Facebook, Twitter, Tiktok, Instagram... có tác động nhất định đối với quyết định đi du lịch của khách du lịch nội địa. Đặc biệt thông tin truyền miệng vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự lựa chọn của du khách.
Thời gian qua mức độ quay trở lại của khách du lịch nội địa thường cao hơn so với khách du lịch quốc tế. Việc tin tưởng, lựa chọn hơn 1 lần đến với điểm đến du lịch không chỉ phụ thuộc và khả năng tài chính mà còn phụ thuộc vào yếu tố hài lòng. Khách du lịch thường đi du lịch theo nhóm (bạn bè, gia đình, đơn vị tổ chức...) vì thế yếu tố tâm lý “đám đông" thường chi phối hành vi tiêu dùng của họ. Đối với các sản phẩm du lịch, mức độ yêu cầu về dịch vụ đối với khách du lịch nội địa ngày càng cao và nhạy cảm về giá. Đa phần, họ rất quan tâm tới các yếu tố “dịch vụ cá nhân”, thái độ phục vụ trong quá trình trải nghiệm. Đối với khách du lịch nội địa, những điểm mới trong sản phẩm, dịch vụ luôn được đặt trong mối tương quan với chi phí bỏ ra. Việc lựa chọn các sản phẩm thường có xu hướng hướng tới các trải nghiệm, giải trí chất lượng cao.
Tham luận tại hội thảo, PGS. TS. Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội nhận định, hiện nay, trong khi thị trường du lịch quốc tế chưa ổn định sau đại dịch thì du lịch nội địa chính là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp tận dụng để phục hồi và bứt phá. Ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách năm 2022, trong đó 60 triệu lượt khách trong nước và 5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu mang lại 400.000 tỷ đồng. Nhìn vào mục tiêu này, có thể thấy rằng, du lịch nội địa vẫn đang là thị trường trọng điểm ngành Du lịch Việt Nam.
Từ những tác động của đại dịch COVID-19 đến ngành Du lịch Việt Nam, có thể thấy thực trạng du lịch Việt Nam đang bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu từ khách quốc tế trong khi thị trường khách nội địa khổng lồ vẫn chưa được quan tâm khai thác tương xứng với tiềm năng.
Trong bối cảnh ngành Du lịch Việt Nam chứng kiến sự phục hồi nhanh chóng của thị trường khách du lịch nội địa, việc định hướng khai thác hiệu quả thị trường khách du lịch trong nước là một trong chiến lược quan trọng để góp phần khôi phục ngành Du lịch Việt Nam sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
“Thay vì các chương trình du lịch truyền thống, các chương trình du lịch mới cần đổi mới, sáng tạo hơn trong cách tiếp cận điểm đến, di chuyển và sử dụng dịch vụ. Dựa trên sự chuyển dịch xu hướng của du khách trong trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp lữ hành cần tập trung xây dựng các nhóm sản phẩm có các điểm nhấn về mặt trải nghiệm phù hợp với từng nhóm đối tượng khách hàng khác nhau. Bên cạnh các dòng sản phẩm du lịch có tính đại chúng cao như du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội; du lịch đô thị; du lịch đêm; du lịch ẩm thực..., các dòng sản phẩm du lịch theo xu hướng mới cần được chú trọng phát triển nhiều hơn sau thời kỳ COVID-19 dựa trên đặc điểm thị hiếu của khách du lịch đó là sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc, sức khỏe, chữa bệnh, sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, thể thao, du lịch thông minh”, PGS. TS. Phạm Hồng Long chia sẻ.
Theo ThS. Trịnh Thanh Thủy, Bộ môn Kinh tế Vận tải Du lịch - Trường Đại học Giao thông Vận tải Du lịch cho rằng, Việt Nam đã chính thức chuyển mình sang giai đoạn mới, phục hồi và phát triển hậu COVID-19 với nguồn nhân lực sụt giảm do tác động từ đại dịch. Trong đó, việc thiếu nguồn nhân lực đã tạo ra "lỗ hổng" lớn trong ngành Du lịch nhất là thời điểm khi các hoạt động du lịch trở lại trong điều kiện bình thường mới. Việc đào tạo mới và đào tạo lại trở nên cấp bách, trong đó có việc đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Để ngành Du lịch phát triển trong thời gian tới cần định hướng cho đào tạo nguồn nhân lực du lịch như: nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong các chương trình đào tạo lại; chương trình đào tạo hướng tới nguồn lao động du lịch chất lượng cao; việc dạy và học cần nhanh chóng áp dụng chuyển đổi số; cần thống kê và rà soát lại đội ngũ giảng viên, đào tạo viên của ngành Du lịch; các cơ sở đào tạo cần đầu tư cơ sở vật chất giảng dạy để người học có cơ hội thực hành nghề nghiệp ngay tại nhà trường…
Thảo An