Hiện trạng du lịch của Kon Tum
Nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, Kon Tum có vị thế địa - chính trị, địa - kinh tế quan trọng không chỉ với vùng Tây Nguyên, duyên hải miền Trung mà còn với cả nước. Kon Tum nằm ở ngã ba Đông Dương, phía Tây giáp Lào và Campuchia với 280,7km đường biên giới, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Nam giáp tỉnh Gia Lai. Ngoài ra, Kon Tum còn có khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y, quốc lộ 40, 24, 14 nối các khu kinh tế với hành lang kinh tế Đông Tây (qua cảng Tiên Sa, Đà Nẵng), Dung Quất với các tỉnh khác.
Kon Tum có một lượng lớn các hồ, đặc biệt là hồ thuỷ điện. Hệ thống cảnh quan hồ và xung quanh tạo nên một loạt điểm du lịch hấp dẫn như Thủy điện Yaly, Thủy điện Pleikrông… Thêm vào đó, địa hình của Kon Tum chủ yếu là đồi núi ngắn, dốc, phong cảnh tự nhiên còn hoang sơ, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch thể thao, mạo hiểm, nghỉ dưỡng… Đặc biệt, Kon Tum còn có Măng Đen được ví như Đà Lạt thứ hai với nhiệt độ trung bình dao động từ 16 - 20 độ C, rất thích hợp với việc phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… Măng Đen cũng đã được quy hoạch xây dựng thành khu du lịch sinh thái quốc gia đến năm 2030.
Với hơn 30 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 54%, Kon Tum là vùng đất mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Bắc Tây Nguyên. Hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, độc đáo, thể hiện ở các loại hình như: văn hóa luật tục, văn hóa cư trú, nhà rông, văn hóa lễ hội, văn hóa cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, ngôn ngữ, chữ viết…
Mặt khác, Kon Tum là vùng đất có lịch sử lâu đời, truyền thống cách mạng hào hùng với các di tích lịch sử cách mạng đã được xếp hạng cấp quốc gia như Di tích lịch sử ngục Kon Tum; Di tích lịch sử ngục Đăk Glei; Di tích lịch sử, danh thắng Măng Đen (Kon Plông); Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh; Di tích chiến thắng Plei Cần… với các dữ liệu lịch sử sinh động, hấp dẫn. Những di tích này hiện đang được tôn tạo, bảo quản giúp du khách tìm hiểu về chiến trường Tây Nguyên, về truyền thống đấu tranh, truyền thống văn hóa của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum…
Kon Tum là một điểm đến dễ tiếp cận, đặc biệt với khách du lịch nội địa nhờ sân bay Pleiku cách Kon Tum chỉ 50km đường bộ. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất hạ tầng giao thông tại Kon Tum, bao gồm các tuyến giao thông kết nối các điểm du lịch có chất lượng tương đối tốt và ngày càng hoàn thiện. Đây là một thuận lợi để phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh du lịch nội địa đang đóng vai trò chủ đạo trong trạng thái bình thường mới.
Hiện nay, dịch vụ lưu trú và ăn uống tại Kon Tum về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu cơ bản của du khách. Các địa điểm tập trung dịch vụ lưu trú như Măng Đen, Ngọc Hồi, Đắk Hà… cung cấp cho du khách dịch vụ khá đa dạng, từ homestay, khách sạn 1 - 3 sao cho đến các khu resort 4 sao đang được quy hoạch và xây dựng.
Một trong những thách thức đặt ra hiện nay là nguồn nhân lực du lịchtại Kon Tum còn tương đối hạn chế về cả số lượng và chất lượng. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kon Tum năm 2018, toàn ngành có 1.615 lao động trực tiếp, trong đó thành phố Kon Tum có khoảng 1.211 lao động (chiếm 75%), huyện Ngọc Hồi có 194 lao động (chiếm 12%); các huyện còn lại số lao động du lịch không nhiều. Việc phân bố lao động như trên cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch của các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh (thành phố Kon Tum và huyện Ngọc Hồi). Tuy nhiên trong thời gian tới sẽ cần nhiều hơn nguồn lao động có tay nghề chuyên môn. Điều đáng mừng là trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, nhân lực trong lĩnh vực du lịch cũng như nhân lực du lịch mới được đào tạo bài bản đã có xu hướng lựa chọn phát triển tại Kon Tum.
Đẩy mạnh phát triển du lịch Kon Tum
Phát triển sản phẩm du lịch: Hiện tại, sản phẩm du lịch của Kon Tum còn tương đối nghèo nàn từ các tour, dịch vụ lưu trú, ăn uống cho đến các dịch vụ du lịch bổ sung. Do vậy, việc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch sẽ giúp giữ chân khách ở lại Kon Tum lâu hơn đồng nghĩa với việc gia tăng hiệu quả khai thác du lịch địa phương. Trên cơ sở tiềm năng đa dạng và phong phú, công tác quy hoạch tài nguyên để khai thác hợp lý, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên các đặc trưng về khí hậu, sinh thái và văn hóa của Kon Tum sẽ tạo ra các sản phẩm mới lạ, riêng biệt, hấp dẫn du khách.
Các cơ quan quản lý về du lịch của tỉnh cần triển khai những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút vốn đầu tư phát triển du lịch, cải thiện chất lượng và gia tăng số lượng dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ bổ sung cho các điểm du lịch địa phương. Các dịchvụ du lịch tiềm năng như dù bay tại Sa Thầy nếu được đầu tư và khai thác tốt sẽ trở thành một điểm nhấn quan trọng về sản phẩm du lịch.
Tăng cường công tác truyền thông điểm đến: Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, việc số hóa thông tin ngành Du lịch và quảng bá du lịch thông qua phương tiện số, nhất là qua hệ thống các nền tảng mạng xã hội được coi là một giải pháp hiệu quả và tiết kiệm. Cơ quan quản lý cùng doanh nghiệp du lịch tại địa phương cần phối hợp để xây dựng các chiến lược, sản phẩm, nội dung truyền thông để phân phối rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội; kết hợp với những nhân vật nổi tiếng để làm nội dung, review du lịch hoặc tổ chức các show âm nhạc để thu hút khách… Bên cạnh đó, liên kết với các hãng lữ hành trong và ngoài nước tổ chức các chương trình famtrip cũng là một cách hiệu quả để phát triển các sản phẩm du lịch và kết nối với du khách.
Nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực du lịch: Triển khai các chính sách hỗ trợ cho các cá nhân, đơn vị kinh doanh du lịch, nhất là nhóm các cư dân tham gia vào hoạt động du lịch thông qua các chương trình tập huấn, nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng chuyên môn… Ngoài ra cần tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch để triển khai đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn; chọn lựa và cử nhân lực địa phương đi học tập tại các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, các trường đại học, cao đẳng về du lịch…; mời chuyên gia về tập huấn, đào tạo, tư vấn chính sách phát triển nhân lực…
Tăng cường liên kết các điểm đến với du lịch khu vực Tây Nguyên và các khu vực lân cận: Để tạo nên tuyến vòng cung du lịch cho các nhóm khách hàng khác nhau, việc kết nối các điểm đến quanh khu vực Kon Tum và các tỉnh lân cận là một giải pháp nhằm khai thác tối ưu tài nguyên du lịch tại toàn vùng Tây Nguyên. Khi đó sẽ có nhiều hơn các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, đồng thời cũng gia tăng hình ảnh của Du lịch Kon Tum trên bản đồ du lịch trong và ngoài nước...
ThS. Nguyễn Doãn Tuấn
(Tạp chí Du lịch tháng 10/2022)