Du lịch Thủ đô từng bước được phục hồi
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản nhấn mạnh: Ngành Du lịch cả nước, đặc biệt là ngành Du lịch Thủ đô đang trên đà phục hồi nhanh sau dịch COVID-19, đây thực sự là điều rất đáng mừng. Nhưng mục tiêu để Thủ đô có nhiều sản phẩm du lịch đủ sức quảng bá toàn quốc vẫn chưa đạt được như mong muốn. Vì vậy, tọa đàm trực tuyến này chính là cơ hội để chúng ta đề cập đến sản phẩm du lịch, nhân lực du lịch, các yêu cầu về quảng bá du lịch…, bảo đảm sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành Du lịch Thủ đô. Việc Báo Hànộimới và Hiệp hội Du lịch thành phố Hà Nội ký kết Chương trình phối hợp công tác tuyên truyền giữa hai bên trong giai đoạn 2022-2025 sẽ mở ra rất nhiều cơ hội góp phần hỗ trợ sự phát triển của du lịch Thủ đô. Thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Thản hy vọng Hiệp hội sẽ tiếp tục ký hợp tác với nhiều đơn vị khác, qua đó, du lịch Thủ đô sẽ được truyền thông rộng rãi, được hỗ trợ phát triển toàn diện cả về hạ tầng, giao thông, viễn thông, văn hóa cộng đồng, văn hóa doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm, đào tạo nhân lực… “Qua chương trình tọa đàm, mong nhận được nhiều tham vấn, thúc đẩy quảng bá trên các phương tiện truyền thông về các sản phẩm du lịch đã có của Hà Nội, xây dựng các sản phẩm trong tương lai, đề xuất những kiến nghị sát thực tiễn để hỗ trợ, tạo môi trường tốt nhất cho du lịch Thủ đô phát triển”, ông Thản mong muốn.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Hànộimới Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh, đại dịch COVID tác động đến đời sống kinh tế - xã hội nói chung, ngành Du lịch nói riêng. Hơn hai năm qua, đại dịch COVID-19 như “cơn sóng thần” càn quét, làm tê liệt hoạt động du lịch toàn cầu. Theo ông Lợi, kể từ khi Chính phủ đồng ý mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022, du lịch cả nước nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng đã từng bước phục hồi, tìm lại đà tăng trưởng. Ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu năm 2022 đón khoảng 65 triệu lượt khách, trong đó có 60 triệu lượt khách nội địa và 5 triệu lượt khách quốc tế. Đáng mừng, chỉ đến tháng 8/2022, tổng số khách du lịch nội địa của cả nước đã đạt khoảng 79,8 triệu lượt, cao hơn 19,8 triệu lượt so với mục tiêu đề ra. Ông Lợi chia sẻ, tại Hà Nội, thành phố cũng đặt mục tiêu năm nay sẽ đón và phục vụ từ 9 đến 10 triệu lượt khách, trong đó có 1,2 đến 2 triệu lượt khách quốc tế. Chỉ 7 tháng của năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đã đạt 10,62 triệu lượt khách, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu đề ra. Thị trường khách du lịch nội địa đang cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ và đã phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, vấn đề gặp khó khăn hiện nay của ngành Du lịch Hà Nội nói riêng và Du lịch Việt Nam nói chung là lượng khách du lịch quốc tế còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra. Đến nay, cả nước mới có khoảng 1,8 triệu lượt khách quốc tế (thấp hơn 85,4% so với cùng kỳ năm 2019 và mới đạt được 1/3 so với mục tiêu). Riêng Thủ đô Hà Nội, tính đến tháng 9, mới đón được khoảng 766 nghìn lượt khách quốc tế, còn cách xa mục tiêu đề ra. Ông Lợi cho hay, trước việc đón khách quốc tế còn gặp nhiều khó khăn, ngành Du lịch nói chung và Hà Nội nói riêng đang nỗ lực nhiều giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển du lịch nội địa, thu hút khách quốc tế.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Tại Tọa đàm, các ý kiến nhiều doanh nghiệp du lịch đánh giá cao việc Hiệp hội Du lịch Hà Nội và Báo Hànộimới tổ chức Tọa đàm “Phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô sau đại dịch COVID-19” là hết sức cần thiết, nhằm góp phần chung tay cùng Chính phủ và các doanh nghiệp trong hành trình phục hồi và phát triển ngành Du lịch. Các ý kiến trao đổi cũng đề cập đến những tác động của đại dịch COVID-19 đến hoạt động của ngành Du lịch Việt Nam nói chung và Du lịch Thủ đô nói riêng. Đồng thời, các ý kiến cũng chia sẻ kinh nghiệm vượt khó, đề xuất những giải pháp hiệu quả trong việc xây dựng sản phẩm, tuyên truyền, quảng bá cũng như tăng hiệu quả trong việc liên kết, hợp tác giữa các đơn vị, địa phương để cùng nhau nâng cao giá trị điểm đến của du lịch Hà Nội, thu hút du khách đến và lưu trú tại Thủ đô nhiều hơn, đặc biệt là khách quốc tế…
Theo Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist (Tổng Công ty Du lịch Hà Nội) Lê Hồng Thái cho biết, nhìn nhận sau khi nước ta kiểm soát, khống chế được dịch COVID-19, bước vào phục hồi mọi mặt đời sống, du lịch cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng có những tín hiệu khởi sắc. Theo số liệu thống kê, lượng khách du lịch nội địa thời gian gần đây vượt xa dự báo, trong khi lượng khách du lịch quốc tế vẫn thấp. Ông Lê Hồng Thái cho hay, giai đoạn này dịch vụ du lịch giống như lò xo kìm nén lâu ngày được bung ra, đặc biệt là từ dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, lượng khách du lịch nội địa tăng mạnh, chiếm 80% tổng lượng khách. Hầu hết các điểm du lịch đều quá tải, không chỉ vào thời điểm cuối tuần hay ngày lễ, mà vào ngày thường cũng đông. Điều này đặt ra vấn đề lớn đối với các đơn vị, doanh nghiệp du lịch nếu chưa chuẩn bị sẵn sàng sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ phục vụ du khách. “Để bảo đảm phục vụ khách du lịch tốt hơn, tiếp tục duy trì lượng khách nội địa, từ nay đến hết năm 2022 và sang năm 2023, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú cần có sự chuẩn bị chu đáo, khắc phục tốt tình trạng quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách, tạo uy tín cho du lịch Thủ đô”, ông Thái nhấn mạnh.
Đề cập hướng phát triển của Ba Vì, một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho hay, thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, huyện Ba Vì đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ góp phần tăng trưởng cho du lịch địa phương như xây dựng sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, tăng cường thông tin, quảng bá… Dự kiến đến cuối năm 2022, lượng khách đến Ba Vì sẽ đạt con số trên 2 triệu lượt người. “Để đạt được mục tiêu trên, Ba Vì tiếp tục thúc đẩy du lịch địa phương thông qua mô hình du lịch homestay, tổ chức tọa đàm tìm kiếm sáng kiến, giải pháp cho mô hình này một cách hấp dẫn, có màu sắc riêng. Ba Vì cũng xác định khó khăn lớn nhất hiện nay của du lịch địa phương là sản phẩm và nhân lực. Vì vậy, việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng, tận dụng nguồn nhân lực ngay trong nhân dân sẽ là giải pháp ứng phó phù hợp trong giai đoạn này”, ông Nguyễn Đức Anh chia sẻ.
Chia sẻ kinh nghiệm thu hút khách du lịch sau COVID-19, Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết, với đặc thù của Làng cổ Đường Lâm, qua khảo sát cho thấy, phần lớn du khách đến với làng là đi du lịch theo gia đình hay nhóm nhỏ bằng phương tiện cá nhân, rất phù hợp với công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Bởi vậy, sau 2 năm đóng cửa bởi COVID-19, khi thị trường du lịch hoạt động trở lại, địa phương đã định hướng xây dựng một số sản phẩm phù hợp với mô hình du lịch cộng đồng. Theo ông Thạo, du lịch Sơn Tây chủ yếu là du lịch tâm linh, du lịch văn hóa nên đa số thời gian khách tham quan gói gọn trong vòng một ngày, do đó, địa phương đã chú trọng việc kết nối điểm đến với các khu nghỉ dưỡng ở Ba Vì để tạo điều kiện cho khách lưu trú. Ngoài ra, địa phương cũng tập trung xây dựng một số sản phẩm du lịch mới như: Du lịch trải nghiệm, du lịch làng nghề, “photo tour” (du lịch chụp ảnh), tổ chức tuyến phố đi bộ... Cùng với đó là thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá du lịch qua các kênh thông tin báo chí, mạng xã hội. Bước đầu, những giải pháp này đã cho kết quả khả quan, khi 6 tháng qua, địa phương đã đón 25.000 lượt khách, lượng đặt phòng tăng 30%, lượng khách đang dần đi vào ổn định.
Đánh giá về tiềm năng du lịch Nông nghiệp Thủ đô trong đó có các làng nghề truyền thống, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Trần Sỹ Tiến cho biết, để khai thác tiềm năng này cho phát triển du lịch, các cơ quan chức năng đã phối hợp thí điểm mô hình làng nghề kết hợp với du lịch tại 2 làng nghề là Bát Tràng (huyện Gia Lâm) và Vạn Phúc (quận Hà Đông); đồng thời, đang tiếp tục khảo sát 18 làng nghề khác để nhân rộng mô hình này. Ngoài ra, Hà Nội còn có nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc thù. Thông qua chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, Hà Nội đã công nhận được hơn 1.000 sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao, 5 sao. "Để mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề phát triển hơn, tôi cho rằng, trước hết, các cơ quan chức năng phải xây dựng quy hoạch du lịch tiềm năng trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là tiếp tục nhân rộng một số mô hình điểm, tương tự như mô hình tại làng nghề Bát Tràng, Vạn Phúc đang triển khai. Quá trình xây dựng mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp, làng nghề, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế, chính sách; đồng thời cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều ngành", ông Trần Sỹ Tiến nhấn mạnh.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho biết, trong bối cảnh du lịch quốc tế tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh do COVID-19, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang cho thấy là điểm đến an toàn, ứng phó tốt với những biến chuyển của dịch bệnh. Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, du lịch nội địa vẫn là khâu đột phá để phát triển. Điều quan trọng là chúng ta phải kết nối các dịch vụ du lịch, tiếp tục ứng phó linh hoạt với dịch bệnh... Trong bối cảnh đó, Hà Nội cần tiếp tục phát huy tốt các lợi thế, tiềm năng về hạ tầng, về văn hóa, hệ thống di tích, lễ hội, làng nghề, ẩm thực…; đồng thời, sẵn sàng các phương án thay đổi trong quá trình làm du lịch hậu COVID-19 về cả sản phẩm, công tác tiếp thị, quy trình quản lý... Cần chú trọng tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo về văn hóa, tâm linh, lịch sử, khám phá; hay các sản phẩm du lịch gắn kết với nông nghiệp, hệ thống làng nghề, phố nghề, mua sắm; hoặc sản phẩm du lịch ban đêm; tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng Thủ đô, tạo ra các chuỗi sản phẩm đặc sắc. “Đặc biệt, cần thay đổi tư duy trong việc phát triển du lịch kết hợp bảo vệ sinh thái, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, không thể không kể đến vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ công tác quảng bá du lịch, điểm đến”, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Tuấn Hải