Sóc Trăng thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đưa Du lịch thành ngành kinh tế quan trọng
Tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng
Sóc Trăng hiện có 5 quốc lộ đi qua gồm: 1A, Nam Sông Hậu, Quản lộ Phụng Hiệp, 60 và 61B kết nối Sóc Trăng với các tỉnh trong và ngoài Đồng bằng sông Cửu Long. Hệ thống cửa sông thông ra biển Đông cùng mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt đã tạo cho Sóc Trăng vị thế thuận lợi trong giao thương, phát triển kinh tế và kết nối phát triển các tuyến, tour du lịch.
Sóc Trăng có 50km chiều dài của sông Hậu với nhiều cù lao, vườn cây ăn trái ven sông. Đặc biệt, tỉnh có chợ nổi Ngã Năm với những nét đặc trưng của văn hóa miền sông nước Nam bộ. Thực hiện Đề án Phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2017 – 2020, Sóc Trăng, bước đầu đã hình thành cụm du lịch tại ấp Phương An 3 (xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú), cụm du lịch cộng đồng Cồn Mỹ Phước (xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách) và cụm du lịch cộng đồng huyện Cù Lao Dung.
Trên địa bàn tỉnh có trên 200 ngôi chùa, cơ sở thờ tự tôn giáo, trong đó có 39 di tích cấp tỉnh và 8 di tích cấp quốc gia. Nhiều di tích là điểm tham quan thu hút du khách như chùa Mahatup (chùa Dơi), Bửu Sơn Tự (chùa Đất Sét), chùa Sro Lôn (chùa Chén Kiểu), chùa Kh’leang, chùa La Hán, chùa Som Rong... Đây đều là những ngôi chùa mang biểu trưng tiêu biểu của văn hóa Phật giáo Khmer Nam Bộ, là tài sản văn hóa lớn, có giá trị trong phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa – lịch sử. Bên cạnh đó là nhiều dự án, công trình được xây dựng mới như Khu Văn hóa Tín ngưỡng tỉnh Sóc Trăng (Thiền viện Trúc Lâm), công trình ngôi sala và tượng Phật nằm tại chùa Som Rong, chùa Quan Âm Linh Ứng, Khu Văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên (huyện Châu Thành), chùa Quan Âm Đông Hải (thị xã Vĩnh Châu)…
Sóc Trăng còn có những lễ hội mang nét đặc trưng của cư dân vùng biển như Lễ hội cúng Phước Biển, Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội cúng Dừa, Ngày hội sông nước miệt vườn. Đặc biệt, Sóc Trăng được biết đến với Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo của đồng bào Khmer, được tổ chức vào ngày 15/10 (âm lịch) hàng năm, thu hút hàng ngàn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đến nay, Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo trở thành lễ hội cấp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Lễ hội Nghinh Ông được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…. Ngoài ra, Sóc Trăng còn có 6 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận, hình thành nên nhiều sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn du khách.
Văn hóa ẩm thực Sóc Trăng hấp dẫn thu hút du khách với nhiều đặc sản nổi tiếng như bún nước lèo, bún gỏi dà, hủ tiếu cá, bánh cống, bò nướng ngói… Trong đó có hai món ăn tiêu biểu được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận trong top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam là bánh cóng và bún nước lèo. Ngoài ra còn có bánh pía - lạp xưởng Vũng Thơm, củ hành tím, tỏi và xá pấu Vĩnh Châu, mắm cá rô không xương Ngã Năm… với những cơ sở sản xuất đã khẳng định được thương hiệu như Tân Huê Viên, Quảng Trân, Công Lập Thành.... Các mẫu quà lưu niệm đặc sắc như mô hình ghe ngo thu nhỏ, tranh phù điêu, hình lưu niệm để bàn, móc khóa hình các ngôi chùa, hình các món đặc sản tỉnh Sóc Trăng... là những sản phẩm đặc trưng được nhiều du khách yêu thích.
Công tác xúc tiến, quảng bá đã được ngành Du lịch Sóc Trăng quan tâm với việc tổ chức và tham gia 44 hội chợ, lễ hội, sự kiện du lịch trong và ngoài tỉnh; xuất bản và phát hành 52.000 ấn phẩm du lịch các loại; đã tổ chức cuộc thi tuyển chọn biểu tượng (logo) du lịch Sóc Trăng; tổ chức cuộc thi ảnh đẹp về du lịch Sóc Trăng; xây dựng 34 panô tuyên truyền, quảng bá. Đến nay, Sóc Trăng đã ký biên bản hợp tác phát triển du lịch với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu; tham gia cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây đồng bằng sông Cửu Long; chương trình liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long và với các công ty lữ hành để hình thành thêm nhiều loại hình, sản phẩm du lịch mới.
Đẩy mạnh phát triển du lịch Sóc Trăng trong bối cảnh mới
Để khai thác có hiệu quả các tiềm năng nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, ngành Du lịch Sóc Trăng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định tại Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2020 – 2025; xây dựng và triển khai các đề án “Tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2035”; “Xây dựng chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Đề án Du lịch thông minh; Đề án “Làng Văn hóa - Du lịch chợ nổi Ngã Năm”…; thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Sóc Trăng tiếp tục kêu gọi nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã được cấp giấy chứng nhận; đẩy mạnh thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch tại một số địa bàn như bãi biển Mỏ Ó, bãi biển Hồ Bể, rừng ngập mặn huyện Cù Lao Dung; ưu tiên dành nguồn vốn xây dựng mới, nâng cấp mở rộng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông thủy, bộ, nhất là công trình giao thông kết nối các khu, điểm du lịch trên địa bàn. Ngành Du lịch Sóc Trăng sẽ đẩy mạnh khai thác và phát huy các giá trị văn hóa cốt lõi của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, gắn kết các di tích, lễ hội, du lịch sinh thái cộng đồng, vườn cây ăn trái, các sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm OCOP của địa phương... nhằm hình thành nên một số sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.
Trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, ngành Du lịch Sóc Trăng chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, tăng cường thanh, kiểm tra các hoạt động kinh doanh du lịch đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đội ngũ nguồn nhân lực du lịch cũng sẽ được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong giai đoạn phát triển hiện nay.
Ngoài ra, để đạt mục tiêu duy trì lượng khách tăng bình quân 7%/năm, doanh thu tăng bình quân 20%/năm đến năm 2025, Sóc Trăng sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong ngành Du lịch; phát triển du lịch thông minh; ban hành chính sách hỗ trợ người dân tham gia làm du lịch… Với những giải pháp nêu trên, hy vọng trong thời gian tới, Du lịch Sóc Trăng sẽ khởi sắc, xứng đáng với tiềm năng và vị thế trên bản đồ du lịch cả nước.
Tài liệu tham khảo:
1. Quang Lân biên soạn (2021), Non nước Việt Nam 63 tỉnh thành, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
2. Lê Thông, Nguyễn Minh Tuệ đồng chủ biên (2015), Địa lý dịch vụ, tập 2 – Địa lý thương mại và du lịch, in lần thứ 2, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
3. Vân Trường (2020), Du lịch Sóc Trăng: Cần biến tiềm năng thành thế mạnh, nguồn: https:// tapchicongthuong.vn/bai-viet/du-lich-soc-trang-can-bien-tiem-nang-thanh-the-manh-77793.htm
4. Bùi Thị Hải Yến chủ biên (2011), Tài nguyên du lịch, in lần thứ hai, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
5. Bùi Thị Hải Yến chủ biên (2012), Du lịch cộng đồng, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội
PGS.TS. Lê Văn Tấn
Mai Thuận Lợi
(Tạp chí Du lịch tháng 11/2022)